Lithium và Ibuprofen là hai loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, khi sử dụng đồng thời, chúng có thể tương tác gây tăng đáng kể nồng độ Lithium trong huyết thanh, dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt, người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh khác như suy thận cần phải cẩn trọng khi sử dụng hai loại thuốc này đồng thời.
1. Thông tin chung về Lithium và Ibuprofen
1.1. Lithium
Dược lý và cơ chế tác dụng:
- Trên hệ thần kinh, Lithium có tác dụng chống cả hưng cảm và trầm cảm. Cơ chế tác dụng chính xác của Lithium trong ổn định tâm trí chưa được biết nhưng có thể Lithium cạnh tranh với ion Natri (và một số ion khác như Kali, Calci, Magnesi) nhưng không thay thế được Natri trong bơm Natri và không thể duy trì được điện thế màng. Ở nồng độ điều trị, Lithium ức chế giải phóng chất dẫn truyền thần kinh phụ thuộc kênh Calci là Dopamin và Noradrenalin (là những chất được coi là có liên quan đến bệnh sinh của hưng cảm) và tăng giải phóng Serotonin (chất có liên quan đến bệnh sinh của trầm cảm). Lithium cũng ức chế enzyme inositol monophosphatase (IMPase) từ đó ức chế chuyển hóa inositol phosphat ở não, do đó làm giảm lượng chất truyền tin thứ hai trong tế bào. Kết quả là làm giảm nhạy cảm của các nơron với các chất dẫn truyền thần kinh nội sinh.
- Lithium làm giảm sự nhạy cảm quá mức của thụ thể Dopamin ở trung ương thần kinh nên ức chế được một số cảm xúc quá độ như: Hoang tưởng, kích động, nói nhiều, mất ngủ và tình dục quá độ do các thuốc Amphetamin, Cocain gây ra.
1.2. Ibuprofen
Dược lý và cơ chế tác dụng:
- Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), dẫn xuất từ Acid propionic. Tương tự như các thuốc chống viêm không Steroid khác, Ibuprofen có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym Prostaglandin Synthetase và do đó ngăn tạo ra Prostaglandin, Thromboxan và các sản phẩm khác của enzym cyclooxygenase (COX). Ibuprofen cũng ức chế tổng hợp Prostacyclin ở thận và có thể gây nguy cơ ứ nước do làm giảm dòng máu tới thận. Cần phải lưu ý đến điều này khi chỉ định cho người bệnh có suy thận, suy tim, suy gan và các bệnh có rối loạn về thể tích huyết tương.
- Tác dụng chống viêm của Ibuprofen xuất hiện sau hai ngày điều trị. Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh hơn Aspirin, nhưng kém hơn Indomethacin. Thuốc có tác dụng chống viêm tốt và có tác dụng giảm đau tốt trong điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
2. Chỉ định của Lithium và Ibuprofen
2.1. Lithium
- Dự phòng và điều trị bệnh hưng cảm, bệnh hưng cảm – trầm cảm và trầm cảm tái phát.
2.2. Ibuprofen
- Giảm đau và chống viêm từ nhẹ đến vừa: Trong một số bệnh như đau đầu, đau răng. Dùng Ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện trong điều trị đau sau đại phẫu thuật hay đau do ung thư. Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
- Hạ sốt ở trẻ em.
- Chứng còn ống động mạch (PDA) ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, dưới 34 tuần.
- Đau bụng kinh.
3. Tương tác giữa Lithium và Ibuprofen
Dùng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nồng độ Lithium trong huyết thanh và gây độc tính ở một số bệnh nhân. Cơ chế tương tác chính xác chưa được biết, nhưng được cho là có liên quan đến sự ức chế tổng hợp Prostaglandin ở thận bởi NSAID, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận và bài tiết Lithium.
Mức độ tương tác từ nhiều nguồn khác nhau:
- Drug: nghiêm trọng
- WebMD: nghiêm trọng
- Medscape: nghiêm trọng
4. Tác dụng phụ
4.1 Tác dụng phụ của Lithium
Thường gặp: Hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, chậm tâm lý – vận động, đứng ngồi không yên, lú lẫn, sững sờ, ù tai, ảo giác, trí nhớ kém, hoạt động trí lực chậm, hay giật mình, hội chứng não thực thể xấu đi, chán ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm dạ dày, viêm tuyến nước bọt, đau bụng, tiết nhiều nước bọt, đầy hơi, khó tiêu, khô miệng, glucose niệu, giảm độ thanh thải creatinin, albumin niệu và các triệu chứng của đái tháo nhạt do thận gồm có đái nhiều, khát và chứng khát nhiều, bất lực (rối loạn tình dục).
Ít gặp: Nhức đầu, sốt, có vị kim loại, loạn vị giác, có vị mặn, tức ngực, run rẩy, rối loạn điều phối, múa vờn, múa giật, tăng phản xạ gân xương, các triệu chứng ngoại tháp bao gồm loạn trương lực cơ cấp, cứng (cứng từng cơn) bánh răng, cơn tối mắt, cơn kiểu động kinh, nói lắp bắp, rung giật nhãn cầu, tiểu tiện không tự chủ, hôn mê,…
4.2 Tác dụng phụ của Ibuprofen
Thường gặp: Sốt, mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, hoa mắt chống mặt, mẩn ngứa, ngoại ban.
Ít gặp: Phản ứng dị ứng, viêm mũi, nổi mày đay, đau bụng, chảy máu dạ dày – ruột, làm loét dạ dày tiến triển, lơ mơ, mất ngủ, ù tai, rối loạn thị giác, thính lực giảm, thời gian chảy máu kéo dài.
Hiếm gặp: Phù, nổi ban, hội chứng Stevens – Johnson, rụng tóc, hạ natri, trầm cảm, viêm màng não vô khuẩn và hôn mê, nhìn mờ, rối loạn màu sắc, giảm thị lực do ngộ độc thuốc, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa ái toan, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu, rối loạn co bóp túi mật, các thử nghiệm thăm dò chức năng gan bất thường, nhiễm độc gan. Viêm ruột hoại tử, hội chứng Crohn, viêm tụy, viêm bàng quang, đái ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư, nhạy cảm với ánh sáng.
4.3 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Lithium và Ibuprofen cùng nhau
Bệnh nhân có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng tiềm ẩn của ngộ độc Lithium như:
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Yếu cơ
- Nôn
- Tiêu chảy
- Uống nhiều nước
- Tiểu nhiều
- Ù tai
- Mất công bằng
- Nhìn mờ
- Run
5. Cảnh báo và các biện pháp xử lý
Với khoảng trị liệu hẹp của Lithium, nên thận trọng khi dùng đồng thời với NSAID, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác (ví dụ: hạn chế Natri, suy thận, suy tim sung huyết, mất nước, sử dụng đồng thời thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển , hoặc thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II).
Bệnh nhân nên kiểm tra nồng độ Lithium trong huyết thanh cứ sau 4 đến 5 ngày kể từ khi bắt đầu dùng NSAID cho đến khi có thể đánh giá được mức độ tương tác tiềm tàng.
Có thể cần giảm liều Lithium trong một số trường hợp.
Chức năng thận cũng cần được theo dõi thường xuyên.
6. Kết luận
Tương tác giữa Lithium và Ibuprofen có thể làm tăng nồng độ Lithium trong máu, gây ra các tác dụng phụ và nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh nhân. Việc giám sát và hạn chế tương tác giữa hai loại thuốc này là cực kỳ cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.
Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com
Leave a Reply