Suy tim là tình trạng cơ tim không còn khả năng đảm bảo cung lượng để đáp ứng được các nhu cầu chuyển hóa của cơ thể. Rất nhiều người cho rằng suy tim chỉ xảy ra với người lớn, nhưng thực ra tất cả mọi người ở tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ bị suy tim, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.
1. Đặc điểm giải phẫu và sinh lý bộ máy tuần hoàn
Cơ tim của trẻ em có nhiều tính chất đặc biệt khác với người lớn
– Cơ tim trẻ sơ sinh chứa nhiều nước và sợi collagen hơn người lớn.
– Cơ tim trẻ em có ít sợi cơ để tạo lực và co cơ khi co bóp hơn người lớn.
– Khả năng co bóp của từng sợi cơ tim trẻ em cũng kém hơn người lớn.
– Tim luôn phải làm việc nhiều hơn người lớn ngay cả khi nghỉ ngơi .
– Khả năng giãn nở của các tâm thất kém hơn người lớn.
– Khả năng đáp ứng của cơ tim với tác động của Catecholamin còn kém.
2. Sinh bệnh học suy tim
Phương trình Frank Starling
Khi thể tích cuối tâm trương thất trái gia tăng, cung lượng tim người khỏe mạnh tăng dần đến một ngưỡng không tăng thêm nữa.
Triệu chứng ứ huyết xảy ra ngay cả ở tim bình thường nếu thể tích cuối tâm trương gia tăng. Tim bệnh lý cũng tương tự nhưng không đạt được sự gia tăng tối đa như tim bình thường và triệu chứng ứ huyết bắt đầu xảy ra sớm hơn.
Các cơ chế bù trừ
+ Cơ chế bù trừ chính của gia tăng cung lượng tim là gia tăng trương lực giao cảm, Hiệu quả có lợi ban đầu là tăng nhịp tim và co bóp cơ tim. Tuy nhiên kích thích mạn tính có thể làm: tăng hậu tải, tăng chuyển hóa, rối loạn nhịp và độc tố trực tiếp trên cơ tim.
+ Máu đến thận bị giảm gây tăng Renin → tăng Angiotensin II → tăng hấp thu nước và muối tại ống thận. Angiotensin II gây tăng sức cơ và phì đại cơ tim. Ngoài ra làm thúc đẩy sợi hóa cơ tim.
Tóm lại, dù angiotensin là tăng phì đại cơ tim trong nỗ lực làm giảm sức căng thành nhưng làm tăng quá trình sợi hóa và thay đổi compliance của thất
Đây là lí do dùng ức chế beta và ức chế men chuyển trong điều trị suy tim.
Định luật Laplace
Sức căng thành (T ) tỉ lệ thuận với áp lực của buồng tim (P) và bán kính buồng tim (R). Tỉ lệ nghịch với bề dày (d) của cơ tim. Để làm giảm sức căng thành tim khi suy tim xảy ra (lúc này P, R đều tăng) thì d phải tăng. Đây là đáp ứng bù trừ trong giai đoạn đầu của suy tim.
3. Các nguyên nhân gây suy tim ở trẻ em
3.1. Do bệnh lý tim mạch
– Bệnh tim bẩm sinh
+ Luồng thông trái-phải: Thông liên thất, còn ống động mạch, thông sàn nhĩ thất.
+ Bệnh tim tắc nghẽn bên trái:Hẹp eo động mạch chủ. Hẹp lỗ van động mạch chủ. Bệnh cơ tim phì đại, tắc nghẽn, hoặc hạn chế.
+ Nguyên nhân rất hiếm gặp: Hồi lưu tĩnh mạch phổi bất thường hoàn toàn. Bất thường van 2 lá bẩm sinh.
– Bệnh tim mắc phải
+ Thấp tim và các bệnh lý van tim do thấp: ở trẻ lớn.
+ Bệnh Kawasaki: ở trẻ nhỏ.
+ Viêm cơ tim cấp tiên phát (thường gặp ở trẻ nhỏ): thường nhất do virus coxsackie B, ngoài ra có thể do Rickettsia, do thương hàn nặng.
+ Viêm màng ngoài tim với tràn dịch nhiều: do virus hoặc vi khuẩn.
+ Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
+ Bệnh cơ tim thứ phát: sau viêm cơ tim do virus, do điều trị tia xạ, do nhiễm độc thuốc anthracyclines, do nhiễm sắt trong các bệnh huyết tán mạn nặng.
– Rối loạn nhịp
+ Các cơn nhịp nhanh(thất hoặc trên thất) kéo dài.
+ Bloc nhĩ thất hoàn toàn.
3.2. Nguyên nhân ngoài tim
+ Tăng huyết áp cấp tính: chủ yếu do viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, hội chứng huyết tán tăng ure máu, hiếm gặp hơn là dị dạng mạch thận, u tuỷ thượng thận.
+ Nhiễm độc giáp (Basedow): ở trẻ lớn.
+ Thiếu vitamin B1.
+ Tắc nghẽn hô hấp kéo dài: hen phế quản nặng, dị dạng đường thở nặng.
4. Lâm sàng suy tim ở trẻ em
4.1 Suy tim ở trẻ nhỏ
Suy tim ở trẻ nhỏ có đặc điểm là khác với trẻ lớn và người lớn. Suy tim thường xảy ra cấp, cho dù khởi đầu là suy tim phải hoặc tim trái cũng đều tiến triển rất nhanh đến suy tim toàn bộ, dễ đưa đến tử vong nếu như không được điều trị sớm và tích cực.
– Triệu chứng cơ năng
+ Trẻ thở nhanh thường xuyên hoặc khi gắng sức thậm chí có thể có khó thở.
+ Trẻ nhỏ đôi khi kèm nôn, chán ăn, bỏ bú, vã nhiều mồ hôi, quấy khóc, bứt rứt da xanh, đầu chi lạnh ẩm, những dấu hiệu này nhiều khi làm nhầm lẫn hoặc làm muộn chẩn đoán suy tim.
– Triệu chứng thực thể
+ Luôn có tim nhanh, đôi khi kèm tiếng tim mờ hoặc tiếng ngựa phi đầu tâm trương.
+ Luôn có gan to mềm và đau, đây là dấu hiệu rất có giá trị. Phản hồi gan tĩnh mạch cổ ít có giá trị ở trẻ nhỏ do cổ trẻ ngắn và trẻ khó có thể nằm yên để khám.
+ Phù hoặc tăng cân nhưng thường rất kín đáo và khó phát hiện ở trẻ nhỏ.
+ Tiểu ít.
4.2 Suy tim trẻ lớn
Triệu chứng suy tim ở trẻ lớn cũng giống như người lớn.Tuỳ theo nguyên nhân, khi các cơ chế bù trừ không còn hiệu quả sẽ làm cung lượng tim giảm. Khi đó áp suất tại nhĩ trái và nhĩ phải tăng cao đưa tới tăng áp suất tại tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch ngoại biên gây suy tim trái và suy tim phải.
* Suy tim trái: Biểu hiện lâm sàng là tình trạng sung huyết phổi
– Khó thở khi gắng sức: là triệu chứng sớm của suy tim trái gây ra do tình trạng ứ máu ở phổi, biểu hiện là thở nhanh nông xuất hiện khi gắng sức, biến mất khi nghỉ.
– Khó thở khi nằm: chỉ xảy ra khi nằm, khi ngồi hoặc nửa ngồi thì sẽ hết do giảm lượng máu tĩnh mạch trở về tim, như vậy làm giảm ứ máu phổi.
– Khó thở kịch phát: thường xảy ra về đêm, bệnh nhân cảm thấy ngạt thở, hoảng hốt kèm theo ho, thở khò khè ngay cả ở tư thế ngồi. Tình trạng khó thở này dễ nhầm với hen phế quản. Nếu không được điều trị bệnh nhân có thể bị phù phổi cấp. Ðây là do ứ đọng máu tại tĩnh mạch phổi gây thoát dịch qua mao mạch phổi tích tụ tại phế nang, làm giảm sự trao đổi khí tại phế nang.
– Mệt mỏi, sức lực bị giảm sút: những triệu chứng này không đặc hiệu của suy tim nhưng là triệu chứng thường gặp. Những triệu chứng này xuất hiện là do cơ bắp không được cung cấp đủ máu.
– Khám tim mạch: nhịp nhanh đều hay loạn nhịp, huyết áp tâm trương thường tăng do hiện tượng co mạch. Nghe tim có thể có tiếng ngựa phi đầu tâm trương ở mỏm và vùng giữa tim, tiếng T2 mạnh ở ổ van động mạch phổi do tăng áp lực động mạch phổi.
– Khám phổi: thường có ran ẩm ở 2 đáy phổi.
– Các triệu chứng khác: chân tay lạnh, tiểu ít do giảm cung lượng tim.
* Suy tim phải: lâm sàng là tình trạng ứ máu ở tĩnh mạch ngoại biên.
– Gan tim: gan lớn, đau do căng bao gan, gan thường có bờ tù, mềm. Khi suy tim mãn tính gan thường rắn chắc, bờ sắc không đau.
– Tĩnh mạch cổ nổi khi nửa nằm và tĩnh mạch đập nếu có hở van 3 lá. Phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính.
– Phù ngoại vi, phù nơi thấp, thường ở 2 chi dưới do tăng áp lực tĩnh mạch, phù mềm ấn lõm, da tím.
– Khám tim mạch thấy: thất phải đập ở dưới mũi ức (dấu Harzer), nhịp nhanh đều, có thể nghe thấy tiếng ngựa phi đầu tâm trương ở bên trái mũi ức hoặc tiếng thổi tâm thu ở mũi ức do hở van 3 lá cơ năng.
* Suy tim toàn bộ: kết hợp cả 2 nhóm triệu chứng của suy tim phải và trái
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Nhi khoa tập II. Bộ Môn Nhi. Đại học Y dược TPHCM
2. Giáo trình Nhi Khoa Đại học Y dược Huế
3. Phác đồ điều trị Nội khoa , Bệnh viện Nhi đồng 1.
Leave a Reply