Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị táo bón

Táo bón là một tình trạng rất phổ biến và gây khó chịu cho nhiều người. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, táo bón có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về cách chẩn đoán và điều trị táo bón.

1. Đại cương về táo bón

Định nghĩa: Táo bón được định nghĩa là tình trạng phân cứng và khô, khó đi qua đường ruột, số lần đại tiện <3 lần/tuần. Nguyên nhân thường gặp bao gồm: ăn uống không đủ chất xơ, thiếu nước, ít vận động, sử dụng một số loại thuốc hoặc bệnh lý đường ruột. Táo bón có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó chịu, buồn nôn và thậm chí là tràn dịch dạ dày.

minh-hoa-che-do-an-thieu-chat-xo-dan-den-tao-bon
Chế độ ăn thiếu chất xơ thường gặp ở những trường hợp táo bón

2. Phân loại táo bón

Táo bón nguyên phát (táo bón chức năng):

  • Đại tiện tắc nghẽn (Sa trực tràng, lồng trực tràng, co thắt nghịch lý cơ mu- trực tràng)
  • Giảm nhu động đại tràng (Hirschsprung, thiếu tế bào Cajal, không rõ nguyên nhân)
  • Lưu thông đại tràng bình thường

Táo bón thứ phát:

  • Rối loạn chuyển hóa (tăng canxi máu, suy giáp)
  • Dùng thuốc (opioat, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống loạn thần)
  • Bệnh lý thần kinh (Parkinson, tổn thương tủy sống, đái tháo đường)
  • Bệnh nguyên phát ở đại tràng (hẹp, ung thư…)

3. Chẩn đoán táo bón

3.1. Tiền sử

  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: ăn ít chất xơ (<30g/ ngày), uống ít nước (<3L/ngày), ít vận động.
  • Bệnh lý nội tiết: đái tháo đường, suy giáp, tăng canxi máu, suy tuyến yên,…
  • Bệnh lý hậu môn trực tràng: rò hậu môn, hẹp hậu môn.
  • Rối loạn thần kinh: tổn thương rễ, Parkinson, xơ cứng tủy rải rác.
  • Thuốc: thuốc trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson, co giật,…
  • Tiền sử thai sản (BN nữ): số con, đẻ thường hay đẻ mổ.
  • Tiền sử gia đình: có người ung thư đại trực tràng.

3.2. Bệnh sử

  • Thời gian khởi phát triệu chứng, thời gian mỗi lần đại tiện
  • Số lần đại tiện trong 1 tuần.
  • Rặn, gắng sức khi đại tiện.
  • Đặc điểm phân: đánh giá theo thang điểm Bristol.
  • Cảm giác đại tiện không hết phân. Cảm giác tắc nghẽn ở hậu môn trực tràng.
  • Cần trợ giúp khi đại tiện móc phân hoặc ấn vào quanh hậu môn hoặc âm đạo.
  • Sử dụng thuốc thụt hoặc thuốc nhuận tràng.
  • Đau hoặc khó chịu bụng khi đại tiện.
  • Trực tràng sa ra ngoài khi đi đại tiện.

3.3. Khám lâm sàng

Để loại trừ các dấu hiệu gợi ý táo bón thứ phát:

  • Khám phát hiện thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt
  • Khám phát hiện dấu hiệu suy giáp.
  • Khám bụng: phát hiện đau bụng, khối u bụng.
  • Thăm khám bụng: thường xuất hiện triệu chứng đau bụng và chướng bụng
minh-hoa-trieu-chung-chuong-bung
Đau hay chướng bụng là triệu chứng thường gặp đối với bệnh nhân táo bón.

3.4. Cận lâm sàng

  • Siêu âm hoặc CT ổ bụng: loại trừ các khối u trong ổ bụng (đại tràng, tiền liệt tuyến, buồng trứng)
  • Nội soi đại trực tràng:  chẩn đoán ung thư, polyp, trĩ, nứt kẽ hậu mô, melanosis coli.
  • Chụp lưu thông đại tràng (Sitzmarks): chẩn đoán đờ đại tràng, giảm nhu động đại tràng, tắc nghẽn đường ra.
  • Cộng hưởng từ tống phân (MRI defecography): loại trừ bệnh lý rối loạn tống phân, rối loạn chức năng sàn chậu, sa tạng chậu.
  • Xét nghiệm máu và phân: Các xét nghiệm này có thể giúp xác định nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như thiếu chất xơ hoặc dấu hiệu nhiễm trùng
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp (FT4 và TSH): Xét nghiệm được dùng để kiểm tra tình trạng suy giáp dẫn đến giảm nhu động ruột.

4. Điều trị táo bón

Thay đổi lối sống:

  • Tăng lượng chất xơ trong thực đơn bằng cách bổ sung trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám
  • Uống nhiều nước
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định hằng ngày

Các nhóm thuốc điều trị táo bón:

  • Nhuận tràng tăng tạo khối lượng phân: Psyllium, Polycarbophil, Methylcellulose. Chỉ dung khi không thể tăng khẩu phần chất xơ trong bữa ăn. Tác dụng giữ nước lại làm tăng khối lượng phân. Thuốc có thể gây đầy hơi và chướng bụng nhưng khá an toàn khi dung lâu dài. Chú ý duy nhất là cần cung cấp nước đầy đủ.
  • Nhóm bôi trơn: dầu paraphin, glycerin
  • Nhuận tràng kích thích: tác dụng bằng cách kích thích trực tiếp vào hệ thống thần kinh đại tràng. Tác dụng thường xảy ra trong vòng 8-12 giờ, viên đặt tác dụng nhanh hơn 20-60 phút. Không nên dung dài nhóm này vì có nguy cơ gây ung thư.

+ Tác động trên bề mặt: Ducusate, acid mật

+ Dẫn xuất Diphenylmethan: Phenolphtalein, Bisacodyl, Picosulfat muối

+ Ricinoleic acid

+ Anthraquinones: Sena, cascara sagrada, aloe, rhubard

  • Nhuận tràng thẩm thấu: muối magne và phosphat 5-10 g/ngày tác dụng nhanh có nguy cơ tiêu chảy, đường lactulose 20-40 g/ ngày, sorbitol 10-20 g/ngày, polyethylene glycol. Tác dụng giữ nước lại theo cơ chế thẩm thấu
  • Glycerin đặt hậu môn
  • Ion magie, kẽm, canxi giúp tăng cường vận động ống tiêu hóa: Panangin 2 viên/ ngày

Điều trị thủ thuật:

  • Kích thích rễ thần kinh S3 (Sacral Nerve Stimulation – Interstim): điều trị đờ đại tràng
  • Đặt điện cực trong lòng Đại tràng kích thích (Colonic pacing): điều trị đờ đại tràng
  • Tiêm botox vào cơ mu trực tràng: điều trị các trường hợp cường co thắt cơ mu trực tràng

Điều trị phẫu thuật:

  • Cắt đoạn đại tràng: điều trị đờ đại trạng. Tuy nhiên đây là một đại phẫu và đi kèm với nhiều biến chứng nghiêm trọng nên cần cân nhắc kĩ lưỡng.
  • Cắt đoạn đại trực tràng: điều trị bệnh Hirschiprung
  • Phương pháp Rectocele: khâu bít hay cắt bỏ túi sa trực tràng

5. Kết luận

Táo bón là một tình trạng phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thay đổi lối sống như tăng cường vận động, ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước có thể giúp dễ đi đại tiện hơn. Ngoài ra các thuốc nhuận tràng, bôi trơn cũng được sử dụng để điều trị táo bón.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị táo bón, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và chỉ định thuốc phù hợp. Nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc có các triệu chứng khác như đau bụng, khó thở hoặc chảy máu, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *