Bài viết này giải thích tóm lược cách chịu lực của Implant, phác đồ tải lực phục hình, đồng thời đưa ra những nhận xét, cân nhắc cho nha sĩ về việc tải lực này. Cuối cùng, tác giả đề xuất hệ thống implant dựa vào những tiêu chí giúp Nha sĩ dễ dàng đánh giá trên bệnh nhân thực tế. Cùng tìm hiểu thêm.
1. Tình trạng chịu lực của Implant
Implant được tích hợp xương thiếu hệ thống đàn hồi giảm xóc và cơ chế cảm nhận của dây chằng nha chu, vốn có tác dụng hiệu quả làm triệt tiêu và kiểm soát lực. Tuy nhiên, cơ chế cảm nhận có thể hoạt động trong xương và các cấu trúc liên quan đến miệng. Lực phân bố trực tiếp đến xương thường tập trung vào một số khu vực nhất định, đặc biệt là xung quanh phần cổ implant. Lực quá mức tác động lên implant có thể dẫn đến sự tái tổ chức xương viền gây ra sự chuyển động về phía chóp của viền xương cùng với việc mất tích hợp xương. Cơ chế chính xác không rõ ràng, nhưng có ý kiến cho rằng những vi nứt có thể lan đến xương kế cận. Mất xương do chịu tải quá mức có thể tiến triển chậm. Trong vài trường hợp hiếm gặp nó có thể làm mất toàn bộ tích hợp xương còn lại, hoặc đứt gãy cả implant. Lực tác động quá mức có thể được phát hiện trước khi đến giai đoạn này thông qua X- quang thấy tiêu xương viền hoặc thất bại cơ học của phục hình phía trên và/hoặc abutment.
Các lực bình thường/được kiểm soát tốt có thể làm gia tăng mức độ xương tiếp xúc với implant. Sự thích ứng rất hạn chế, và sự tích hợp xương không cho phép sự chuyển động của implant giống như là răng trong chỉnh hình. Do đó, implant đuợc tích hợp xương là một hệ thống neo chặn rất hiệu quả với các trường hợp chỉnh hình khó.
2. Các phác đồ tải lực phục hình
Phác đồ tải lực là khoảng thời gian từ lúc cắm implant đến lúc chịu lực chức năng, chủ yếu là dựa trên thực nghiệm. Thời gian cho phép để xương lành thương đầy đủ được dựa trên các thử nghiệm lâm sàng kiểm tra tác động của các yếu tố như chất lượng xương, yếu tố tải, kiểu implant, v.v… Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu về các tác động qua lại giữa các yếu tố này, và hiện tại không có biện pháp chính xác để xác định khoảng thời gian tối ưu để lành thương trước khi tải lực. Điều này không hạn chế việc đưa ra các phác đồ, bao gồm:
- Tải lực trì hoãn (3-6 tháng)
- Tải lực sớm, ví dụ như 6 tuần
- Tải lực tức thì
Tải lực trì hoãn
Đây là phương pháp truyền thống và được khen ngợi khi thử nghiệm, kiểm tra, và có thể dự đoán trước. Ngay sau khi đặt implant, tránh mọi tải lực trong giai đoạn lành thương ban đầu. Sự dịch chuyển của implant trong xương ở giai đoạn này có thể dẫn tới sự xâm nhập mô sợi hơn là sự tích hợp xương. Trong những trường hợp mất răng, có thể bệnh nhân mong muốn có răng giả tạm thời. Tuy nhiên, những người mang hàm giả có keo dán không nên mang trên khu vực cấy ghép 1-2 tuần. Trên sống hàm mất răng toàn bộ hàm trên, không nên mang hàm giả trong 1 tuần, còn với hàm dưới là 2 tuần, vì sự ổn định kém của mô mềm và bề mặt nhỏ hơn. Bệnh nhân có thể mang hàm giả bán phần bình thường sau phẫu thuật, miễn là họ thấy thoải mái. Phác đồ của Branemark khuyên để implant không tải lực và được phủ phía dưới niêm mạc khoảng 6 tháng đối với hàm trên và 3 tháng với hàm dưới, chủ yếu do sự khác biệt về chất lượng xương. Ngày nay, phần lớn các phác đồ tải lực trì hoãn đưa ra thời gian tối đa 3 tháng cho sự lành thương cả 2 hàm.
Tải lực sớm
Nhiều hệ thống hiện đại với bề mặt implant nhám vừa phải có thể chỉ cần khoảng 6 tuần trước khi tải lực. Người ta khuyến cáo rằng implant nên được đặt ở trong xương chất lượng tốt ngay cả trong các tình huống không phải chịu lực cao.
Tải lực tức thì
Tải lực tức thì có thể áp dụng với sự thành công của tích hợp xương sau đó, với chất lượng xương tốt và các lực chức năng được kiểm soát đầy đủ. Trong các nghiên cứu về phục hồi răng đơn lẻ, mão răng thường được làm không có tiếp xúc lồng múi và vận động sang bên, do đó hầu như loại bỏ lực chức năng cho đến khi một mão răng cuối cùng được làm. Ngược lại, cầu cố định cho phép kết nối nhiều implant được nẹp tốt và ổn định, do đó đã được thử nghiệm trong các phác đồ tải lực tức thì và thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, các bác sĩ phải có một lý do chính đáng để áp dụng phác đồ tải sớm/tức thì đặc biệt khi họ khó dự đoán trước.
3. Cân nhắc sự tải lực phục hình
Sự tải lực thích hợp của khớp cắn khi thực hiện chức năng sẽ duy trì tích hợp xương. Ngược lại, sự tải lực quá mức sẽ dẫn tới mất xương và/hoặc thất bại. Tình trạng chịu lực trên lâm sàng phụ thuộc các yếu tố sau:
Loại phục hình
Việc thay thế một răng riêng lẻ ở bệnh nhân mất răng bán phần với phục hình toàn bộ ở bệnh nhân mất răng toàn phần rất khác nhau. Implant nâng đỡ hàm phủ có thể gặp những vấn đề đặc biệt liên quan tới việc kiểm soát lực vì phục hình có thể được nâng đỡ bởi niêm mạc, nâng đỡ bởi implant, hoặc cả hai.
Khớp cắn
Implant nâng đỡ phục hình cố định không di động nên các múi trên mặt nhai phải có độ nghiêng ít và sự chịu lực thích hợp trong vận động sang bên. Với phục hình một răng trên implant, cho tiếp xúc khớp cắn đầu tiên trên răng thật và tránh hướng dẫn trên phục hình trong vận động sang bên. Sự chịu lực cũng phụ thuộc răng đối diện, có thể là răng thật, phục hình trên implant hoặc phục hình tháo lắp. Đáng kinh ngạc là lực lớn cũng có thể được tạo ra từ hàm tháo lắp.
Số lượng, sự phân bố, định hướng và thiết kế Implant
Việc chịu lực trên xương có thể được phân bố ra bằng cách tăng số lượng và kích thước (đường kính, chiều dài, hình dạng bề mặt) của implant. Khoảng cách và sự sắp xếp trong ba chiều của mỗi implant cũng rất quan trọng.
Thiết kế và Đặc tính của Kết nối Implant
Nếu có nhiều implant thì thường được nối bằng 1 khung cứng chắc. Điều này giúp implant được nẹp chắc và phân bố tải lực. Khung được làm cho vừa với abutment cũng rất quan trọng để việc chịu lực không tạo ra bên trong tải lực phục hình. Tuy nhiên, vài nhà lâm sàng ủng hộ sự phục hồi nhiều implant với từng đơn vị riêng lẻ – điều này đòi hỏi có đủ khoảng cho 1 implant/răng và do đó cần nhiều implant hơn.
Kích thước và vị trí của nhịp với
Một vài implant được thiết kế với nhịp vói để cung cấp chức năng (và thẩm mỹ) ở những vùng đặt implant khó khăn. Điều này là vì sự cân nhắc trong thực hành hoặc kinh tế. Nhịp vói có khả năng tạo tải lực cao, đặc biệt là đối với implant cạnh nhịp vói. Mức độ lực đòn bẩy của nhịp với nên được xem xét trong mối quan hệ với khoảng cách trước sau giữa các implant tại vùng sau cùng của tải lực phục hình.
Hoạt động cận chức năng của bệnh nhân năng.
Nên hết sức cẩn trọng trong việc điều trị bệnh nhân có hoạt động cận chức năng
4. Lựa chọn một hệ thống Implant
Ở những trường hợp thông thường, việc lựa chọn hệ thống implant không thành vấn đề, đặc biệt ở những răng trước hàm dưới. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm của chúng tôi, lựa chọn một hệ thống implant trong những trường hợp đặc biệt phụ thuộc các yếu tố sau:
- Sự đòi hỏi thẩm mỹ
- Chiều cao, độ rộng, chất lượng của xương (bao gồm vùng được ghép)
- Hiểu được sự khó khăn trong phục hồi
- Quy trình phẫu thuật mong muốn
Bởi vậy, chúng tôi đề nghị như sau:
- Ở vùng thẩm mỹ, lựa chọn implant sao cho mão răng có thể đạt hình dáng đẹp, dễ dàng duy trì đường hoàn tất dưới niêm mạc khỏe mạnh.
- Chọn 1 implant có chiều dài và chiều rộng thích hợp với hình thái mào xương ổ có sẵn.
- Nếu vùng mất răng chỉ có thích hợp cho implant ngắn hoặc nếu chất lượng xương kém hoặc cần ghép thì việc kết nối các đơn vị implant quan trọng hơn.
- Nếu có khó khăn với tải lực phục hình vì độ nghiêng khó của implant, nên chọn hệ thống có tính linh hoạt để đối phó với những khó khăn này nghĩa là hệ thống có nhiều giải pháp hoặc nhiều thành phần.
- Nếu bạn muốn dùng một kế hoạch điều trị nhanh, nên chọn một hệ thống nổi tiếng đã được chứng minh là thành công với kế hoạch điều trị đặc biệt đó.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply