Trước khi tiến hành điều trị phục hình Implant trên bệnh nhân cụ thể, Nha sĩ cần biết những lưu ý trong kế hoạch điều trị, nắm được những khó khăn, sai lầm có thể mắc phải, và đưa ra một kế hoạch tổng quan cho bệnh nhân. Cùng đi vào tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
1. Những vấn đề cần lưu ý
Phần này cung cấp một cái nhìn toàn diện về việc lập kế hoạch điều trị. Người đọc nên tham khảo các chương như kế hoạch phục hình cho mão răng đơn lẻ, cầu răng, hàm phủ để có những lưu ý cụ thể hơn. Kế hoạch điều trị nên bắt đầu với một ý tưởng rõ ràng về kết quả mong muốn sau điều trị. Kết quả này nên đáp ứng được những đòi hỏi của bệnh nhân về chức năng và thẩm mỹ. Điều quan trọng là những mục tiêu điều trị này thực tế, tiên lượng được và dễ dàng duy trì. Thực tế nghĩa là kết quả sau cùng dễ dàng đạt được và không lạc quan quá mức. Tiên lượng được nghĩa là kết quả sau cùng có cơ hội thành công cao và phục hình thực hiện chức năng tốt trong thời gian dài. Phục hình nên chịu đựng được với lực nghiến và xé bình thường và không dễ gặp các biến chứng cơ học, biến chứng kỹ thuật quá mức. Duy trì dễ dàng nghĩa là phục hình không làm ảnh hưởng tới vệ sinh răng miệng của bệnh nhân và không làm tăng nguy cơ viêm quanh implant và “bảo hành” trong tương lai cho bệnh nhân và nha sĩ là có thể chấp nhận được.
Trong phần này, chúng ta giả sử những lựa chọn điều trị khác ngoài phục hình trên implant đã được xem xét và không có chống chỉ định. Quá trình thăm khám bắt đầu bằng việc tham khảo ý kiến bệnh nhân, xem xét yêu cầu của họ về mặt chức năng và thẩm mỹ, tiếp theo là lập kế hoạch chi tiết hơn bằng cách khám trong miệng, thiết lập mẫu chẩn đoán, đánh giá X-quang. Tại tất cả các giai đoạn trong quá trình này, điều quan trọng là chúng ta phải thiết lập và duy trì giao tiếp tốt với bệnh nhân (cả nói và viết) để chắc chắn rằng họ hiểu kế hoạch điều trị đề nghị và các kế hoạch khác.
Các lưu ý về thẩm mỹ vô cùng quan trọng đối với hầu hết bệnh nhân mất răng cửa trước. Điều này làm tăng thách thức đối với bác sỹ lâm sàng và liên quan tới:
1.1. Điều trị phục hình thiết lập độ che phủ răng trước (và nướu) bởi môi trong quá trình thực hiện chức năng và cười
1.2. Độ tiêu sống hàm cả chiều cao và chiều ngang (hình 2.3 A-C)
1. 3. Tạo ra sự nâng đỡ môi thích hợp
Bằng cách tạo ra một mẫu chẩn đoán trên hàm nghiên cứu hay làm một phục hình tạm, ta có thể đánh giá diện mạo của phục hình theo kế hoạch đã lập sẽ như thế nào.
Phục hình tạm thường cung cấp nhiều thông tin cho bệnh nhân hơn vì họ có thể đánh giá diện mạo phục hình ngay chính trong miệng họ, thậm chí mang trong một thời gian dài để đánh giá nó một cách đầy đủ. Cả mẫu hàm chẩn đoán và phục hình tạm có thể dùng làm mẫu để tạo ra:
1. Một máng chụp phim để đánh giá vị trí răng theo tương quan với hình dạng sống hàm bên dưới (hình D).
2. Một máng phẫu thuật (hoặc hướng dẫn) để giúp phẫu thuật viên đặt implant một cách tối ưu (hình E-H)
3. Một phục hình chuyển tiếp trong suốt quá trình điều trị (hình C)
Lý tưởng nhất, bệnh nhân nên được thăm khám cả khi mang phục hình hiện tại hoặc phục hình chẩn đoán lẫn khi không mang để đánh giá:
- Đường viền mặt, đường nét khuôn mặt
- Sự nâng đỡ môi
- Vị trí răng
- Phục hình bộc lộ bao nhiêu khi thực hiện chức năng
- Khớp cắn
Sau đó nếu cần thiết nên điều chỉnh lại mẫu chẩn đoán đề đáp ứng được những đòi hỏi về kết quả mong muốn sau cùng trước khi tiến hành điều trị.
Suy giảm hoặc thiếu chức năng là những than phiền thường gặp ở bệnh nhân mang hàm tháo lắp hoặc bệnh nhân mất nhiều răng cối. Sự suy giảm chức năng là thường là vấn đề nhận thức của bệnh nhân và được đánh giá bằng cách hỏi bệnh hơn là các phép đo đặc thù. Sự khác biệt giữa mỗi người trong việc nhận thức vấn đề này thường rất lớn. Ở những bệnh nhân có một cung răng nguyên vẹn từ răng cối lớn thứ hai bên này qua răng cối lớn thứ hai bên kia, việc mất một răng cối là không thể chấp nhận được và việc thay thế bằng một cầu răng hoặc implant là cần thiết. Ngược lại, một cung răng ngắn kéo dài tới răng cối thứ nhất hoặc răng cối nhỏ thứ hai có thể cung cấp đầy đủ chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, mất răng cối nhỏ thứ hai (đôi khi răng cối thứ nhất) có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Phục hình tạm có thể được dùng để giúp chúng ta thấy rõ những nhu cầu này, ví dụ như cần bao nhiêu đơn vị răng sau để thỏa mãn cả hai yêu cầu chức năng và thẩm mỹ.
2. Điều trị phục hình – Kế hoạch tổng quan
Việc quyết định trình tự điều trị có thể rất dễ dàng trong vài trường hợp và rất khó trong một số trường hợp khác, đặc biệt những case liên quan đến các phục hình chuyển tiếp.
Kế hoạch điều trị truyền thống gồm những bước sau:
- Khám LS và phim ban đầu
- Mẫu chẩn đoán, phục hình tạm và phim chuyên biệt nếu cần thiết
- Thảo luận những lựa chọn điều trị với bệnh nhân và quyết định phục hình sau cùng
- Hoàn thành những điều trị nha khoa cần thiết bao gồm:
• Nhổ những răng không giữ được
• Điều trị nha chu
• Điều trị phục hồi, phục hình mới và/hoặc điều trị nội nha nếu cần - Làm phục hình tạm hoặc phục hình chuyển tiếp nếu cần thiết
- Làm máng hướng dẫn phẫu thuật
- Phẫu thuật đặt implant
- Cho phép thời gian thích hợp để lành thương/ tích hợp xương tùy theo protocol, chất lượng xương và chức năng yêu cầu
- Giai đoạn phục hình
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply