Khi tiến hành các phương pháp phẫu thuật trong miệng, thủ thuật bóc tách niêm mạc màng xương là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến. Các bác sĩ sử dụng cây bóc tách có đầu tròn mảnh để làm giảm áp lực trên mô mềm và giúp giải phóng màng xương một cách dứt khoát và hiệu quả.
1. Mục đích của kỹ thuật bóc tách niêm mạc màng xương?
Bóc tách vạt niêm mạc màng xương được sử dụng trong nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, bao gồm nhổ răng ngầm và phẫu thuật cắm implant. Quá trình bóc tách niêm mạc màng xương trong trường hợp này giúp tạo điều kiện thuận lợi để dễ dàng tiếp cận vùng xương bên dưới hơn.
Trong phẫu thuật nhổ răng ngầm, quá trình bóc tách vạt niêm mạc màng xương được thực hiện để bộc lộ mô mềm và mô niêm mạc xung quanh răng trước khi răng được nhổ. Việc này giúp tiếp cận thân răng dễ dàng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhổ răng hơn. Sau khi răng được nhổ, các tế bào mô mềm phía dưới sẽ được cung cấp máu đầy đủ do bản chất niêm mạc lợi và màng xương vẫn còn, đồng thời tạo điều kiện đảm bảo vùng đó được phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.
Trong phẫu thuật cắm implant, bóc tách vạt niêm mạc màng xương được thực hiện để cải thiện phẫu trường, cho phép việc tiếp cận xương, cắm implant được dễ dàng. Việc bóc tách niêm mạc màng xương giúp loại bỏ các tế bào mô mềm xung quanh vùng xương, giúp tiếp cận với xương và tạo điều kiện thuận lợi để cắm implant. Việc này giúp đảm bảo rằng implant được cắm vào vị trí đúng và ổn định hơn.
2. Giai đoạn I của kỹ thuật bóc tách
Trước tiên, bóc tách gai nướu bằng cây bóc tách đầu nhọn mảnh hay dao Ward’s (Ward’s spatula). Mô nướu thường bám khá dính vào xương ở người trẻ, cần cắt đứt và tách khỏi vùng khe giữa hai răng, dọc theo nướu dính (Hình 1).
3. Giai đoạn II của kỹ thuật bóc tách
Bóc tách niêm mạc nướu bao phủ vùng tam giác hậu hàm- thường bám khá dính chắc vào xương bên dưới. Cần bóc tách cẩn thận niêm mạc vùng giao nhau giữa nướu và má vì rất dễ rách. Điều cần thiết là bảo tồn chất lượng của mô nhằm khâu lại theo vị trí cũ của nó sau phẫu thuật. Trong trường hợp khó rạch niêm mạc, dùng lưỡi dao 12 cắt dọc phía xa răng cối và trong khe nướu, dọc theo mặt xa của R7. Lưu ý, đối với răng có thân nằm dưới niêm mạc, bao mầm răng thỉnh thoảng dính chặt với vạt niêm mạc màng xương và bị đứt, dính theo vạt trong quá trình bóc tách.
4. Giai đoạn III của kỹ thuật bóc tách
Kéo niêm mạc má ra sau, dùng cây bóc tách đầu nhọn tì sát xương để tách vạt. Cần cẩn thận tách đầu cơ mút- bám khá chặt vào xương- ra khỏi xương hàm dưới. Kéo vạt bằng dụng cụ banh nhỏ không sang chấn, do phẫu thuật viên quyết định lực và hướng kéo. Không cần kéo cây banh quá quá mạnh, chỉ cần đưa đầu tận cùng của nó nằm trên phần màng xương tương ứng là đủ (Hình 2).
5. Giai đoạn IV của kỹ thuật bóc tách
Bóc tách niêm mạc nướu vùng tam giác hậu hàm phía lưỡi. Giai đoạn này cần cẩn thận bảo vệ thần kinh lưỡi khi bộc lộ xương mặt xa về phía lưỡi. Dùng dao số 12 rạch niêm mạc phía xa R7, sau đó tách sát xương. Dây thần kinh lưỡi nằm trong vạt mới vừa bóc tách, cần bảo vệ vạt tối đa trong suốt quá trình cắt xương, cắt răng và nạy. Khâu bờ vạt phía lưỡi giúp banh kéo dễ dàng. Trong trường hợp này, chỉ cần khâu trên mép vạt nhằm giảm nguy cơ sang chấn thần kinh lưỡi.
Nguồn: Tổng hợp
Leave a Reply