Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý hệ thống ảnh hưởng đến khớp và có thể gây ra các triệu chứng toàn thân, các triệu chứng tim và viêm màng bồ đào. Biểu hiện ban đầu thường là đau lưng kiểu viêm và cứng lưng đôi khi cùng với các triệu chứng khớp ngoại vi và/hoặc viêm màng bồ đào trước. Dưới đây là hướng dẫn điều trị viêm cột sống dính khớp theo khuyến cáo của ASAS/EULAR 2011 (Hội đánh giá viêm cột sống dính khớp quốc tế/Hội khớp học châu Âu)
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp dựa trên các kết quả chụp phim cột sống thắt lưng, chụp khớp cùng chậu, MRI khớp cùng chậu, xét nghiệm máu (tốc độ máu lắng, CRP, kháng nguyên bạch cầu người B27 [HLA-B27], và công thức máu) và/hoặc các tiêu chuẩn lâm sàng rõ ràng.
1. Nguyên tắc chung:
Bao gồm điều trị nội khoa, vật lý trị liệu và ngoại khoa.
Mục đích điều trị: chống viêm, chống đau; phòng chống cứng khớp, đặc biệt là phòng chống cứng khớp ở tư thế xấu và khắc phục dính khớp (nếu có).
4.2. Lựa chọn phương pháp điều trị
Trên mỗi bệnh nhân cụ thể, quyết định điều trị dựa vào các thông số sau:
− Tình trạng bệnh, mức độ hoạt động bệnh, triệu chứng tiên lượng.
− Biểu hiện hiện tại của bệnh (cột sống, khớp ngoại biên, điểm bám gân…).
− Biểu hiện ngoài khớp và bệnh kèm theo: có thể có các biểu hiện ngoài khớp như vẩy nến, viêm màng bồ đào và viêm ruột mạn tính. Đặc biệt với viêm màng bồ đào cần khám chuyên khoa mắt nhằm điều trị triệu chứng kết hợp.
− Trạng thái lâm sàng chung (tuổi, giới, bệnh kèm theo, thuốc kèm theo, yếu tố tâm lý). Cũng cần lưu ý đến các nguy cơ bệnh loãng xương, bệnh tim mạch ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp nhằm phát hiện, theo dõi và dự phòng.
4.3. Điều trị cụ thể viêm cột sống dính khớp
Phác đồ điều trị theo khuyến cáo của ASAS/EULAR 2011 (ASAS/EULAR- Assessment in Ankylosing Spondylitis International Society/European League against Rheumatism – Hội đánh giá viêm cột sống dính khớp quốc tế/Hội khớp học châu Âu), áp dụng vào điều kiện Việt Nam, được tóm tắt bởi sơ đồ và một số lưu ý dưới đây.
− Điều trị không dùng thuốc: Điều rất quan trọng là bệnh nhân cần được giáo dục nhằm hiểu biết về bệnh và thực hiện chế độ luyện tập phù hợp và đều đặn. Có thể luyện tập có hiệu quả tại nhà hoặc điều trị vật lý, có sự giám sát về mức độ luyện tập. Bệnh nhân có thể tự tập một mình hoặc tập hợp theo nhóm.
− Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc chống viêm không steroid là lựa chọn đầu tiên chỉ định cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có đau và/hoặc cứng khớp. Có thể sử dụng trong thời gian dài nếu tình trạng viêm kéo dài. Cần chú ý đến các tác dụng không mong muốn trên tim mạch, dạ dày, thận ở bệnh nhân khi điều trị thuốc bằng chống viêm không steroide.
Có thể sử dụng một trong các loại sau: celecoxib 200 – 400mg / ngày- duy trì liều 200 mg hàng ngày; meloxicam 7,5- 15 mg / ngày; diclofenac 75 mg / ngày; etoricoxib 60 -90 mg / ngày.
− Thuốc giảm đau: Nên phối hợp thuốc giảm đau (paracetamol, các dạng kết hợp) theo sơ đồ sử dụng thuốc giảm đau của WHO.
− Thuốc giãn cơ: eperisone (50mg x 3 lần/ ngày), thiocolchicoside (4mg x 3 lần/ ngày)
− Glucocorticoids: Tiêm corticosteroids tại chỗ: chỉ định với các trường hợp viêm các điểm bám gân hoặc các khớp ngoại biên có tình trạng viêm kéo dài. Nếu là khớp háng, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm. Không khuyến cáo điều trị corticosteroid toàn thân.
− Thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh-DMARD: Thuốc DMARD như sulfasalazine, methotrexat không được chỉ định cho bệnh nhân thể cột sống đơn thuần.
Sulfasalazine: chỉ định cho bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp ngoại biên. Liều khởi đầu 500 mg x 2 viên mỗi ngày, tăng dần liều dựa vào đáp ứng lâm sàng của người bệnh, thường duy trì 2.000 mg chia 2 lần, hàng ngày, uống sau bữa ăn.
− Điều trị bằng chế phẩm sinh học: kháng TNFα
+ Điều trị thuốc kháng TNF: theo khuyến cáo của ASAS – Hội đánh giá viêm cột sống dính khớp quốc tế, chỉ định thuốc kháng TNF cho các thể bệnh hoạt động dai dẳng, mặc dù đã điều trị thường quy. Cần tuân theo quy trình chỉ định các thuốc sinh học.
+ Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp thể cột sống: Điều trị thuốc kháng TNF kết hợp với thuốc chống viêm không steroid, không kết hợp với nhóm DMARD kinh điển (Sulfasalazine, Methotrexate). Có thể chuyển sang kháng TNF thứ hai nếu bệnh nhân điều trị đáp ứng kém với kháng TNF ban đầu. Etanercept 50mg tiêm dưới da tuần một lần hoặc 25mg x2 lần /tuần (tiêm dưới da). Hoặc Infliximab 3-5mg/kg truyền tĩnh mạch mỗi 4-8 tuần. Adalimumab 40mg tiêm dưới da mỗi 2 tuần. − Điều trị phẫu thuật
+ Thay khớp háng: chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau kéo dài, hạn chế vận động và có phá hủy cấu trúc rõ trên hình ảnh X quang. Trước kia thường cố gắng chỉ định ở bệnh nhân lớn tuổi (ít nhất trên 50 tuổi). Gần đây tuổi không còn là một yếu tố cần quan tâm khi chỉ định thay khớp háng.
+ Phẫu thuật chỉnh hình đối với cột sống: chỉ định khi cột sống biến dạng.
+ Ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có gãy đốt sống cấp tính: xét chỉ định phẫu thuật
Nguồn: Bộ Y tế
Leave a Reply