Ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh phổ biến ở nam giới trên khắp thế giới. Tuyến tiền liệt là một bộ phận quan trọng trong hệ thống sinh sản nam giới, có nhiệm vụ sản xuất chất lỏng tiết ra trong quá trình xuất tinh. Việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe nam giới. Một trong những phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiện nay là cấy hạt phóng xạ. Phương pháp này sử dụng các hạt phóng xạ được cấy trực tiếp vào tuyến tiền liệt để tiêu diệt các tế bào ung thư.
1. Đại cương
Cấy hạt phóng xạ là phương pháp xạ trị áp sát suất liều thấp để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các hạt phóng xạ được cấy trực tiếp vào tuyến tiền liệt, vì vậy khối u tuyến tiền liệt sẽ nhận được liều bức xạ cao nhất và giảm thiểu tối đa liều bức xạ đến các cơ quan xung quanh. Điều này giúp cho việc kiểm soát khối u tối ưu đồng thời bảo tồn tốt nhất các chức năng của cơ quan xung quanh, cải thiện chất lượng cuộc sống. Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt là một trong những phương pháp điều trị cơ bản được minh chứng mang lại hiệu quả rất cao đồng thời gần như bảo tồn được các chức năng của các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng, sinh dục và đã được triển khai thường quy tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, tuy nhiên phương pháp này mới được triển khai ở nước ta.
2. Chẩn đoán xác định của ung thư tuyến tiền liệt
2.1. Lâm sàng
Giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì, có thể phát hiện bệnh qua sàng lọc cho những đối tượng có nguy cơ cao. Khi bệnh xuất hiện các triệu chứng rầm rộ như bí tiểu, tiểu máu, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng toàn thân: sụt cân, chán ăn, thiếu máu.
Triệu chứng tiết niệu-sinh dục: tiểu rắt, tiểu khó, bí tiểu, tiểu ngắt quãng, có thể đau khi xuất tinh.
Các triệu chứng di căn: đau xương, gãy xương bệnh lý, đau ngực, khó thở…
Thăm khám trực tràng: có thể thấy tiền liệt tuyến to, dính, hạn chế di động khi u đã xâm lấn ra ngoài.
2.2. Cận lâm sàng
Có nhiều phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán, trong đó có thể kể đến như:
- Sinh thiết u qua tầng sinh môn để chẩn đoán mô bệnh học
- Chất chỉ điểm ung thư PSA
- Xét nghiệm sinh học phân tử
- Các xét nghiệm máu
- Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm để đánh giá tình trạng khối u, phát hiện các hạch di căn, tổn thương hay xâm lấn
- Y học hạt nhân
3. Phân loại nguy cơ di căn
3.1. Nguy cơ rất thấp
- Giai đoạn T1a
- Điểm Gleason: ≤6
- PSA <10ng/ml
- PSA tỷ trọng <0,15ng/ml/g
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: <3 điểm (+), <50% tế bào (+) trong mỗi điểm.
3.2. Nguy cơ thấp
- Giai đoạn T1, T2a
- Điểm Gleason: 2-6 PSA <10ng/ml.
3.3. Nguy cơ trung bình
- Giai đoạn T2b, T2c hoặc
- Điểm Gleason =7 hoặc
- PSA=10-20ng/ml.
3.4. Nguy cơ cao
- Giai đoạn T3a hoặc
- Điểm Gleason =8-10 hoặc
- PSA >20 ng/ml
3.5. Nguy cơ rất cao
- Giai đoạn T3b, T4
- Giai đoạn N1
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc chung
Tùy theo bảng phân loại nguy cơ lựa chọn và phối hợp những phương pháp điều trị thích hợp. Giai đoạn khu trú: phương pháp điều trị được lựa chọn là phẫu thuật hoặc xạ trị kết hợp nội tiết. Giai đoạn muộn: điều trị nội tiết, điều trị hóa chất khi nội tiết thất bại, xạ trị triệu chứng.
4.2. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ 125I
Là phương pháp đưa các hạt phóng xạ trực tiếp vào tuyến tiền liệt theo một kế hoạch đã được lập trước bằng một phần mềm chuyên dụng đảm bảo khối u sẽ nhận được liều bức xạ cao nhất và giảm thiểu tối đa liều bức xạ tới các cơ quan lành xung quanh. Đây là phương pháp cấy hạt phóng xạ vĩnh viễn (Permanent brachytherapy hoặc Low dose rate brachytherapy): các hạt phóng xạ (Iodine-125 hoặc Palladium-103) được cấy vĩnh viễn trong tuyến tiền liệt, liều bức xạ được giải phóng chậm trong một vài tháng.
Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ cần được thực hiện ở các cơ sở Y học hạt nhân có đủ điều kiện và được phép xử lý, lưu trữ và sử dụng các nguồn phóng xạ cho quy trình điều trị, theo luật an toàn bức xạ.
4.2.1. Chỉ định
- Nguy cơ thấp: cấy hạt phóng xạ điều trị áp sát đơn thuần.
- Nguy cơ trung bình: cấy hạt phóng xạ điều trị áp sát + xạ trị chiếu ngoài (40-50Gy) ± nội tiết (4-6 tháng).
Liều xạ trị:
- Cấy hạt phóng xạ với 125I liều 145Gy, với 103Pd liều 125Gy.
- Cấy hạt phóng xạ sau khi xạ trị chiếu ngoài 40-50Gy: với 125I liều 110Gy và 103Pd liều 100Gy.
4.2.2 Chống chỉ định
Ung thư tuyến tiền liệt tổn thương rộng, di căn, thể trạng kém.
Tắc nghẽn đường bài niệu nặng.
Chống chỉ định của gây mê.
Bệnh nhân ung thư kèm bệnh lý suy tim, suy hô hấp nặng, thời gian sống thêm dưới 5 năm.
Cần cân nhắc khi kích thước tuyến tiền liệt lớn, kích thước thùy giữa tuyến tiền liệt lớn do khả năng cấy không đạt tối ưu. Có thể điều trị liệu pháp nội tiết trước sau đó đánh giá lại xét cấy hạt phóng xạ.
4.3. Các biến chứng khi thực hiện
Tác dụng phụ trong quá trình cấy hạt phóng xạ: có thể gây tổn thương các cơ quan xung quanh như bàng quang, trực tràng, đại tràng, ruột non… tuy nhiên có thể phát hiện và xử lý kịp thời do có sự hướng dẫn của siêu âm trong quá trình điều trị.
Tác dụng phụ sau cấy hạt phóng xạ:
- Triệu chứng về tiết niệu-sinh dục: thường gặp là tiểu nhiều lần, tiểu buốt, các triệu chứng này sẽ hết sau 4-6 tuần.
- Triệu chứng về tiêu hóa: đau rát, chảy máu trực tràng, rối loạn tiêu hóa, đại tiện không tự chủ.
- Một số tác dụng phụ khác: mệt mỏi, cảm giác khó chịu ở vùng chậu, viêm nhiễm vùng da giữa bìu và hậu môn…
Tác dụng phụ muộn: viêm trực tràng mạn tính, viêm bàng quang mạn tính, tiểu khó do hẹp niệu đạo,…
Leave a Reply