Viêm teo dạ dày mạn tính hay còn gọi là viêm teo dạ dày chuyển sản là một hình thái của viêm dạ dày mạn tính. Đặc điểm của nhóm bệnh này là ngoài hình ảnh thể hiện sự viêm mạn tính còn có tổn thương làm thiểu sản (teo) biểu mô tuyến dạ dày, có thể bị thay thế bằng biểu mô trụ của ruột. Nhóm bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn, đặc biệt là ung thư dạ dày, nên cần có chiến lược chẩn đoán và điều trị phù hợp.
1. Định nghĩa và phân loại
Viêm dạ dày mạn tính được chia làm 03 dạng chính dựa trên nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là hình thái tổn thương quan sát bằng nội soi hay bằng giải phẫu bệnh học. Viêm teo dạ dày có hai dạng bệnh chính là Viêm teo dạ dày chuyển sản do tự miễn và Viêm teo dạ dày chuyển sản do môi trường. Hai dạng này có thể khác biệt về các yếu tố bệnh sinh bệnh và cả hình thái lâm sàng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, có sự chồng lấp hai dạng này trên mô bệnh học dẫn đến hình thái lâm sàng khó phân biệt.
- Viêm teo dạ dày chuyển sản do tự miễn (autoimmune metaplastic atrophic gastritis – AMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản của biểu mô dạ dày, đặc trưng là tập trung ở vùng thân vị (corpus).
- Viêm teo dạ dày chuyển sản do môi trường (environmental metaplastic atrophic gastritis – EMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản ruột của biểu mô dạ dày, đặc trưng là phân bố của sang thương lan tỏa ở cả hang vị và thân vị.
2. Chẩn đoán viêm teo dạ dày mạn tính
Viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính được chẩn đoán xác định dựa trên các bằng chứng về mô bệnh học. Phương pháp khảo sát lựa chọn ưu tiên là nội soi tiêu hóa trên có sinh thiết. Chỉ định của phương pháp nội soi tiêu hóa trên có sinh thiết xuất phát từ nghi ngờ viêm dạ dày qua các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Trong viêm teo niêm mạc dạ dày, do sự tổn thương gây thiểu dưỡng và chuyển sản của các tế bào chức năng chuyên biệt của tuyến dạ dày có thể gây giảm bài tiết một số sản phẩm quan trọng như: axit dạ dày, pepsinogen và yếu tố nội tại (intrinsic factor – có vai trò trong hấp thu vitamin B12). Một số triệu chứng chung hay phổ biến có thể gặp là: đau bụng thượng vị, khó tiêu, tiêu chảy, thiếu máu.
Phân tích mô bệnh học còn cho phép đánh giá mức độ, qua đó tiên lượng khả năng ung thư hóa của tổn thương chuyển sản. Để đánh giá mức độ của tổn thương viêm dạ dày mạn trên giải phẫu bệnh học, có thể dùng thang OLGA/OLGIM để đánh giá.
Các nội dung cụ thể về đặc điểm dịch tễ, mô bệnh học, chẩn đoán và đánh giá theo OLGA/OLGIM của AMAG và EMAG đã có trên chuyên trang https://VinmecDr.com/
3. Quản lý viêm teo dạ dày mạn tính
Chiến lược quản lý các trường hợp viêm teo dạ dày chuyển sản phụ thuộc rất nhiều với mức độ của tổn thương thiểu dưỡng (hay teo) hoặc chuyển sản tại thân vị (corpus) và hang vị (antrum). Mức độ này có thể được đánh giá bằng thang OLGA/OLGIM tương ứng cho tổn thương teo hay chuyển sản ruột.
Quản lý viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính, theo hiệp hội Nội soi Tiêu hóa Châu Âu (ESGE) năm 2019 có một số điểm đáng lưu tâm như sau:
- Nên bao gồm chẩn đoán Hp khi lấy mẫu sinh thiết dạ dày trong lần đầu nội soi đánh giá viêm teo dạ dày mức độ nặng.
- Nên đánh giá mức độ viêm dạ dày bằng sinh bệnh học theo hướng dẫn của OLGA và OLGIM.
- Ở bệnh nhân có loại sản nhưng chưa xác định được tổn thương trên nội soi, nội soi lại lập tức đánh giá bằng mắt hay với thuốc nhuộm. Nếu không xác định được tổn thương , sinh thiết để đánh giá lại và nội soi kiểm tra lại nên được thực hiện trong vòng 6 tháng (nếu loạn sản mức độ cao) hoặc 12 tháng (nếu loạn sản mức độ thấp) được khuyến cáo.
- Bệnh nhân viêm teo nhẹ đến trung bình (OLGA/OLGIM giai đoạn I/II) không có chỉ định nội soi kiểm tra lại.
- Bệnh nhân chuyển sản ruột ở một vị trí nhưng tiền sử giai định gợi ý ung thư dạ dày, hoặc chuyển sản không hoàn toàn hay viêm dạ dày do Hp trường diễn, nội soi đánh giá và sinh thiết kiểm tra được khuyến cáo thực hiện trong 3 năm.
- Bệnh nhân viêm teo giai đoạn nặng (teo nặng hay chuyển sản ruột nặng ở cả 2 vị trí thân vị và hang vị, OLGA và OLGIM giai đoạn III/IV) nên được theo dõi bằng nội soi mỗi 3 năm
- Bệnh nhân viêm teo giai đoạn nặng cùng với tiền sử gia đình gợi ý ung thư dạ dày nên được theo dõi bằng nội soi tích cực hơn (mỗi 1 đến 2 năm sau khi chẩn đoán).
- Bệnh nhân với viêm teo dạ dày tự miễn có thể có lợi ích nếu theo dõi mỗi 3 đến 5 năm.
- Ở những bệnh nhân viêm dạ dày mạn nhưng không teo niêm mạc, diệt trừ Hp có thể dẫn đến thoái triển của sang thương viêm dạ dày mạn, giảm nguy cơ ung thư hóa, teo niêm mạc.
- Bệnh nhân được xác định chuyển sản ruột, diệt trừ Hp có vẻ không làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng giảm viêm và teo niêm mạc trong ngắn hạn, do vậy cũng có thể cân nhắc áp dụng.
Leave a Reply