Chuyển hóa lipid

Chuyển hóa lipid và điều trị rối loạn lipid máu

Chuyển hóa lipid là hoạt động quan trọng của cơ thể và rối loạn lipid máu là một tình trạng được đặc trưng bởi sự tăng của một hoặc nhiều thành phần lipid trong huyết tương: triglyceride, cholesterol, cholesterol ester, phospholipid và lipoprotein huyết tương bao gồm VLDL và LDL cùng với giảm nồng độ HDL. Tăng các thành phần lipid huyết tương này là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành các bệnh lý tim mạch.

1.Vai trò của lipid trong cơ thể

Lipid là nguồn năng lượng trực tiếp cho cơ thể. Với các khẩu phần ăn hợp lý lipid cung cấp 25-30% năng lượng cho cơ thể. Lipid là nguyên liệu tạo năng lượng tại các tế bào cơ thể dưới dạng các acetyl coenzyme A từ sự thoái biến các acid béo. Riêng tại gan, một lượng nhỏ acetyl coenzyme A được chuyển thành các thể ketone (acetoacetate, β- hydroxybutyrate và acetone). Các thể ketone một phần được các tế bào não, thận và cơ tim chuyển hoá, phần còn lại được đào thải qua phổi (aceton) và ra nước tiểu.

Lipid ngoài ra còn là nguồn năng lượng dự trữ lớn nhất trong cơ thể. Dạng dự trữ là triglyceride (hay còn gọi là mỡ trung tính) tại mô mỡ chiếm khoảng 15 – 20% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành.

Lipid tham gia cấu trúc cơ thể như mô mỡ đệm dưới da và bọc quanh các phủ tạng. Lipid là thành phần màng tế bào (phospholipid) và một số hoạt chất sinh học quan trọng như prostaglandin và leucotrien. Cholesterol cần cho sự tổng hợp acid mật, các hormon steroid của tuyến thượng thận và sinh dục.

2.Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể

Mỡ trong thực phẩm hằng ngày chủ yếu là dạng triglyceride. Dưới tác dụng của acid mật và lipase dịch tụy, triglycerid bị thủy phân thành acid béo và monoglycerid. Tại tế bào niêm mạc ruột non, hầu hết các acid béo và monoglyceride được tái tổng hợp thành triglycerid rồi kết hợp với apo – B48, phospholipid và cholesterol để tạo thành các hạt dưỡng chấp (chylomicron).

Hạt dưỡng chấp được hấp thu vào mạch bạch huyết rồi qua ống ngực đổ vào tuần hoàn chung. Hạt dưỡng chấp chứa nhiều triglycerid, khi vào máu thì nhận thêm apo-CII từ HDL (lipoprotein tỷ trọng cao). Apo-CII là cofactor của lipoprotein lipase thủy phân triglycerid đưa acid béo đến các tế bào ngoại vi để tiêu thụ. Sau đó hạt dưỡng chấp được bổ sung apo-E rồi được gan thu nhận (qua trung gian thụ thể của LDL và thụ thể của apo-E trên bề mặt tế bào gan với apo-E trên hạt dưỡng chấp).

Tế bào gan thu nhận acid béo từ hạt dưỡng chấp và mô mỡ, tổng hợp thêm acid béo từ các mẫu acetyl coenzyme A, kết hợp acid béo với glycerolphosphat để tạo triglyceride. Sau đó tế bào gan kết hợp triglycerid với apo-B100, phospholipid và cholesterol đưa vào máu dưới dạng VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp). VLDL cũng chứa nhiều triglycerid, được HDL chuyển apo-CII qua để kích hoạt lipoprotein lipase nhằm thủy phân triglycerid đưa acid béo đến các tế bào ngoại vi tiêu thụ. Sau đó, VLDL do giảm tỷ lệ triglycerid chuyển thành IDL (lipoprotein tỷ trọng trung gian). IDL chịu hai khả năng chuyển hóa: (1) chuyển trở lại tế bào gan (qua trung gian thụ thể của LDL và thụ thể của apo-E trên bề mặt tế bào gan với apo-B100 và apo-E trên IDL), (2) chuyển thành LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) nhờ tác dụng của HTGL (hepatic triglyceride lipase) thủy phân bớt triglycerid trên IDL.

HDL do gan và ruột tạo. Vai trò của HDL là thu nhận cholesterol thừa từ các tế bào ngoại vi (vai trò của HDL3). Khi cholesterol được hấp phụ vào bề mặt HDL3 thì được chuyển thành este cholesterol nhờ tác dụng của LCAT (lecithin cholesterol acyltransferase). Khi este cholesterol di chuyển vào bên trong lõi HDL thì HDL3 trở thành HDL2. Sau đó HDL2 được thu nhận trở lại vào gan hoặc chuyển este cholesterol qua VLDL để trở thành HDL3. Sự chuyển este cholesterol từ HDL2 qua VLDL cần tác dụng của CETP (cholesterol ester transfer protein).

Apo-A do gan tạo, kết hợp với apo-B100 trên LDL hình thành lipoprotein-A. Vai trò của lipoprotein-A chưa rõ nhưng khi tăng thì dễ gây nguy cơ xơ vữa động mạch. Mỗi loại lipoprotein máu cấu tạo bởi một lõi kỵ nước gồm triglyceride và este cholesterol, một vỏ bọc ái nước gồm phospholipid, cholesterol tự do và apolipoprotein (gọi tắt là apo). Triglyceride và cholesterol không hòa tan trong nước, do vậy chúng phải được vận chuyển trong các hạt lipoprotein, nói cách khác lipoprotein là dạng vận chuyển triglycerid và cholesterol trong máu. LDL chứa tỷ lệ cholesterol cao nhất (45%) so với các loại lipoprotein khác, tải 70% lượng cholesterol máu.

3.Rối loạn lipid máu và các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là một tình trạng được đặc trưng bởi sự tăng của một hoặc nhiều thành phần lipid trong huyết tương: triglyceride, cholesterol, cholesterol ester, phospholipid và lipoprotein huyết tương bao gồm VLDL và LDL cùng với giảm nồng độ HDL. Tăng các thành phần lipid huyết tương này là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành các bệnh lý tim mạch.

Cho tới hiện tại thuốc điều trị rối loạn lipid máu nhóm statin và fibrate vẫn là các nhóm thuốc chính điều trị tăng cholesterol và triglyceride. Tuy nhiên, những nhóm thuốc này đều có các tác dụng không mong muốn trên gan và cho gan, cơ,… nên có những chỉ định cũng như chống chỉ định, thận trọng rất chặt chẽ trong thực hành lâm sàng. Ngoài ra, các nhóm thuốc khác như thuốc gắn acid mật, nhóm niacin, ezetimibe cũng có vai trò rất lớn và được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.

Một số các thuốc điều trị rối loạn lipid máu thế hệ mới như: thuốc ức chế enzyme CETP (cholesteryl ester transfer protein): Torcetrapib, Dalcetrapib; thuốc ức chế trực tiếp apoB: Mipomersen; thuốc ức chế MTP (microsomal triglyceride transfer protein): Lomitapide; thuốc dạng kháng thể đơn dòng ức chế enzyme PCSK9 (Proprotein convertase subtilisin/kexin type 9): Alirocumab (Praluent), Evolocumab (Repatha); Các acid béo n-3 (omega-3): acid Eicosapentaenoic (EPA) và acid Docosahexaenoic (DHA) cũng hứa hẹn mang tới những liệu pháp mới trong việc tối ưu hóa điều trị rối loạn lipid máu.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *