Việc kiểm soát tốt các biến chứng và di chứng phẫu thuật Implant góp phần rất lớn vào quá trình thành công của Implant và tăng tuổi thọ của loại phục hình trên bệnh nhân. Bài viết khái quát các biến chứng và di chứng phổ biến thường gặp, giúp Nha sĩ có cái nhìn tổng quát nhất đối với phẫu thuật Implant. Cùng tìm hiểu.
1. Giới thiệu chung
Tỷ lệ biến chứng phải thấp và trong hầu hết các trường hợp có thể tránh được bằng cách chú ý cẩn thận trong việc chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị, có kinh nghiệm cũng như được đào tạo tốt về phục hình và phẫu thuật. Điều này được trợ giúp nhờ thực hiện từng bước theo quy trình được thiết lập tốt, được chứng minh có tỷ lệ thành công cao và có khả năng tiên đoán được. Tuy vậy, biến chứng vẫn có thể xuất hiện trong các giai đoạn: giai đoạn sớm, giai đoạn phẫu thuật hoặc phục hình; hoặc hoàn tất sau đó trong giai đoạn duy trì. Sự tích hợp xương ban đầu của những implant đơn lẻ thường hiếm khi thất bại, nếu có thì thường gặp trong giai đoạn healing, hoặc giai đoạn kết nối abutmen và tải lực sớm.
Những biến chứng lâu dài có thể là:
- Mòn và nứt nói chung;
- Vệ sinh răng miệng không đúng mức;
- Lực nhai được kiểm soát kém;
- Tận dụng một hệ thống implant không được kiểm tra tốt;
- Thiếu hụt mô mềm;
- Những yếu tố nguy cơ từ bệnh nhân như hút thuốc, nha chu và nghiến răng.
Để đánh giá mức độ thành công của điều trị và tỷ lệ biến chứng, người ta đề nghị nghiên cứu dọc về các hệ thống implant nên tối thiểu là 5 năm (nghiên cứu tiến cứu tốt hơn hồi cứu) với các dữ liệu x-quang và dữ liệu hỗ trợ lâm sàng đầy đủ. Những biến chứng liên quan tới phẫu thuật thường là phổ biến đối với tất cả các kiểu điều trị implant và các hệ thống implant, và đi chung với nhau.
2. Những biến chứng và di chứng phẫu thuật Implant
Việc cảnh báo trước cho bệnh nhân về những biến chứng phổ biến nhất sau phẫu thuật là điều quan trọng. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chúng như sưng nề, bầm tím, hay cảm giác khó chịu sau phẫu thuật, ngay cả đối với phẫu thuật đặt implant đơn lẻ không quá phức tạp
Điều này rất thường gặp trong các case đặt implant với số lượng lớn hoặc có ghép mô. Và có thể được giảm thiểu bằng việc:
- Thao tác phẫu thuật nhẹ nhàng trên mô cứng và mô mềm.
- Tránh lật vạt quá mức.
- Dùng thuốc giảm đau trước và sau phẫu thuật (tốt nhất là dung thuốc có thành phần kháng viêm nonsteroid như ibuprofen).
- Chườm đá sau phẫu thuật để giảm sưng nề.
- Đè ép lên vùng phẫu thuật sau phẫu thuật để kiểm soát cầm máu và tránh tụ máu.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân không có hoặc có rất ít các triệu chứng đau, bầm hay sưng nề sau phẫu thuật. Thành công của sự tích hợp xương phụ thuộc vào việc gây ra chấn thương nhiệt lẫn cơ học ở mức tối thiểu, và do đó bệnh nhân sẽ không bị đau ở vùng xương đặt implant. Nếu mức độ đau trầm trọng thì cần phải nghĩ tới là do kỹ thuật kém và xảy ra cùng lúc với một thất bại sớm. Người ta đã tranh luận rất nhiều về tác dụng của các loại thuốc kháng sinh dùng trước và sau phẫu thuật liệu có thực sự cần thiết cho phòng ngừa nhiễm khuẩn và những thất bại tiếp theo sau đó hay không. Kê toa thuốc kháng sinh vốn đã là một thói quen. Tuy nhiên, nếu ca phẫu thuật được tiến hành trong những điều kiên tốt và implant vô khuẩn được cắm ghép cẩn thận vào vùng đã được chuẩn bị tốt thì cơ hội nhiễm trùng sẽ thấp. Các báo cáo có hệ thống mới đây đã cho thấy sự khác biệt tối thiểu giữa tỷ lệ thành công có sử dụng và không sử dụng thuốc kháng sinh. Nên sử dụng kháng sinh một cách cẩn thận đối với các trường hợp:
- Đang có một nhiễm trùng tại vùng phẫu thuật.
- Tăng thể tích và ghép mô (augmentation and grafting).
- Bệnh nhân có tiền sử bị nhiễm khuẩn.
- Bệnh nhân xếp loại xương cứng (loại 1) khó khoan cắt xương và khó làm mát trong quá trình phẫu thuật.
Các trường hợp dưới đây cũng nên xem xét phải sử dụng kháng sinh bao vây:
- Đặt implant tức thì.
- Đặt nhiều implant và phải mở rộng vạt hay thao tác trong thời gian kéo dài.
- Bệnh nhân hút thuốc.
- Đặt implant vi phạm sàn xoang hàm.
Trong vài trường hợp, bệnh nhân nhiễm trùng mô mềm nếu phẫu thuật viên còn để sót các mảnh vụn phẫu thuật dưới vạt hoặc cục máu đông lớn bị nhiễm khuẩn. Những trường hợp này hầu hết có thể phòng tránh được.
Hở miệng vết thương
Vết thương mô mềm có thể bị hở ngay trong tuần đầu tiên sau khi đặt implant (đặc biệt là vùng hàm dưới có xương tiêu ngót, mô mềm mỏng manh và thiếu hụt). Đây chính là nguyên nhân của việc lo lắng lộ đầu implant trong quy trình đặt chôn vùi implant. Nếu đầu implant bị lộ thì phải giữ sạch vùng bị lộ bằng nước súc miệng sát khuẩn như Chrexidine 0.2/0.12%, để phòng ngừa nhiễm khuẩn và tiêu xương viền. Chúng ta có thể cải thiện bằng cách thay cover screw trên implant bằng healing abutment.
Bất kỳ sự cố nào trên mô mềm cũng có thể dẫn tới nhiễm trùng hay tiêu xương bên dưới và điều này là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp ghép mô ảnh hưởng đến sự thành công và sự sống của mảnh ghép.
Implant thất bại sớm
Implant thất bại sớm có thể liên quan tới những vấn đề sau đây:
- Kỹ thuật kém gây ra phá hủy xương do nhiệt.
- Sự ổn định ban đầu của implant thấp.
- Phẫu thuật gây chấn thương răng kế cận.
Implant liên quan tới một sang thương nội nha kế cận.
- Nhiễm trùng hậu phẫu.
- Tải lực sớm không kiểm soát.
Hầu hết các thất bại sớm của sự tích hợp xương là do kỹ thuật phẫu thuật kém hay vùng đặt implant có mật độ xương thấp. Thất bại này có thể không thấy rõ được cho tới khi phẫu thuật viên tiến hành kết nối abutment hoặc khi bác sỹ phục hình tải lực lên implant. Đôi khi rất khó để có thể đánh giá độ vững ổn của implant và có thể hiểu lầm một abutment lỏng lẻo là implant thất bại. Abutment phải được siết chặt rồi đánh giá lại độ vững ổn của implant. Siết abutment phải không được gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân trừ khi có tình trạng nhiễm trùng trong xương (đồng nghĩa với thất bại) hoặc bị kẹp mô mềm giữa abutment và đầu implant. Trong hầu hết các trường hợp sự khó chịu vừa phải sẽ sớm hết và không có biến chứng lâu dài. Trong các trường hợp khác, sư khó chịu là một dấu hiệu cảnh báo là có vấn đề và thất bại sẽ thấy rõ sau vài ngày hay vài tuần.
Sự phá hủy xương gây ra hoại tử, đau và nhiễm trùng sau đó, có khả năng xảy ra cao ở vùng xương cứng khi sửa soạn không tưới mát đầy đủ hoặc mũi khoan không bén.
Nhất là tại các vùng khoan xuống sâu (trên 15 mm). Những sửa soạn sâu như vậy thường không cần thiết đối với xương chất lượng tốt và nên tránh. Cơn đau có thể nghiêm trọng và nhiễm trùng có thể nằm sâu bên dưới sẽ thoát ra ngoài theo đường mô mềm. Ở vùng răng trước hàm dưới, nhiễm trùng có thể đi theo bề mặt da bên ngoài, tạo thành lỗ dò biến dạng, mô xơ và hóa sẹo.
Nếu trong quá trình sửa soạn vùng đặt implant, mũi khoan gây hại tới mô nha chu của một răng kế cận có thể dẫn tới phản ứng biêm gây thất bại sớm. Bệnh nhân sẽ than phiền về cơn đau sau phẫu thuật và răng bị ản hưởng rất nhạy cảm với động tác gõ. Kiểm tra bằng phim tia X có thể không cung cấp một bằng chứng chấn thương rõ ràng do hình ảnh bị trùng lắp hoặc sai lệnh hình ảnh do hiện tượng quang sai (paralex).
Nhiều thất bại sớm có thể không được giải thích một cách đầy đủ trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, vài trường hợp sang thương nội nha không được nhìn thấy trên phim tia X và implant thất bại do đặt ngay vào sang thương nội nha này.
Phá hủy cấu trúc thần kinh mạch máu.
Mất cảm giác vùng môi dưới do chấn thương thần kinh cằm hay thần kinh răng dưới là một tổn thương nghiêm trọng. Phẫu thuật implant gần các cấu trúc này rất nguy hiểm và đòi hỏi sự thận trọng cao, bệnh nhân cần được cảnh báo trước về những nguy cơ có thể xảy ra.
Những điểm mốc sau đây cần được xem xét để tránh biến chứng này:
- Tránh các đường rạch giảm căng trong khu vực dây thần kinh cằm.
- Không đặt đường rạch ở mào xương (crestal incision) vượt qua vùng mặt ngoài có hiện diện lỗ cằm ở xương hàm có tiêu xương trầm trọng.
- Bộc lộ hợp lý, nhận diện và bảo vệ dây thần kinh khi phẫu thuật gần khu vực có dây thần kinh đi qua.
- Kiểm tra những đoạn cong phía trước của dây thần kinh hàm dưới phía trước lỗ cằm nếu có tận dụng vùng này, bằng cách chụp phim kiểm tra hoặc thăm khám nhẹ nhàng lỗ cằm.
- Lên kế hoạch cẩn thận với phim Xquang hoặc phim CT để có cái nhìn rõ ràng về vị trí ống thần kinh và bờ trên sống hàm.
- Đo đạc cẩn thận chiều cao và bề rộng xương phía trên kênh răng dưới.
- Trong một vài trường hợp có thể đặt implant trong một mặt phẳng tránh kênh thần kinh răng dưới, điều này khó có thể thực hiện nếu chỉ sử dụng phim 2D.
- Tránh gây tổn thương nhiệt cho vùng xương còn lại giữa đầu implant và ống thần kinh.
- Dành chỗ cho khoảng xương an toàn vì những lý do sau đây:
- Sai số đo đạc.
- Viền xương giữa đầu implant và ống thần kinh được đề nghị là không được ít hơn 2mm và tốt nhất là gần 4mm (mặc dù vài bác sỹ phẫu thuật sẽ đặt implant rất gần ống thần kinh).
- Chiều dài ở đầu cắt mũi khoan (những mũi khoan khác nhau thì có hình dạng thay đổi và có thể cắt dài hơn 1 tới 2mm so với chiều dài đã định trong kế hoạch)
- Sự hạn chế của đường vào phẫu thuật, tầm nhìn và mức độ kiểm soát áp lực cắt tại chiều dài định trước ở vùng đặt implant.
Bệnh nhân có thể không than phiền về các tổn thương đối với thần kinh răng cửa tại đường giữa xương hàm trên. Trong một số trường hợp dây thần kinh này có thể được di chuyển và ống thần kinh được ghép xương để tạo xương đầy đủ cho việc đặt implant. Tổn thương nhánh răng cửa của thần kinh răng dưới có thể không được để ý nếu như bệnh nhân mất răng phía trước. Tuy nhiên ở những bệnh nhân còn răng, một implant đặt tại vùng răng nanh hay răng cối nhỏ thứ nhất có thể xâm phạm hay làm tổn hại thần kinh chi phối cảm giác vùng răng cửa dưới. Bệnh nhân có thể than phiền về chứng dị cảm cằm hay mất cảm giác vùng răng cửa bên và làm họ lo lắng. Do vậy, cần tránh xâm phạm vùng kênh răng cửa đối với những bệnh nhân này. Nếu nghi ngờ đã xâm lấn, lời khuyên là tháo bỏ implant đó ra trong vòng 24h sau khi cắm sẽ cho phép có cơ hội phục hồi tốt nhất.
Một vấn đề tương tự có thể xảy ra khi thực hiện việc lấy xương từ vùng cằm ở bệnh nhân còn răng. Cắt xương quá gần với vùng chóp răng cửa hay răng nanh có thể gây thay đổi cảm giác hay tệ hơn là chết tủy răng. Khoảng cách an toàn từ chóp răng tới vùng xương cần lấy tối thiểu là 5 mm và tốt nhất là 8 mm.
Nứt xương
Xương hàm dưới tiêu trầm trọng có thể bị nứt trong quá trình phẫu thuật đặt implant hay một thời gian ngắn sau phẫu thuật. Phim 3D có thể được chỉ định để đánh giá một cách đầy đủ profile của xương hàm dưới tiêu nhiều và tránh việc đặt quá nhiều implant trong vùng xương có thể tích nhỏ (ví dụ: vùng răng cối nhỏ thứ nhất).
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply