Viêm phổi mắc phải cộng đồng là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Bệnh thường phát triển nhanh chóng và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng đối với người bệnh, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Trong bài viết này, chúng ta cùng đi tìm hiểu, định nghĩa, cơ chế bệnh sinh và các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này.
1. Định nghĩa viêm phổi cộng đồng và dịch tễ học.
- Viêm phổi cộng đồng là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm: Các phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do các căn nguyên vi khuẩn có nguồn gốc từ cộng đồng (không phải bệnh viện). Bệnh có nguyên nhân do các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm nhưng không phải trực khuẩn lao gây ra.
- Đặc trưng và tổn thương giải phẫu trong bệnh lý viêm phổi là khối đông đặc như nhu mô phổi. Về giải phẫu bệnh người ta chia ra viêm phổi thành viêm phổi thùy và phế quản phế viêm.
Hiện tại dù có nhiều kháng sinh hiệu quả song viêm nhiễm cấp tính ở phổi vẫn còn là nguyên nhân tử vong quan trọng ở mọi lứa tuổi đặc biệt ở trẻ em dưới 1 tuổi và người già. Trên thế giới ước tính có khoảng từ 1,5 đến 14 ca bệnh/ 1000 người mỗi năm. Viêm phổi do vi khuẩn là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ 8 và đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong do nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp quan trọng, chiếm 12% bệnh phổi.
2. Cơ chế bệnh sinh
2.1. Đường vào
Những tác nhân gây viêm phổi có thể xâm nhập theo những đường vào sau:
- Đường hô hấp:
– Hít phải vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, trong không khí.
– Hít phải vi khuẩn do ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Đường máu: thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn
- Nhiễm khuẩn theo đường kế cận phổi.
- Đường bạch huyết: Một số vi khuẩn (Pseudomonas, Klebsiella pneumoniae, S.aureus) có thể tới phổi theo đường bạch huyết, chúng thường gây viêm hoại tử và áp xe phổi, với nhiều ổ nhỏ đường kính dưới 2 cm.
2.2. Sư xâm nhập của vi khuẩn
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể xảy ra ở từng cấp độ với sự khác nhau tỷ lệ giữa các nguyên nhân do virus và vi khuẩn ở mỗi cấp độ, có thể gây nhầm lẫn giữa các căn nguyên này. Viêm tiểu phế quản do virus hợp bào đường hô hấp (RSV) ở trẻ em là một ví dụ điển hình của trường hợp này.
- Hiểu biết về một hệ vi sinh vật bình thường tồn tại ở mức phế nang của phổi đã làm nảy sinh một cơ chế khác về sự phát triển của bệnh viêm phổi do vi khuẩn. Hệ vi sinh vật ở phổi bình thường có sự tương đồng với vùng hầu họng, chủ yếu là liên cầu ( bao gồm cả phế cầu) nhưng cũng bao gồm H.influenzae, Mycoplasma và một số can nguyên viêm phổi khác. Sự phát triển của viêm phổi có thể là do sự thay đổi trong hệ vi sinh vật bình thường, dẫn đến sự phát triển nhảy vọt của một tác nhân vi khuẩn cụ thể. Cơ chế này phù hợp với mối tương quan giữa việc nhiễm virus trước hoặc đồng nhiễm với viêm phổi do vi khuẩn.
2.3. Cơ chế bảo vệ của phổi
- Khi có vật lạ vào phổi, nắp thanh quản đóng lại theo phản xạ. Từ thanh quản đến tiểu phế quản tận cùng có lớp niêm mạc bao phủ bởi các tế bào hình trụ với lông chuyển, những tế bào hình đài tiết ra chất nhầy với các vật lạ đã dính kết lên các phế quản lớn, rồi từ đó phản xạ ho sẽ tống các vật lạ ra ngoài. Các globulin miễn dịch có vai trò bảo vệ đường hô hấp: IgA ( Nồng độ ở đường hô hấp trên cao hơn đường hô hấp dưới ) có tác dụng làm ngưng kết vi khuẩn, trung hòa độc tố vi khuẩn, làm giảm khả năng bám dính của vi khuẩn vào niêm mạc. IgG có tác dụng làm ngưng kết vi khuẩn, làm tăng bổ thể, tăng đại thực bào, trung hòa độc tố vi khuẩn, virus, làm dung giải vi khuẩn gram âm. Trong phế nang có nhiều đại thực bào ăn vi khuẩn.
- Bạch cầu đa nhân trung tính cũng có những khả năng như trên.
- Những người nghiện thuốc lá, thiếu oxy, thiếu máu, rối loạn về bạch cầu bẩm sinh, chức năng thực bào tại phế nang bị suy giảm, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải sẽ dễ mắc bệnh hơn.
3. Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi của viêm phổi cộng đồng
3.1. Nguyên nhân gây bệnh
Căn nguyên phổ biến gây viêm phổi cộng đồng bao gồm:
- Các vi khuẩn điển hình:
– Streptococcus pneumoniae
– Haemophylus influenzae
– Moraxella catarrhalis
– Staphylococcus aureus
– Klebsiella pneumoniae
- Một số vi khuẩn không điển hình:
– Legionella pneumonphila
– Mycoplasma
– Chlamydia pneumoniae
– C. psittaci
Tuy nhiên, ở các khu vựa địa lý khác nhau, tỷ lệ và mức độ đề kháng kháng sinh phụ các căn nguyên phụ thuộc vào dịch tễ tại khu vực đó. Tại Việt Nam, dựa vào nghiên cứu xác định căn nguyên vi sinh gây viêm phổi cộng đồng, kết quả cho thấy các căn nguyên vi khuẩn thường gặp là Haemophylus influenzae, Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae và Staphylococcus aureus.
3.2 Các điều kiện thuận lợi
- Cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng, già yếu.
- Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
- Thời tiết lạnh, bệnh thường xảy ra về mùa đông.
- Mắc bệnh phải nằm điều trị lâu.
- Bệnh nhân hôn mê, chấn thương sọ não.
- Biến dạng lồng ngực, gù, vẹo cột sống.
- Bệnh lý tai mũi họng: Viêm xoang, viêm amidan.
- Các bệnh đồng mắc như: Bệnh hô hấp mạn tính, bệnh lý tim mạch, tai biến mạch não, Parkinson, bệnh thận mạn, bệnh gan mạn, động kinh, sa sút trí tuệ.
Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị viêm phổi cộng đồng
Nguồn tài liệu
- Bệnh học nội khoa Trường đại học Y Hà Nội 2020
- PubMed: Community-Acquired Pneumonia
Leave a Reply