Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.
1. Tác nhân
Ấu trùng giun đũa chó/mèo (Toxocara canis/ Toxocara cati).
2. Nguồn bệnh
Nguồn bệnh hay ổ chứa chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp., đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.
3. Phương thức lây truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo
– Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó/mèo.
– Người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ.
– Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
4. Tính cảm nhiễm và miễn dịch
Tất cả mọi người, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành.
5. Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa chó/mèo
Hình 1: Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa chó/mèo (Nguồn US-CDC, 2019)
(1). Trứng giun thải ra môi trường qua phân.
(2). Trứng mang phôi phát triển ở ngoài môi trường sau 1-4 tuần thành trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 và có khả năng lây nhiễm.
(3,4). Tái nhiễm vào vật chủ chính và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(5,6). Ấu trùng từ chó/mèo mẹ sang con qua đường nhau thai hoặc cho bú, phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(7). Vật chủ chứa, ví dụ thỏ bị nhiễm do ăn phải trứng giun.
(8). Chu kỳ khép kín khi chó/mèo ăn thịt các động vật này.
(9,10). Người bị bệnh khi ăn phải trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 trong môi trường hoặc qua vật chủ chứa.
(11). Ở người, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu và đi đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
6. Triệu chứng lâm sàng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo
6.1. Thể thông thường:
Các triệu chứng không quá rầm rộ, có thể gặp như
– Ngứa, nổi mẩn;
– Đau đầu;
– Đau bụng;
– Ho;
– Rối loạn giấc ngủ;
– Thay đổi hành vi.
6.2. Thể ấu trùng di chuyển ở mắt:
Thể mắt ít gặp, thường bị ở một bên mắt. Triệu chứng bao gồm:
– Giảm thị lực;
– U hạt: u hạt cực sau, u hạt ngoại vi;
– Viêm nội nhãn,
– Tổn thương võng mạc, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào
– Mất thị lực hoàn toàn.
6.3. Thể ấu trùng di chuyển nội tạng
Ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Thể nội tạng gặp nhiều ở trẻ em dưới 7 tuổi. Các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh, thường gặp là:
– Đau bụng mãn tính, gan to, tiêu chảy, nôn;
– Hen phế quản: Khò khè, ho khan, khó thở;
– Tức ngực;
– Sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân;
– Mẩn ngứa, nổi ban.
6.4. Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh
Đây là thể bệnh nguy hiểm so với các thể khác. Các triệu chứng không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như:
– Sốt;
– Đau đầu;
– Co giật.
7. Cận lâm sàng
7.1. Xét nghiệm
– ELISA: Phát hiện có kháng thể IgG kháng kháng nguyên tiết của Toxocara spp. trong huyết thanh hoặc dịch nội nhãn.
– Công thức máu: Bạch cầu ái toan trong máu tăng > 7% (hoặc > 500 tế bào/µl máu).
– Xét nghiệm máu lắng: tăng
– CRP (C Reaction Protein): tăng
– Xét nghiệm định lượng IgE: tăng
– Xét nghiệm phân: tìm các ký sinh trùng khác để chẩn đoán loại trừ.
– Sinh thiết tổ chức: Xác định mô bệnh học của tổn thương nhiễm ấu trùng giun đũa chó/mèo hoặc xác định được ấu trùng, thường có thâm nhiễm bạch cầu ái toan.
– Sinh học phân tử: Phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng giun đũa chó/mèo trong bệnh phẩm sinh thiết.
7.2. Chẩn đoán hình ảnh
– Chụp Xquang phổi: Có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi, các vết thâm nhiễm phổi.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): Có hình ảnh thay đổi tỷ trọng tương ứng với vùng tổn thương.
– Chụp MRI các cơ quan nghi tổn thương: phát hiện thay đổi túi hiệu tương ứng các vùng tổn thương.
– Siêu âm ổ bụng, siêu âm đầu dò nông: Phát hiện tổn thương các tạng trong ổ bụng hoặc phần mềm dưới da. Các tổn thương ở tạng dưới dạng nốt < 3cm, giảm âm không đồng nhất, có thể có các chấm tăng âm không kèm bóng cản bên trong, tổn thương bờ khá đều, ranh giới rõ, không tăng sinh mạch, có vỏ xơ mảnh xung quanh. Dưới da là các tổn thương thâm nhiễm, có thể khu trú tùy giai đoạn.
– Soi đáy mắt: Dấu hiệu xơ võng mạc, vết “chân vịt”, có thể thấy hình ảnh ấu trùng ở đáy mắt.
8. Chẩn đoán
8.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ
Là trường hợp có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với chó/mèo hoặc các yếu tố nguy cơ và có các triệu chứng sau:
– Ngứa, nổi mẩn;
– Đau đầu, đau bụng, khó tiêu;
– Đau nhức mỏi, tê bì;
– Sốt, thở khò khè;
– Có thể kèm theo một hoặc các triệu chứng sau: Gan to, viêm phổi, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, giảm thị lực, tổn thương võng mạc.
8.2. Trường hợp bệnh xác định
Là trường hợp bệnh nghi ngờ và có một trong các xét nghiệm sau:
– Tìm thấy ấu trùng giun đũa chó/mèo.
– Phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng bằng sinh học phân tử.
– Xác định được kháng thể kháng giun đũa chó/mèo bằng ELISA.
– Bạch cầu ái toan tăng hoặc
– Có tổn thương nghi ngờ trên chẩn đoán hình ảnh.
8.3. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm da cơ địa;
– Viêm da tiếp xúc;
– Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da do ấu trùng giun móc/mỏ, giun lươn;
– Sán lá gan lớn;
– Ấu trùng sán lợn;
– Nhiễm các loại giun tròn đường ruột khác.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply