Viêm dạ dày mạn tính: Định nghĩa, nguyên nhân và phân loại

Viêm dạ dày mạn tính là một trong những bệnh lý phổ biến và có thể gặp ở nhiều vùng địa lý trên khắp thế giới. So với các bệnh lý dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính có mức độ xuất hiện cao hơn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Việc tìm hiểu và áp dụng các phương pháp chữa trị hiệu quả cho bệnh viêm dạ dày mạn tính là rất cần thiết để giảm thiểu tác động của bệnh lên sức khỏe con người.

1. Định nghĩa viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày (gastritis) là nhóm bệnh lý của dạ dày, đặc trưng bởi sự tổn thương niêm mạc dạ dày và sự xâm nhập của các bạch cầu gây viêm vào lớp niêm mạc dạ dày.

Có rất nhiều các phân loại viêm dạ dày (CÓ NHIỀU CÁCH PHÂN LOẠI). Hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn giữa các thuật ngữ chỉ các dạng viêm dạ dày được sử dụng trên y văn và lâm sàng. Nhìn chung, viêm dạ dày cấp tính thường được định nghĩa trên y văn là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày và có sự xâm nhập của các tế bào bạch cầu phản ảnh tính trạng viêm cấp (bạch cầu đa nhân trung tính). Viêm dạ dày mạn là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày và có sự xâm nhập chủ yếu của các tế bào phản ảnh tính trạng viêm mạn tính (các bạch cầu đơn nhân như lympho bào, tương bào và đại thực bào). Như vậy có thể thấy, thuật ngữ này phân định khá rõ nhưng để sử dụng khi có bằng chứng về mô bệnh học.

Về phương diện lâm sàng, các bác sĩ thường dựa trên khởi phát, diễn tiến của bệnh lý dạ dày để nhận định bệnh lý viêm này là cấp hay mạn. Thí dụ, các nhà lâm sàng thường nghi ngờ bệnh lý viêm dạ dày cấp với bệnh cảnh các triệu chứng gợi ý tổn thương dạ dày mới khởi phát với một yếu tố nguy cơ rõ ràng như dùng các thực phẩm hay thuốc có khả năng tổn thương niêm mạc, rượu hay độc chất…Viêm dạ dày mạn được nghi ngờ nếu diễn tiến được nhận định là kéo dài. Song, mốc thời gian cụ thể để nhận định cấp hay mạn vẫn chưa có sự thống nhất chung. Đồng thời, sự thiếu rõ ràng về cơ chế sinh bệnh học của các bệnh lý viêm dạ dày, khả năng chồng chéo của các bệnh cảnh cấp và mạn, khiến cho sự thống nhất về thuật ngữ viêm dạ dày cấp hay mạn vẫn chưa đạt được.

Minh-hoa-viem-da-day-man
Viêm dạ dày mạn tính có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe

2. Nguyên nhân của viêm dạ dày mạn tính

Về nguyên nhân, các nghiên cứu gần đây cho thấy có rất nhiều tình trạng có liên quan đến bệnh lý viêm dạ dày mạn. Một số nguyên nhân thường thấy nhất là nhiễm Helicobacter pylori (HP), các dạng tổn thương dạ dày của các bệnh lý tự miễn, các bệnh lý hệ thống gây xâm nhiễm các tế bào viêm tại nhiều vị trí (bệnh Crohn, u hạt….) và rất nhiều bệnh lý viêm dạ dày mạn tính không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

3. Phân loại viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính được chia làm 03 dạng chính dựa trên nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là hình thái tổn thương quan sát bằng nội soi hay bằng giải phẫu bệnh học.

  • Viêm dạ dày mạn lan tỏa vùng hang vị (antrum) hay còn gọi là viêm dạ dày mạn do Helicobacter pylori (HP) – Do sang thương viêm dạ dày mạn dạng này chủ yếu là do tác động của vi khuẩn HP. Sử dụng các phác đồ phù hợp có thể diệt được HP giúp điều trị viêm dạ dày mạn dạng này. Quá trình hồi phục của tổn thương này có thể tốn nhiều tháng hay thậm chí hằng năm, nên bằng chứng sinh thiết của dạng viêm dạ dày mạn này không đồng nghĩa Hp chưa được diệt trừ.
  • Viêm teo dạ dày chuyển sản do tự miễn (autoimmune metaplastic atrophic gastritis  – AMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản của biểu mô dạ dày, đặc trưng là tập trung ở vùng thân vị (corpus). Các nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy sự có mặt của kháng thể kháng bơm H+/K+-ATPase trên tế bào thành ở một số cá thể quan sát được AMAG. Đồng thời, các chứng cứ về mô bệnh học cũng cho thấy sự thâm nhiễm bất thuờng của các tế bào lympho T CD4+ và phản ứng bất thường của các tế bào này với bơm H+/K+-ATPase. Bằng chứng về cơ chế cũng như hình thái của phản ứng của phản ứng tự miễn của AMAG chưa thực sự rõ ràng.
  • Viêm teo dạ dày chuyển sản do môi trường (environmental metaplastic atrophic gastritis – EMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản ruột của biểu mô dạ dày, đặc trưng là phân bố của sang thương lan tỏa ở cả hang vị và thân vị. Có nhiều yếu tố đóng góp vào cơ chế sinh bệnh học của EMAG, trong đó phần lớn đều có liên quan đến vi khuẩn HP. Các yếu tố liên quan đến di truyền, chủng tộc đặc biệt là chế độ ăn cũng góp phần vào quá trình bệnh sinh của EMAG. Một số nhóm dân tộc có nguy cơ mắc EMAG cao bao gồm người Mỹ gốc Phi, người Scandinavia, người Á châu, người Mỹ Latinh, người Trung Mỹ và Nam Mỹ, người Nhật Bản và Trung Quốc.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó có khả năng phát triển thành ung thư dạ dày. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để bảo vệ sự khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các chuyên gia và kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực tiêu hóa sẵn sàng hỗ trợ và chẩn đoán bệnh của bệnh nhân một cách chính xác và kịp thời.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *