Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, gây ra do việc viêm và co thắt các đường phế quản, làm giảm lưu lượng khí vào và ra khỏi phổi. Việc chẩn đoán hen phế quản là rất quan trọng trong các thể lâm sàng khác nhau để giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm thiểu các biến chứng và tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
1. Hen phế quản với ho là triệu chứng duy nhất
Thể này đặc trưng bởi triệu chứng ho, xuất hiện thành cơn, thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, nửa đêm về sáng;
Thể bệnh này đôi khi khó chẩn đoán, do bệnh nhân thường đến khám bệnh khi không có triệu chứng, kết quả đo chức năng thông khí phổi bình thường. Để chẩn đoán xác định, có thể cần làm test kích thích phế quản, theo dõi dao động lưu lượng đỉnh (LLĐ) trong ngày hoặc có thể điều trị thử với thuốc giãn phế quản, hoặc corticoid hít. Bệnh nhân được khẳng định hen phế quản khi có test kích thích phế quản dương tính.
Khi chẩn đoán hen phế quản thể ho là triệu chứng duy nhất: cần lưu ý loại trừ một số bệnh lý gây các triệu chứng ho kéo dài như: hội chứng chảy dịch từ mũi sau, viêm xoang mạn, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), rối loạn chức năng dây thanh, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan.
2. Bệnh hen nghề nghiệp
Tất cả những bệnh nhân hen phế quản khởi phát ở tuổi trưởng thành đều cần được hỏi về:
– Tình trạng phơi nhiễm nghề nghiệp;
– Bệnh hen có trở nên tốt hơn khi tránh xa công việc không;
– Trong xử trí: cần có chẩn đoán xác định sớm và loại trừ phơi nhiễm nghề nghiệp càng nhanh càng tốt.
3. Hen ở phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ thai nghén, tình trạng kiểm soát hen có thể thay đổi, do đó cần hỏi về bệnh hen cho tất cả phụ nữ mang thai và dự định mang thai, và khuyến cáo về tầm quan trọng của điều trị hen vì sức khỏe cả mẹ và bé. Việc chẩn đoán hen phế quản ở phụ nữ mang thai có thể khó khăn hơn so với những người khác do nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ như khó thở do tác động của thai nhi lên các cơ quan trong ngực. Do đó, việc chẩn đoán chính xác hen phế quản ở phụ nữ mang thai cần sự tinh tế và thận trọng, và có thể yêu cầu sự hợp tác giữa các chuyên gia về sản phụ khoa và hô hấp.
4. Hen ở người lớn tuổi
hen phế quản có thể không được chẩn đoán đầy đủ ở người già, do nhận thức kém, do định kiến rằng khó thở là bình thường ở người già, do thiếu tập thể dục, hay giảm hoạt động. Bệnh hen cũng có thể được chẩn đoán quá mức do nhầm lẫn với khó thở do suy tim trái hay bệnh tim do thiếu máu cục bộ.
5. Hen ở người hút thuốc và những người đã từng hút thuốc
Có thể gặp cả hen phế quản, COPD, hoặc chồng lấp hen-COPD (ACO), đặc biệt ở những người hút thuốc lá và người già. Bệnh sử, kiểu hình các triệu chứng và các ghi nhận trong tiền sử bệnh có thể giúp phân biệt hen phế quản với giới hạn luồng khí cố định trong COPD. Trường hợp chẩn đoán không chắc chắn: cần chuyển sớm bệnh nhân đến khám các chuyên gia, hoặc các cơ sở khám, điều trị chuyên khoa.
6.Đánh giá hen phế quản
Tận dụng mọi cơ hội để đánh giá đầy đủ khi bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản, đặc biệt khi có triệu chứng hay sau một đợt cấp gần đây, cũng như khi bệnh nhân yêu cầu kê đơn thuốc. Ngoài ra, phải lập kế hoạch kiểm tra định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần.
Bảng Các nội dung cần đánh giá ở bệnh nhân hen phế quản
1. Đánh giá độ nặng của hen phế quản |
2. Kiểm soát hen – Đánh giá cả việc kiểm soát triệu chứng và yếu tố nguy cơ |
– Đánh giá việc kiểm soát triệu chứng trong vòng 4 tuần qua
– Xác định các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến kết cục xấu; – Đo chức năng hô hấp trước khi bắt đầu điều trị, 3-6 tháng sau và định kỳ, ví dụ hàng năm |
3. Có bệnh đồng mắc không |
– Bao gồm: viêm mũi, viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, lo âu.
– Bệnh đồng mắc nên cần được phát hiện vì chúng có thể góp phần làm tăng các triệu chứng hô hấp, xuất hiện đợt cấp và làm giảm chất lượng cuộc sống. Điều trị bệnh đồng mắc có thể góp phần cải thiện kiểm soát hen. |
4. Vấn đề điều trị |
– Ghi lại điều trị của bệnh nhân và hỏi về tác dụng phụ
– Quan sát bệnh nhân sử dụng bình xịt và kiểm tra kỹ thuật của họ – Thảo luận cởi mở và đồng cảm về tuân thủ điều trị – Kiểm tra bệnh nhân có bảng kế hoạch hành động cho hen – Hỏi người bệnh về thái độ và mục tiêu điều trị đối với bệnh hen của họ |
Tóm lại, chẩn đoán hen phế quản là rất quan trọng để giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt hơn. Trong trường hợp hen phế quản không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp và viêm phổi. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị hen phế quản kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply