Chẹn kênh canxi (CCB) là một nhóm thuốc ức chế chọn lọc kênh canxi nằm trên màng tế bào cơ trơn mạch máu và cơ tim, do đó làm gián đoạn sự di chuyển của dòng canxi đi vào trong tế bào.
1.Tăng huyết áp
Chẹn kênh canxi (đặc biệt là nhóm DHP tác dụng kéo dài) được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp, do làm giảm các biến cố tim mạch chính và tử vong.
Thuốc chẹn kênh canxi là một trong những nhóm thuốc khởi trị tăng huyết áp bên cạnh các nhóm thuốc khác như ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin, lợi tiểu thiazide.
Ưu tiên sử dụng phối hợp thuốc chẹn kênh canxi với thuốc ƯCMC hoặc ƯCTT ngay từ đầu, ngoại trừ các trường hợp
- Tăng huyết áp độ 1 nguy cơ thấp (HA tâm thu<150mmHg) hoặc ở bệnh nhân cao tuổi hoặc thể trạng yếu..
- Suy tim có phân suất tống máu thất trái giảm.
Thuốc chẹn kênh canxi là thuốc hiệu quả nhất điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân lớn tuổi, thuốc cũng đặc biệt có hiệu quả trên chủng tộc người da đen. Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng giảm đột quỵ não cao hơn các loại thuốc hạ áp khác, hiệu quả ít nhất tương tự các thuốc hạ huyết áp khác trong điều trị THA ở người có bệnh động mạch vành và ít hiệu quả hơn trong suy tim.
Một số báo cáo cũng cho thấy thuốc chẹn kênh canxi có hiệu quả hơn các thuốc chẹn beta trong việc làm chậm quá trình xơ vữa động mạch cảnh và giảm phì đại thất trái và giảm protein niệu. Trong tăng huyết áp với bệnh thận, non – DHP làm giảm protein niệu tốt hơn DHP. Thuốc cũng có ưu điểm hạ huyết áp tốt mà không gây tăng lipid máu hay kháng insulin và không tác động vào chức năng giao cảm.
Hầu hết các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) cho thấy lợi ích của thuốc chẹn kênh canxi là sử dụng DHP (đặc biệt là amlodipine). Một số lượng nhỏ hơn các RCT đã so sánh các thuốc non-DHP (verapamil và diltiazem) với các thuốc khác và không cho thấy sự khác biệt đáng kể về hiệu quả.
Nên sử dụng thuốc chẹn kênh canxi dạng phóng thích kéo dài vì lợi ích dùng 1 lần/24h và giảm tác dụng không mong muốn. Nicardipine liều 5-15 mg/h truyền tĩnh mạch dùng trong tăng huyết áp cấp cứu.
2.Bệnh động mạch vành
2.1. Hội chứng động mạch vành mạn (Bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc đau thắt ngực ổn định)
Thuốc chẹn kênh canxi giúp cải thiện triệu chứng đau ngực và thiếu máu cơ tim nhưng chưa được chứng minh là giảm biến cố chính hoặc tử vong ở bệnh nhân có bệnh ĐMV mạn tính.
Trong điều trị đau thắt ngực ổn định, thuốc chẹn beta và/hoặc thuốc chẹn kênh canxi được lựa chọn đầu tay để kiểm soát nhịp tim và triệu chứng (chỉ định nhóm I, mức độ bằng chứng A) (Khuyến cáo của ESC 2019 về điều trị bệnh ĐMV mạn tính).
Thuốc chẹn kênh canxi nhóm DHP được khuyến cáo sử dụng phối hợp với thuốc chẹn beta nếu các triệu chứng đau thắt ngực không kiểm soát được bằng thuốc chẹn beta (chỉ định nhóm IIa, mức độ bằng chứng C). Thuốc chẹn kênh canxi thay thế cho thuốc chẹn beta nếu bệnh nhân không dung nạp với thuốc chẹn beta. Nên xem xét kết hợp thuốc chẹn beta với DHP ngay từ đầu (chỉ định nhóm IIa, mức độ bằng chứng B).
Trường hợp nhịp tim nhanh > 80 nhịp/phút, lựa chọn thuốc chẹn kênh canxi là các non-DHP.
Nếu nhịp tim chậm < 50 nhịp/phút, lựa chọn thuốc chẹn kênh canxi là nhóm DHP. Trường hợp huyết áp thấp, sử dụng liều thấp chẹn beta hoặc non-DHP và theo dõi sát sự dung nạp, nhất là nhịp tim và huyết áp.
Không dùng thuốc chẹn kênh canxi khi có suy tim, suy chức năng thất trái trừ trường hợp có kèm theo tăng huyết áp
2.2. Đau thắt ngực không ổn định
Trong số các thuốc chẹn kênh canxi, chỉ có non – DHP (verapamil hoặc diltiazem) có thể sử dụng cho điều trị đau thắt ngực không ổn định.
Ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên, vẫn còn hoặc tái phát đau ngực mà có chống chỉ định với thuốc chẹn beta, các non-DHP nên được dùng nếu không có các yếu tố sau: rối loạn chức năng thất trái hoặc nguy cơ sốc tim, khoảng PR lớn hơn 0,24 giây hoặc block nhĩ thất độ hai hoặc ba mà không có máy tạo nhịp tim.
Không nên sử dụng các DHP cho đau thắc ngực không ổn định mà không sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm đồng thời (do nguy cơ kích thích phản xạ giao cảm).
2.3. Co thắt mạch vành
Co thắt mạch vành xảy ra trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Trường hợp co thắt mạch vành trong đau ngực không ổn định, các nghiên cứu cho thấy thuốc chẹn beta có hiệu quả hơn nifedipine, thậm chí sử dụng nifedipine mà không đồng thời phối hợp phong tỏa thụ thể beta giao cảm còn có thể có hại do làm tăng phản xạ giao cảm dưới tác dụng giãn mạch của nifedipine. Ở các trường hợp co thắt mạch vành gây đau thắt ngực do lạnh hoặc giảm thông khí và trong đau thắt ngực biến thể prinzmetal, tất cả các thuốc chẹn kênh canxi đều có hiệu quả.
2.4. Sau nhồi máu cơ tim
Thuốc chẹn beta giao cảm là lựa chọn hàng đầu trong NMCT, nhưng trong trường hợp có chống chỉ định với chẹn beta giao cảm, có thể thay thế bằng verapamil hoặc diltiazem do có khả năng bảo vệ cơ tim với điều kiện không có kèm theo suy thất trái.
2.5. Nhịp nhanh trên thất
Verapamil và diltiazem ức chế nút nhĩ thất nên có tác dụng điều trị nhịp tim nhanh trên thất. Nifedipine và các DHP khác không có tác dụng này.
2.6. Các chỉ định khác
- Hội chứng Raynaud: Nifedipine (dạng có tác dụng kéo dài).
- Dự phòng co thắt mạch não thứ phát sau xuất huyết dưới nhện: nimodipine.
- Đau nửa đầu: unarizine.
3. Chống chỉ định
Trong suy tim, các non-DHP bị chống chỉ định do tác dụng làm giảm co bóp cơ tim.
- DHP thế hệ 1 (nifedipine) tuy là thuốc giãn mạch nhưng cũng không được chỉ định trong suy tim do có thể ảnh hưởng đến sức co bóp của cơ tim.
- DHP thế hệ 2 (amlodipine, felodipine) ít ảnh hưởng đến co bóp cơ tim, có thể chỉ định trong THA có đi kèm suy tim khi có chống chỉ định các nhóm thuốc khác hoặc phối hợp cùng thuốc ƯCMC, chẹn thụ thể AT1.
Các chống chỉ định của DHP bao gồm: Hẹp van ĐMC nặng, bệnh cơ tim phì đại có tắc nghẽn đường ra thất trái, suy tim nặng, đau ngực không ổn định đe dọa NMCT.
Các chống chỉ định của non-DHP bao gồm: suy tim tâm thu, suy nút xoang, nhịp chậm, block nhĩ thất.
Leave a Reply