Sự lớn lên của trẻ không chỉ liên quan đến thể chất như chiều dài, cân nặng của cơ thể mà còn cả sự phát triển về tâm thần, vận động. Một trẻ được coi là phát triển bình thường khi đạt được các mốc phát triển mong đợi phù hợp lứa tuổi.
1. Một số khái niệm liên quan phát triển tâm thần vận động của trẻ em?
Mốc phát triển là tập hợp những kỹ năng đặc trưng cho trẻ bình thường mà lứa tuổi đó có thể thực hiện được.
Đánh giá phát triển tâm thần vận động dựa trên 4 lĩnh vực:
- Vận động thô là các động tác vận động do sử dụng các khối cơ lớn ở tay, chân, bàn chân, thân mình để thực hiện các động tác: ngồi. đứng, đi, chạy, thay đổi tư thế, giữ thăng bằng.
- Vận động tinh là các động tác vận động do sử dụng các nhóm cơ nhỏ như cổ tay, ngón tay, ngón chân, môi, lưỡi để thực hiện các động tác nhặt, giữ, cầm, nắm đồ,…
- Ngôn ngữ là khả năng trẻ hiểu và sử dụng lời nói và các cử chỉ, điệu bộ thể hiện lời nói không lời
- Cá nhân xã hội là kỹ năng trẻ tự phục vụ, tạo dựng quan hệ với người chăm sóc, tương tác với mọi người, đáp ứng cảm xúc và kiểm soát bản thân
2. Các mốc phát triển tâm thần vận động bình thường của trẻ em theo lứa tuổi?
2.1 Dưới 1 tháng tuổi
Vận động thô và vận động tinh:
- Vận động tự phát, không có mục đích, không phối hợp
- Phản xạ sơ sinh
- Tăng trương lực cơ sinh lý
- Khi nằm ngửa thì đầu gối, khuỷu tay gấp trong. Khi nằm sấp thì đầu rũ
Ngôn ngữ: Khóc là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ
Cá nhân xã hội
- Trẻ nhìn theo mẹ
- Quan sát vật trước mắt
- Kết nối mẹ-con
2.2 Trẻ 2-3 tháng tuổi
Vận động thô:
- Giữ vững cổ, nằm sấp có thể ngẩng đầu lên
- Cuối tháng 3: nâng đầu cao, duy trì và nâng ngực
Vận động tinh:
- Hầu hết các phản xạ mất dần, hoạt động có mục đích
- Đưa tay vào miệng, nhìn ngắm, mở và nắm bàn tay
Ngôn ngữ:
- Tiếng khóc
- Phát âm ư, a
Cá nhân xã hội:
- Hóng chuyện
- Đáp ứng với âm thanh
- Nhìn theo đồ vật
2.3 Trẻ 4-5 tháng tuổi
Vận động thô:
- Lẫy
- Ngồi khi được đỡ nách
Vận động tinh
- Hướng về, với tay theo đồ chơi
- Đưa mọi thứ vào miệng
Ngôn ngữ: Phát âm vài nguyên âm, có thể bắt chước
Cá nhân xã hội:
- Thích cười đùa, cười reo thành tiếng
- Nhìn chăm chú đồ vật
2.4 Trẻ 6-8 tháng tuổi
Vận động thô: ngồi được nhưng chưa vững, dễ ngã lúc 6 tháng, ngồi vững lúc 7-8 tháng.
Vận động tinh
- Cầm đồ vật bằng lòng bàn tay. Chuyển đồ vật từ tay này tay khác, đập đồ vật vào nhau
- Đưa tay với lấy đồ vật, cầm đồ cho vào miệng
Ngôn ngữ: bập bẹ âm đơn da, ma, ba âm đôi ba ba, măm măm,…
Cá nhân xã hội: phân biệt được lạ quen, biết vẫy chào, hoan hô
2.5 Trẻ 9-10 tháng tuổi
Vận động thô:
- Bò bằng bàn tay và bàn chân
- Bắt đầu đứng vịn và thích đi men
Vận động tinh: Nhặt vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ
Ngôn ngữ:
- 2–3 âm tiết như bà bà, ma ma, măm măm…
- Bắt chước tiếng kêu con vật
Cá nhân xã hội
- Biết vẫy tay tạm biệt, bắt chước vỗ tay, cúi đầu chào…
- Biết nhận ra các thuộc tính đồ vật qua các giác quan
2.6 Trẻ 12 tháng tuổi
Vận động thô:
- Đứng vững, đi men tốt, có thể tự ngồi xuống – đứng lên
- Tự bước vài bước nhưng dễ ngã
Vận động tinh: Chỉ đồ vật bằng ngón trỏ
Ngôn ngữ:
- Nói vài từ đơn: bà, ba, mẹ…
- Hiểu từ “không”
- Biết thể hiện một số cử chỉ như lắc đầu, xua tay, gật đầu
Cá nhân xã hội:
- Khóc khi cha mẹ dời đi
- Biết xấu hổ, sợ hãi trước người lạ
- Biết phối hợp khi mặc quần áo
2.7 Trẻ 13-15 tháng tuổi
Vận động thô:
- Chập chững đi vài bước. Có thể trèo lên các đồ đạc (bàn, ghế…)
- Tự cúi xuống, ngồi xổm, nhặt đồ, đứng lên không cần trợ giúp
Vận động tinh:
- Nhặt vật nhỏ, lật trang sách, dùng bút chì tạo nét vẽ trên giấy
- Ném quả bóng nhỏ lên trước. Xếp chồng 3 khối hộp hoặc đồ chơi nhỏ lên nhau
Ngôn ngữ: 4–6 từ đơn
- Biết lắc đầu khi “không” hoặc gật đầu khi “có”
- Hiểu và thực hiện mệnh lệnh đơn giản
CN – XH: Chơi với búp bê hoặc thú bông, dùng thìa tự xúc ăn nhưng
còn rơi vãi
2.8 Trẻ 15-18 tháng tuổi
Vận động thô: Đi vững
Vận động tinh:
- Biết cầm cốc, thìa
- Cầm bút vẽ nghệch ngoạc
- Sử dụng ngón tay khéo léo
- Chỉ được các bộ phận cơ thể, trên mặt
Ngôn ngữ:
- Vốn từ đơn phát triển hơn
- Bắt chước nói câu 2 từ đơn giản “mẹ về”, “đi chơi”…
CN – XH: biết gọi đi tiểu, đi đại tiện
2.9 Trẻ 18-23 tháng
Vận động thô:
- Đi vững, có thể chạy một đoạn ngắn
- Bước lên xuống một vài bậc cầu thang khi bám vào tường
hoặc lan can
- Có thể đá quả bóng về phía trước
Vận động tinh:
- Biết bật tắt công tắc điện
- Xếp chồng được 6 khối nhỏ hoặc nhiều đồ chơi lên nhau
- Cầm được thìa và xúc ăn, cầm bút vẽ nguệch ngoạc
Ngôn ngữ:
- Nói được nhiều từ đơn, bắt chước câu 2 từ “mẹ về, bà đi, hết
rồi…”, gọi tên con vật, đồ vật
- Chỉ bằng ngón trỏ vào đồ vật khi trẻ muốn lấy, chỉ đúng ít
nhất 7 bộ phận trên cơ thể
Cá nhân xã hội:
- Biết tự cầm cốc uống nước, tự xúc ăn bằng thìa, có thể còn
rơi vãi
- Biết chơi giả vờ như ru búp bê hoặc thú bông ngủ…
- Bắt chước 1 số hành động đơn giản của người lớn (lau bàn,
bỏ đồ chơi vào hộp…)
- Quan tâm và chia sẻ đồ chơi với bạn cùng lứa
2.10 Trẻ 2 tuổi
Vận động thôi:
- Chạy vững
- Bước lên xuống cầu thang khi có người dắt
- Nhảy với 2 chân rời mặt đất
Vận động tinh:
- Xếp chồng được 6-7 khối màu nhỏ lên nhau
- Biết xâu hạt cườm, vòng nhựa vào sợi dây
Ngôn ngữ:
- Nói câu 2-3 từ biểu thị ý tưởng khác nhau
- Dùng đại từ nhân xưng để gọi tên mình
- Biết gọi đi đại tiểu tiện
- Hiểu và thực hiện được mệnh lệnh
Cá nhân xã hội:
- Xúc ăn không rơi vãi
- Bắt chước nhiều hành động của người lớn như quét nhà, chải tóc
- Chơi giả vờ, tưởng tượng như nấu ăn, cho búp bê ăn, gọi điện thoại,…
- Chia sẻ cảm xúc như khoe, mách,…
2.11 Trẻ 3 tuổi
Vận động thô:
- Chạy nhanh
- Tự leo cầu thang lần lượt từng chân lên mỗi bậc, nhảy tại chỗ, đứng 1 chân, ném bóng tay cao.
- Đi xe 3 bánh
Vận động tinh:
- Cầm bút vạch được đường thẳng, bắt chước vẽ hình tròn trên giấy
- Xếp chồng nhiều khối hình, tạo hình đa dạng
Ngôn ngữ:
- Nói câu dài, vốn từ phong phú
- Biết đặt câu hỏi, bài hát ngắn, đọc thơ, nhận biết ít nhất 2 màu sắc
Cá nhân xã hội:
- Biết tự mặc quần áo, kéo khoá áo
- Thích chơi chung, biết rủ bạn cùng chơi, hiểu luật chơi, luật phiên và chờ đợi đến lượt
2.12 Trẻ 4-6 tuổi
Vận động thô:
- Lên xuống cầu thang dễ dàng
- Trẻ có thể nhảy chụm chân về phía trước, nhảy lò cò 1 chân
Vận động tinh:
- Đôi tay khéo léo cầm kéo, nặn, vẽ, tô màu theo hình
- Vẽ hình tròn, hình vuông, chỉ được đường thẳng dài hơn
- Vẽ hình người với ít nhất 3 bộ phận
- Xếp tháp chồng cao 7-8 khối
Ngôn ngữ:
- Nói câu dài, thích nghe kể chuyện và bắt chước kể lại, diễn đạt phong phú và biết phân tích, nhận xét sự kiện, hoàn cảnh 1 cách đơn giản
- Thích hát múa
- Vốn từ mở rộng có thể từ 500 đến hàng nghìn từ, nhớ số, đếm số, nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại, các thứ trong tuần
- Hiểu được ý nghĩa từ, nhận biết màu sắc đa dạng
Cá nhân xã hội:
- Tự lấy thức ăn, chuẩn bị bữa ăn
- Biết tự đánh răng, tự mặc quần áo, rửa tay bằng xà phòng và lau khô tay
- Gọi tên bạn
- Tham gia được hoạt động có tổ chức
2.13 Trẻ 6-10 tuổi
Trẻ đến trường học, thay đổi môi trường, thích ứng và rèn luyện thêm điều kiện mới, chịu tác động nhiều yếu tố.
Tập duy trì tập trung chú ý theo tiết học từ 45-50 phút liên tục, biết kiềm chế các hoạt động cá nhân, hoà nhập bạn bè
Học và tuân thủ nhiều quy định, nội dung của trường lớp
Khả năng hiểu biết, tưởng tượng, sáng tạo tiếp tục phát triển khi trẻ được tiếp nhận khối kiến thức khổng lồ từ nhà trường
2.14 Trẻ 10-18 tuổi
Giai đoạn này có thể trẻ trải qua đột biến lớn đó là hiện tượng dậy thì, mở đầy cho tuổi vị thành niên.
Trẻ có sự biến đổi về thể chất mạnh mẽ do các nội tiết sinh trưởng và sinh sản phát triển trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Dậy thì thực sự trẻ gái bắt đầu có kinh nguyệt, trẻ trai bắt đầu xuất tinh.
Về tâm lý trẻ cũng có biến đổi lớn. Khuynh hướng sống tự lập, tính tự trọng cao, thích tham gia nhóm bạn cùng sở thích, đồng cảm, băn khoăn về những biến đổi cơ thể, có thức mạnh về giới tính, cảm xúc nhạy cảm, dễ bị tổn thương,…
Sự phát triển tâm thần vận động phân chia theo lứa tuổi có tính chất tổng quát, không phải chính xác hoàn toàn cho sự phát triển của mọi trẻ. Một số trẻ có thể phát triển tiến bộ trước lứa tuổi, song sự khác nhau giữa các trẻ không nhiều so với mức phát triển được cho mốc phát triển bình thường như trên. Khi hiểu và nắm được các mốc của trẻ cũng sẽ giúp chúng ta nhận biết được dấu hiệu chậm phát triển tâm thần, vận động của trẻ.
Bài giảng Nhi khoa Tập 1, Nhà xuất bản Y học
Leave a Reply