Phục hồi chức năng ở bệnh nhân COVID-19 là quá trình quan trọng để giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Bệnh COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng nặng như khó thở, suy hô hấp, mất cảm giác, mất khả năng vận động và suy kiệt, làm ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể. Sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, việc phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường và tăng cường sức khỏe toàn diện.
1. Phục hồi chức năng
1.1. Kỹ thuật cho người bệnh mức độ nhẹ
– Người bệnh mức độ nhẹ, ý thức tỉnh, có thể tự thực hiện các kỹ thuật chủ động theo hướng dẫn qua băng hình hoặc điều khiển từ xa, tờ rơi dưới sự giám sát của nhân viên y tế để đảm bảo người bệnh thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo đủ thời gian.
* Kỹ thuật tập các kiểu thở
– Mục đích của kỹ thuật: Làm giãn nở lồng ngực, tăng khả năng tống thải đờm dịch giúp tăng không khí vào phổi.
– Tư thế: có 03 tư thế nằm ngửa đầu gối gập 45 độ, tư thế ngồi hay đứng để người bệnh COVID-19 để thực hiện các bài tự tập thở.
Hình 1. Kỹ thuật 01: Tập thở chúm môi – tập thở hoành
Bước 1. Người bệnh hít thật sâu từ từ bằng mũi đồng thời bụng phình lên. | ||
Bước 2. Chúm môi từ từ thở ra thật hết đồng thời bụng hóp lại. |
Hình 2. Kỹ thuật 02: Tập ho hiệu quả
Bước 1. Thở chúm môi khoảng 5 – 10 lần giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa. | |
Bước 2. Tròn miệng, hà hơi 5 – 10 lần, tốc độ tăng dần: Giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản. | |
Bước 3. Ho, hít vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần, lần 1 nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài. |
Hình 3. Kỹ thuật 03: Tập thở chu kỳ chủ động
Bước 1. Thở có kiểm soát: Hít thở nhẹ nhàng trong 20 đến 30 giây. | |
Bước 2. Căng giãn lồng ngực: Hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3 đến 5 lần. | |
Bước 3. Hà hơi: Hít thật sâu, nín thở 2 đến 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1 đến 2 lần. | |
Bước 4. Khạc đờm và xử lý đờm: khạc vào cốc đựng đờm, dùng khăn giấy lau miệng rồi bỏ luôn khăn giấy vào cốc. Tiếp theo đổ ngập dung dịch Javen 1% rồi đậy kín nắp. |
Kỹ thuật 04: tập thở với dụng cụ trợ giúp hô hấp: bóng cao su, bóng bay và dụng cụ chuyên dụng tập chức năng hô hấp Spiroball
Kỹ thuật tập vận động: gắn liền với hoạt động hàng ngày để duy trì, tăng sức mạnh của cơ vùng chi, thân mình và đầu cổ.
1.2. Kỹ thuật tập phục hồi chức năng đối với người bệnh mức độ nặng hoặc nguy kịch
Hình 4. Một số kỹ thuật tập đối với người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch
Kỹ thuật điều chỉnh tư thế người bệnh
– Mục đích để thư giãn cơ hoành giúp hô hấp dễ dàng hơn. – Đặt người bệnh ngồi hơi gập người về phía trước hoặc nằm đầu cao 30o – 60o, khớp gối hơi gập. – Trường hợp ARDS nặng, thở máy đặt người bệnh nằm sấp khi có chỉ định của bác sĩ điều trị. – Thực hiện lăn trở thường xuyên 2 giờ/lần, kiểm tra tình trạng da, đặc biệt các điểm tỳ đè. – Khuyến khích sử dụng đệm hơi để phòng loét. – Thực hiện ngày 3 lần (sáng, chiều, tối). |
Kỹ thuật Tập vận động thụ động
– Mục đích duy trì tầm vận động của khớp, chống teo cơ, ngăn ngừa co rút khớp và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). – Thực hiện tập vận động thụ động các khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp cổ tay, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân theo tầm vận động khớp. Mỗi lần thực hiện 15 đến 30 phút. |
|
Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
– Mục đích phòng ứ đọng đờm rãi và dẫn lưu các đờm dịch ra ngoài. – Điều chỉnh tư thế sao cho vùng phổi tổn thương lên trên và có ứ đọng dịch lên trên (dựa vào phim X-quang ngực để đánh giá). Mỗi lần thực hiện 10 – 15 phút |
|
Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực
– Mục đích làm rung cơ học, long đờm ứ đọng và đẩy ra phế quản rộng hơn để thoát ra ngoài. – Vỗ rung áp dụng trên thành ngực ở vị trí tương ứng với các phân thuỳ phổi có chỉ định dẫn lưu. Mỗi lần vỗ rung lồng ngực 10 – 15 phút |
|
Kỹ thuật thở có trợ giúp
– Mục đích giúp tống thải đờm từ các phế quản nhỏ ra đường thở lớn hơn. – Ép bàn tay vào lồng ngực theo hướng di chuyển của khung sườn ở thì thở ra của người bệnh. |
2. Phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện
Mục đích phục hồi lại sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày để trở lại công việc thường ngày, hòa nhập cộng đồng.
– Đối với người bệnh viêm phổi thể nhẹ, khi ra viện cần được hướng dẫn người bệnh tăng cường tập các bài tập vận động, các bài tập thở và điều chỉnh tâm lý.
– Đối với người bệnh đã từng bị thể nặng hoặc nguy kịch, khi ra viện cần đánh giá về tổn thương chức năng phổi của người bệnh và đưa ra phương án phục hồi chức năng phù hợp gồm tập vận động, tập thở, tâm lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng.
3.Tư vấn hỗ trợ, xử trí một số rối loạn tâm lý
3.1. Mức độ nhẹ
– Hỗ trợ tâm lý xã hội (đặc biệt là tâm lý lo lắng khi biết nhiễm bệnh, và tìm nguồn hỗ trợ khi bị cách ly).
– Tư vấn theo dõi các triệu chứng và nơi liên hệ khi có dấu hiệu/ triệu chứng trở nặng.
3.2. Mức độ trung bình
– Hỗ trợ tâm lý xã hội
+ Có mặt để động viên người bệnh, cho họ hiểu rằng họ được chăm sóc và không bị bỏ rơi.
+ Tạo điều kiện để người bệnh và gia đình nói ra cảm xúc, mong muốn, lắng nghe những lo lắng và băn khoăn. Giúp họ hiểu rằng đây là một thời điểm rất khó khăn, nhiều điều bất ngờ, không chắc chắn, và mọi cảm xúc mạnh (buồn, giận dữ, chán nản …) là cảm xúc bình thường mà nhiều người có thể trải qua. Việc lắng nghe tích cực (không phán xét và khuyên nhủ) các nhu cầu cảm xúc cũng đã có thể giúp người bệnh.
+ Giúp người bệnh kết nối với gia đình qua điện thoại hoặc cuộc gọi video dù người bệnh có thể gặp hạn chế về giao tiếp. Việc kết nối với môi trường quen thuộc sẽ giúp ổn định tinh thần cho người bệnh.
3.3. Mức độ nặng
– Như mức độ nhẹ.
– Tôn trọng và hỗ trợ người bệnh về tín ngưỡng và đức tin, xác định nhu cầu hỗ trợ về tín ngưỡng của người bệnh, đặc biệt ở giai đoạn cuối đời qua điện thoại hoặc gọi video.
– Cung cấp thông tin trung thực và chính xác và phù hợp với mức độ hiểu biết của những người mà bạn đang nói chuyện, cập nhật thông tin thường xuyên qua điện thoại hoặc gọi video vì nhu cầu được cập nhật thông tin người thân là rất lớn.
– Hỗ trợ người bệnh thực hiện những ước nguyện và mong muốn nếu điều kiện cho phép.
3.4. Mức độ nguy kịch
– Chăm sóc giảm nhẹ như mức độ nặng.
– Chăm sóc cuối đời cho những người bệnh mà tử vong là không thể tránh khỏi.
– Kiểm soát tốt các triệu chứng đặc biệt là khó thở (dùng opioid như sơ đồ và bổ sung benzodiazepin nếu cần).
– Hỗ trợ tinh thần và tâm linh cho người bệnh trước khi chết.
– Chăm sóc gia đình của người bệnh giai đoạn cuối đời.
+ Cung cấp thông tin thường xuyên, giúp có cảm giác tham gia chăm sóc. Tạo điều kiện cho gia đình có các hình thức chăm sóc thay thế (gửi đồ, gọi điện…) theo khung giờ cho phép.
+ Tạo cơ hội nói lời chia tay: cho phép người thân nói lời tạm biệt trực tiếp người bệnh qua điện thoại hoặc video (vẫn có ích nếu người bệnh mê).
+ Dịch vụ hỗ trợ chăm sóc đau buồn do mất người thân, tiếp cận chuyên gia tâm lý hoặc công tác xã hội lâm sàng.
Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID 19 của Bộ Y tế 2022
Leave a Reply