Lợi tiểu Acetazolamide là thuốc ức chế carbonic anhydrase (biệt dược là Diamox hoặc Acetazolamide). Bằng cách ức chế carbonic anhydrase, thuốc này làm giảm tái hấp thu NaHCO3 và gây lợi tiểu.
1.Cơ chế tác dụng
Carbonic anhydrase là enzyme có mặt nhiều ở các tế bào biểu mô của ống lượn gần, có tác dụng xúc tác sự khử nước của H2CO3 thành CO2 ở màng tế bào và tái hydrat hóa CO2 thành H2CO3 trong bào tương. Bằng cách ức chế carbonic anhydrase, thuốc này làm giảm tái hấp thu NaHCO3 và gây lợi tiểu.
Với sự phát triển của các thuốc lợi tiểu mới hơn, các chất ức chế carbonic anhydrase hiện nay hiếm khi được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, nhưng chúng vẫn có một số ứng dụng cụ thể sẽ thảo luận dưới đây. Thuốc ức chế carbonic anhydrase điển hình là acetazolamide (biệt dược là Diamox hoặc Acetazolamide).
2.Dược động học và dược lực học
Các chất ức chế carbonic anhydrase được hấp thu tốt sau khi uống. Tăng pH nước tiểu do thải HCO3- thể hiện rõ trong vòng 30 phút, tối đa sau 2h và vẫn tồn tại trong 12h sau khi uống liều đầu tiên. Bài tiết của thuốc chủ yếu ở đoạn S2 của ống lượn gần. Do đó, cần phải giảm liều thuốc trong suy thận.
Ức chế hoạt động carbonic anhydrase làm suy giảm đáng kể tái hấp thu HCO3- tại ống lượn gần. Ở liều ức chế tối đa, 85% khả năng tái hấp thu HCO3- tại bề mặt ống lượn gần bị ức chế. Một lượng HCO3- vẫn có thể được hấp thụ tại các vị trí khác của nephron bằng những cơ chế độc lập với carbonic anhydrase, vì vậy, hiệu quả tổng thể của liều acetazolamide tối đa chỉ ức chế khoảng 45% tái hấp thu toàn bộ HCO3 của thận. Tuy nhiên, ức chế anhydrase carbonic gây ra mất HCO3- đáng kể và nhiễm toan chuyển hóa do tăng clo máu. Bởi vì HCO3- giảm trong dịch lọc cầu thận và thực tế là sự thiếu hụt HCO3- dẫn đến sự tái hấp thu NaCl tăng cường bởi phần còn lại của nephron, hiệu quả lợi tiểu của acetazolamide giảm đáng kể sau khi sử dụng vài ngày.
Hiện nay, các ứng dụng lâm sàng chính của acetazolamide liên quan đến sự vận chuyển HCO3- phụ thuộc carbonic anhydrase và chất lỏng tại các vị trí khác ngoài thận. Cơ thể mi của mắt tiết ra HCO3- từ máu vào thủy dịch. Tương tự như vậy, sự hình thành của dịch não tủy bởi đám rối màng nhện liên quan đến bài tiết HCO3-. Các quá trình này làm giảm HCO3- trong máu (ngược lại với quá trình trong ống lượn gần) và chúng bị ức chế tương tự bởi các chất ức chế carbonic anhydrase.
3.Chỉ định lâm sàng và liều dùng
3.1. Suy tim nặng có nhiễm kiềm chuyển hóa
Nhiễm kiềm chuyển hóa thường được điều trị bằng cách điều chỉnh nồng độ K+ và thể tích dịch nội mạch. Tuy nhiên, bổ sung dịch nội mạch là chống chỉ định ở bệnh nhân suy tim nặng. Trong những trường hợp này, acetazolamide có thể có ích vì ngoài tác dụng giảm tình trạng nhiễm kiềm, loại thuốc lợi tiểu này còn góp phần giảm tải thể tích. Acetazolamid còn được chỉ định trong điều trị nhiễm kiềm chuyển hóa sau nhiễm toan hô hấp.
- Liều dùng: Acetazolamide 250 – 375 mg × 1 lần/24h, phối hợp các thuốc lợi tiểu khác.
3.2. Bệnh tăng nhãn áp
Việc giảm sự hình thành thủy dịch bằng các chất ức chế carbonic anhydrase làm giảm nhãn áp. Tác dụng này rất có giá trị trong điều trị bệnh tăng nhãn áp ở một số bệnh nhân, làm cho đây trở thành chỉ định phổ biến nhất của các chất ức chế carbonic anhydrase.
- Liều dùng: Acetazolamide 250 mg x 1 – 4 lần/24h
Hiện có những thuốc dùng tại chỗ, làm giảm nhãn áp mà không gây tác động lên thận hoặc toàn thân (dorzolamide, brinzolamide).
3.3. Kiềm hóa nước tiểu
Acid uric và cystine thường không hòa tan và có thể tạo thành sỏi trong nước tiểu có tính acid. Do đó, trong bệnh cystine niệu, có thể tăng cường khả năng hòa tan của cystine bằng cách tăng pH nước tiểu lên 7-7,5 khi sử dụng các chất ức chế carbonic anhydrase. Trong trường hợp của sỏi do acid uric, pH chỉ cần tăng lên đến 6-6,5 là có tác dụng hoà tan. Khi không được bổ sung HCO3-, những tác dụng này của acetazolamide chỉ kéo dài 2-3 ngày, vì vậy điều trị kéo dài cần có thêm HCO3- đường uống. Các thuốc đã được chứng minh chỉ có hiệu quả hạn chế đối với chỉ định này.
- Liều dùng: thường dùng liều tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg để có tác dụng lợi tiểu.
3.4. Bệnh lý cấp tính do thay đổi độ cao
Yếu, chóng mặt, mất ngủ, nhức đầu và buồn nôn có thể xảy ra ở những du khách leo núi khi nhanh chóng lên đến độ cao trên 3000 m. Các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài trong vài ngày. Các trường hợp nghiêm trọng hơn, phù phổi tiến triển nhanh hoặc phù não có thể gây đe dọa tính mạng. Bằng cách giảm sự hình thành dịch não tủy và bằng cách giảm độ pH của dịch não tủy và não, acetazolamide có thể làm tăng thông khí và làm giảm các triệu chứng của bệnh do thay đổi độ cao. Việc gây toan nhẹ hệ thần kinh trung ương cũng hữu ích trong điều trị ngừng thở khi ngủ.
- Liều dùng: Dự phòng acetazolamide 125 mg x 2 lần/24h trước khi leo độ cao 1 ngày hoặc trong ngày.
- Điều trị: Acetazolamide 125 mg x 2 lần/24h
3.5. Công dụng khác
Các chất ức chế carbonic anhydrase đã được sử dụng làm thuốc bổ trợ trong điều trị động kinh và trong một số dạng của liệt chu kỳ do hạ kali máu. Chúng cũng hữu dụng trong điều trị bệnh nhân bị rò dịch não tủy (do khối u hoặc chấn thương đầu, nhưng thường là vô căn). Bằng cách làm giảm tốc độ hình thành dịch não tủy và áp lực nội sọ, các chất ức chế carbonic anhydrase có thể làm chậm đáng kể tốc độ rò rỉ dịch não tuỷ. Chúng cũng làm tăng bài tiết phosphate trong nước tiểu trong tăng phospho máu nặng. Acetazolamide có thể có vai trò trong điều trị bệnh Meniere, bệnh đái tháo nhạt do thận, tăng áp lực nội sọ vô căn và hội chứng Kleine-Levin (những đợt ngủ nhiều và bất thường nhận thức và hành vi).
- Liều dùng : Acetazolamide 4 – 30 mg/kg/24h chia thành 2 – 4 lần.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ Dược sĩ dược lâm sàng giàu kinh nghiêm và đưa hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị hỗ trợ các bệnh lý tim mạch.
Leave a Reply