Chế độ dinh dưỡng trong điều trị trẻ em nhiễm COVID-19

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con người đặc biệt trong giai đoạn phát triển của trẻ em. Khi mắc bệnh thì dinh dưỡng cân bằng và hợp lý lại càng quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng và đẩy lùi được bệnh tật. Do sự bùng nổ của đại dịch Covid 19 trên toàn cầu, tuy tỷ lệ mắc ở trẻ em chưa cao nhưng việc đưa ra hướng dẫn hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhi mắc viêm phổi cấp là cần thiết để góp phần cải thiện kết quả điều trị.

Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhi mắc COVID-19 là cần thiết
Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhi mắc COVID-19 là cần thiết

1. Xác định nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

1.1. Nhu cầu năng lượng 

– Nhu cầu năng lượng khuyến cáo cho trẻ bệnh không nặng được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Nhu cầu năng lượng cho trẻ em

Tuổi Nhu cầu (kcal/kg/ngày)
<3 tháng 110
3-6 tháng 100-110
>6 tháng- 12 tháng 100
1-3 tuổi 90-95
3-6 tuổi 80-90
6-9 tuổi 70-80
9-12 tuổi 60-70
12-15 tuổi 50-60
15-18 tuổi 45-50

– Nhu cầu năng lượng cho trẻ bệnh nặng được điều trị tại đơn vị hồi sức PICU (Paediatric Intensive Care Units):

Khuyến cáo xác định nhu cầu năng lượng bằng máy đo nhiệt lượng gián tiếp (IC- indirect calorimetry).

Nếu không có thiết bị IC thì sử dụng công thức tính năng lượng của Schofield

Bảng 2. Công thức Schofield xác định nhu cầu năng lượng – (Kcal/ngày)

Tuổi (năm) Giới Công thức theo cân nặng Công thức theo cân nặng và chiều cao
<3 trai 59,48 W*-30,33 0,167W+1517,4H#-617,6
gái 58,29 W-31,05 16,252W+1023,2H-413,5
3-10 trai 22,7W+505 19,59W + 130,3H+ 414,9
gái 20,3W+486 16,97W + 161,8H+371,2
10-18 trai 17,7W+659 16,25W +137,2H+515,5
gái 13,4W+696 8,365W+465H+200

*W: Weight- Trọng lượng cơ thể, dùng cân nặng thực tế nếu như trẻ Suy dinh dưỡng hoặc thừa cân- béo phì)

#H: Height- Chiều cao

1.2. Nhu cầu nước, các chất sinh năng lượng và điện giải

Bảng 3. Nhu cầu nước, các chất sinh năng lượng và điện giải

Thành phần Cân nặng
< 10 kg 10 – 20 kg >20 kg
Dịch (nước) 100 – 150 ml/kg 1000 ml + 50 ml/kg (cho mỗi kg > 10 kg) 1500 ml + 20 ml/kg (cho mỗi kg > 20 kg)
Protid g/kg 1,5 – 3 1 – 2,5 0,8 – 2,0
Glucid, g/kg 10 – 30 8 – 28 5 – 20
Lipid, g/kg 0,5 – 4 1 – 3 1 – 3
Điện giải Trẻ sơ sinh Trẻ nhỏ Trẻ vị thành niên
Natri 2 – 4 mEq/kg 2 – 4 mEq/kg 60 – 150 mEq
Kali 2 – 4 mEq/kg 2 – 4 mEq/kg 70 – 180 mEq
Clo 2 – 4 mEq/kg 2 – 4 mEq/kg 60 – 150 mEq

Nhu cầu các chất khoáng và vitamin theo khuyến nghị của viện Dinh dưỡng năm 2016

2. Chế độ dinh dưỡng

– Hiện nay, số liệu về biểu hiện lâm sàng của trẻ COVID-19 còn ít, tuy nhiên ở trẻ em thấy biểu hiện bệnh thường nhẹ hơn so với người lớn và các biểu hiện chính thường gặp là ho, sốt và có thể kèm theo theo nhiễm trùng cơ hội. Nhưng trên một số ca ghi nhận được thì thấy triệu chứng ở trẻ em nhiều khi là biểu hiện nhẹ không có viêm phổi.

2.1. Người bệnh viêm phổi cấp không nặng/nặng nhưng chưa có biến chứng 

– Không cần thiết phải có chế độ ăn đặc biệt dinh dưỡng cho người bệnh viêm phổi khi chưa có biến chứng. Song, chế độ ăn cũng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch.

– Trẻ bú mẹ nên tiếp tục duy trì bú mẹ. Nếu trẻ khó bú có thể vắt sữa và đổ thìa cho trẻ. Cho ăn thường xuyên và ít một nếu trẻ ăn kém, nôn bởi ảnh hưởng của ho,ngạt mũi, tặc mũi, sốt…

– Trẻ cần ăn đủ và cân bằng dinh dưỡng và độ thô theo lứa tuổi, đảm bảo nhận đủ dinh dưỡng theo khuyến nghị theo tuổi.

– Ngoài ra sữa công thức là một sản phẩm dinh dưỡng và hợp lý cho trẻ nhỏ khi mẹ không có hoặc thiếu sữa.

 Lưu ý: Trẻ thường ho, thở nhanh nên ăn dễ nôn trớ vì vậy nên cho trẻ ăn nhẹ, lỏng hơn bình thường vì sẽ không gây kích ứng ho trong khi nuốt, gây khó thở do dạ dày đầy hoặc tăng năng lượng tiêu hao cũng như nhịp tim nhanh để tiêu hóa thức ăn. Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.

2.2. Cho viêm phổi cấp nặng/biến chứng nặng tại PICU 

Nguyên tắc chung:

– Cho dinh dưỡng tiêu hóa sớm, nếu không có chống chỉ định

– Kiểm soát dịch và điện giải

– Chế độ dinh dưỡng cần đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa cơ bản tiêu hao lúc nghỉ ngơi, đủ protid nhằm ngăn ngừa dị hóa protid, đủ vi chất dinh dưỡng, duy trì tăng trưởng, phát triển cho trẻ

– Khuyến cáo đo chuyển hóa năng lượng gián tiếp (IC) để xác định nhu cầu năng lượng cho trẻ bệnh nặng tại PICU

2.3. Cho bệnh nhi ECMO 

2.3.1. Nguyên tắc:

– Ăn đường ruột (như dinh dưỡng qua ống thông) sớm là an toàn.

– Dinh dưỡng ống thông được thực hiện khi điểm VIS <14 (Vasoactive Inotropic Support Score) (tức là khi bệnh nhân trong tình trạng ổn định), tốt nhất là VIS <10.

– Giảm thiểu các yếu tố gây trì hoãn dinh dưỡng tiêu hóa (các can thiệp gây nhịn ăn qua tiêu hóa) sẽ giúp đạt được dinh dưỡng tối ưu

– Khuyến cáo đo nhiệt lượng gián tiếp và khí máu trước và sau máy tạo oxy có thể xác định tiêu hao năng lượng lúc nghỉ (REE- Resting Energy Expenditure)

– Dinh dưỡng tĩnh mạch có thể được sử dụng để đạt được các mục tiêu dinh dưỡng

2.3.2. Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhi ECMO

– Thời gian cho ăn sớm nếu có thể. Chậm nhất 48-72 giờ, ngay cả khi bệnh nhân đang dùng thuốc vận mạch.

– Dinh dưỡng qua tiêu hóa (DDTH) nên được bắt đầu sau giai đoạn hồi sức của bệnh nhân, khi liều lượng của vận mạch và thuốc tăng co bóp ổn định (VIS<10, the Vasoactive-Inotropic Score-VIS), và các dấu hiệu của giảm tưới máu, đã đạt được.

– Áp lực cao/ chỉ số VIS >10. VIS là tổng của các điểm sau:

1* liều dopamin (µg/kg/phút) + 1* liều dobutamin (µg/kg/phút) +

100liều epinephrine (µg/kg/phút) + 100 liều norepinephrine (µg/kg/phút)+

10* milrinone (µg/kg/phút) + 10000* liều vasopresin (U/kg/phút)

– Kiểm tra khả năng dung nạp với chất lỏng trước khi bắt đầu cho ăn dinh dưỡng qua ống thông, cách thực hiện:

○ Cho 100 ml nước qua sonde dạ dày trong khoảng thời gian ba giờ và thực hiện 2 lần liên tiếp

○ Có thể bắt đầu dinh dưỡng ống thông, nếu dịch tồn dư dạ dày < 200 ml trong hai lần thử liên tiếp

– Nguyên tắc và cách tiến hành tương tự như dinh dưỡng cho người bệnh nặng ở PICU, như:

○ Bắt đầu cho ăn với thể tích ít và tốc độ chậm, sau đó tăng dần và đạt 75-80% đích nhu cầu tương tự như bệnh nhân nặng ICU trong cuối tuần đầu tiên.

○ Chọn công thức dinh dưỡng tiêu hóa phù hợp với bệnh lý và khả năng dung nạp của đường tiêu hóa

○ Theo dõi tồn lưu/ dư dạ dày mỗi 6 tiếng trong ngày đầu tiên của dinh dưỡng ống thông; mỗi 12 tiếng trong ngày thứ hai và hàng ngày trong những ngày tiếp theo, nhằm giảm nguy cơ hít sặc và viêm phổi liên quan đến thở máy

○ Tựa đầu của bệnh nhân được giữ cao hơn 30 độ.

Tóm lại, dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19 rất quan trọng, giúp quá trình phục hồi của trẻ nhanh chóng và bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh COVID-19 gây ra.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *