Dinh dưỡng cho người bệnh COVID-19 có bệnh lý kèm theo

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh COVID-19, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý kèm theo. Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh COVID-19 có bệnh lý kèm theo giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình hồi phục và giảm nguy cơ các biến chứng.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh COVID có bệnh lý kèm theo giúp hỗ trợ quá trình hồi phục
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh COVID có bệnh lý kèm theo giúp hỗ trợ quá trình hồi phục

1. Chế độ dinh dưỡng chung cho người bệnh COVID-19 

1.1. Viêm Đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ

– Chế độ dinh dưỡng từ thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp, sữa…) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng

– Bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng: Trái cây, nước ép trái cây, sinh tố phù hợp, để tăng cường miễn dịch hoặc dạng lỏng với năng lượng, đạm cao, đầy đủ vi chất, phù hợp bệnh lý cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, Suy dinh dưỡng lúc nhập viện để nâng cao thể trạng và miễn dịch.

1.2. Viêm phổi nặng

– Ưu tiên chế độ dinh dưỡng từ thức ăn lỏng (cháo, súp…) hoặc xay nhuyễn (như dùng qua ống thông) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng

– Bổ sung dinh dưỡng qua tiêu hóa (miệng hoặc Dinh dưỡng ống thông): Thức uống dinh dưỡng (1ml= 1 đến 1,5kcal, 15-20% tổng năng lượng từ đạm, lipid có bổ sung axit béo omega 3 và 9, đầy đủ vi chất), phù hợp bệnh lý cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, Suy dinh dưỡng lúc nhập viện và/hoặc khi ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian nằm viện để ngăn ngừa Suy dinh dưỡng trong bệnh viện.

1.3. Hồi sức tích cực (Thở máy, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển…)

– Cho phần lớn người bệnh: Chế độ dinh dưỡng dạng lỏng (1ml= 1 đến 1,5kcal, 15-20% tổng năng lượng từ đạm, lipid có bổ sung axit béo omega 3 và 9, đầy đủ vi chất), phù hợp bệnh lý.

– Người bệnh có kém dung nạp tiêu hóa: Chế độ dinh dưỡng dạng lỏng (1ml= 1-1,5kcal, 15-20% tổng năng lượng từ đạm, đạm peptide/đạm thủy phân, lipid có bổ sung triglyceride chuỗi trung bình-MCT, axit béo omega 3, 9 đầy đủ vi chất)

– Tránh dùng chế độ dinh dưỡng có chất béo chứa hoàn toàn axit béo omega 6.

2. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh COVID-19 có bệnh lý kèm theo

2.1. Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim)

– Chế độ dinh dưỡng từ thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp, sữa…) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng, trong đó axit béo bão hòa<1/3 tổng số lipid, chất xơ 20-25g/ngày, natri ≤2000mg (có trong khẩu phần dinh dưỡng trong ngày) ở bệnh nhân suy tim (theo hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Y tế năm 2006).

– Bổ sung dinh dưỡng qua tiêu hóa (miệng hoặc dinh dưỡng ống thông): Thức uống dinh dưỡng (1ml= 1-1,5kcal, 15-20% tổng năng lượng từ đạm, ít cholesterol và axit béo bão hòa, hàm lượng natri thấp, đầy đủ vi chất) cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng lúc nhập viện và/hoặc khi ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi có suy tim mạn để ngăn ngừa Suy dinh dưỡng trong bệnh viện.

2.2  Đái tháo đường/ Tăng đường huyết

– Chế độ dinh dưỡng từ thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp, sữa…) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng, trong đó glucid chiếm từ 50-60% tổng năng lượng (theo hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Y tế năm 2006).

– Bổ sung dinh dưỡng qua tiêu hóa (miệng hoặc dinh dưỡng ống thông): Chọn thức uống dinh dưỡng dành người bệnh ĐTĐ có chỉ số đường huyết thấp (Glycemic Index-GI), đầy đủ vi chất cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng lúc nhập viện và/hoặc khi ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, nhằm ngăn ngừa Suy dinh dưỡng trong bệnh viện.

2.3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

– Chế độ dinh dưỡng từ thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp, sữa…) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng, trong đó 15-20% tổng năng lượng từ protid, 30-40% năng lượng từ lipid, đầy đủ vi chất dinh dưỡng.

– Bổ sung dinh dưỡng qua tiêu hóa (miệng hoặc dinh dưỡng ống thông): Thức uống dinh dưỡng (1ml= 1-1,5kcal, 15-20% tổng năng lượng từ đạm, 30-40% năng lượng từ lipid, chứa xơ, đầy đủ vi chất) cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng lúc nhập viện và/hoặc khi ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, nhằm ngăn ngừa Suy dinh dưỡng trong bệnh viện.

2.4. Bệnh thận mạn

– Chế độ dinh dưỡng từ thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp, sữa…) định chuẩn theo nhu cầu dinh dưỡng, trong đó protid từ 1,3-1,5g/kg/ngày, lên đến 1,7g/kg/ngày nếu có tổn thương thận cấp và lọc máu liên tục (như CRRT-Continuous Renal Replacement Therapy); hoặc từ 0,6-<1,0g/kg/ngày ở người bệnh có tổn thương thận nhưng không lọc máu

– Bổ sung dinh dưỡng qua tiêu hóa (miệng hoặc dinh dưỡng ống thông): Thức uống dinh dưỡng (1ml= 1-1,5kcal, hàm lượng đạm tùy thuộc vào mức độ suy thận, có hay không có điều trị thay thế thận, hàm lượng natri, kali, phospho thấp, đầy đủ vi chất) cho người bệnh có nguy cơ Suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng lúc nhập viện và/hoặc khi ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, nhằm ngăn ngừa Suy dinh dưỡng trong bệnh viện.

Tóm lại, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh COVID-19 có bệnh lý kèm theo. Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, tránh các loại thực phẩm có hàm lượng đường, chất béo và muối cao, và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *