Khi một người bị gãy xương, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng sản xuất các hoocmon stress như cortisol và adrenaline. Điều này sẽ gây ra tình trạng dãn mạch, tăng nhịp tim và tăng cường hoạt động của hệ thống hô hấp. Tuy nhiên, nếu phản ứng này quá mạnh hoặc kéo dài, nó có thể dẫn đến sốc chấn thương.
Sốc chấn thương sau gãy xương là tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng của bệnh nhân, khi cơ thể phản ứng mạnh trước một chấn thương nghiêm trọng. Sốc chấn thơng là một trong những biến chứng sớm thường gặp và có ảnh hưởng rất nhiều đến các biến chứng khác của gãy xương như chèn ép khoang, nhiễm trùng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sốc chấn thương có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng bao gồm suy tim, suy thận hoặc có thể tử vong.
1. Nguyên nhân dẫn tới sốc chấn thương sau gãy xương:
Hai nguyên nhân chính dẫn tới sốc chấn thương đó là đau và mất máu:
- Đau do các dây thần kinh cảm giác nằm trên màng xương và vùng xung quan ổ gãy bị tổn thương. Nếu tổn thương nghiêm trọng bệnh nhân có thể rất đau và vào sốc nhanh hơn.
- Mất máu có thể từ mạch máu màng xương, vỏ xương, tủy xương hoặc từ các mô xung quanh ổ gãy hoặc từ các mạch máu chính bị tổn thương do xương gãy. Trong trường hợp gãy xương kín, máu không đổ ra ngoài mà ứ đọng lại trong ổ gãy và các mô mềm xung quanh lượng máu này không tham gia vào tuần hoàn chung nên có thể xem như là lượng máu đã mất.Mất máu có thể làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như não, tim và gan.
2. Các yếu tố thuận lợi dẫn đến sốc chấn thương:
- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi xảy ra chấn thương: Nếu bệnh nhân có các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, suy gan, thiếu máu, đái tháo đường hoặc bệnh lý khác nguy cơ cao xảy ra sốc chấn thương sau gãy xương.
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương: các trường hợp gãy xương lớn, gãy nhiều xương, gãy xương kèm theo mô giập nát nhiều, có tổn thương mạch máu chính, bệnh nhân đa chấn thương, bệnh nhân không được xử trí bất động tốt trước khi được chuyển đến bệnh viện.
- Mức độ mất máu: lượng máu mất bệnh nhân tỉ lệ thuận với khả năng xảy ra sốc chấn thương trên bệnh nhân.
- Chấn thương do tai nạn giao thông: bệnh nhân chấn thương do tai nạn giao thông thường nặng và kèm theo đa chấn thương.
3. Triệu chứng lâm sàng sốc chấn thương:
- Da niêm nhạt, tay chân lạnh, CRT >2s
- Huyết áp thấp: Huyết áp của bệnh nhân sẽ giảm mạnh, thường dưới mức 90/60 mmHg.
- Nhịp tim nhanh: Tần số tim của bệnh nhân có thể tăng, thường trên 100 lần/phút.
- Nhịp thở nhanh: Tần số thở của bệnh nhân có thể tăng, thường trên 20 lần/phút.
- Rối loạn chức năng của các cơ quan khác: Nếu sốc chấn thương kéo dài và không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra sự rối loạn chức năng của các cơ quan khác bao gồm thận, gan và phổi.
- Đánh giá chỉ số sốc CSS>1 ( CSS= tần số mạch trong 1p/Huyết áp tâm thu)
4. Xử trí sốc chấn thương:
- Đánh giá trình trạng bệnh nhân qua dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.
- Lập đường truyền tĩnh mạch. Truyền dịch nhanh nước và điện giải, bồi hoàn lượng máu mất.
- Cho bệnh nhân thở oxy, tùy lâm sàng bệnh nhân mà cho lượng phù hợp.
- Ngăn chặn sự chảy máu tiếp diễn của bệnh nhân: câm máu, bất động xương gãy.
- Giảm đau: bất động xương, gãy tê ổ gãy hoặc phong bế thần kinh. Chỉ dùng thuốc giảm đau thần kinh trung ương trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương mô giập nát nhiều hoặc gãy xương lớn, gãy nhiều xương và sau khi đã xác định bệnh nhân không có tổn thương não, bụng hoặc ngực kèm theo.
- Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.
5. Dự phòng không để bệnh nhân rơi vào sốc chấn thương:
- Tiên lượng bệnh nhân sau gãy xương có khả năng vào sốc chấn thương hay không nhờ các triệu chứng lâm sàng và yếu tố thuận lợi trên bệnh nhân để có phương hướng xử trí sớm.
- Ngăn chặn sự chảy máu tiếp diễn ở bệnh nhân sau gãy xương để hạn chế tối đa lượng máu mất.
- Giảm đau cho bệnh nhân đúng cách bằng bất động xương, tiêm thuốc tê vào ổ gãy hoặc sử dụng thuốc giảm đau nếu có chỉ định
- Xử trí bất động tốt trước khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply