Tâm lý xã hội – Yếu tố ảnh hưởng đến đau trong Răng Hàm Mặt.

Trạng thái tâm lý xã hội phức tạp cũng làm thay đổi cách con người cảm thấy đau đớn. Chúng ta đều thấy sự cảm nhận, biểu hiện đau cũng như đáp ứng điều trị giảm đau là của mỗi người là khác nhau. Bên cạnh đó, các thuyết tâm lý xã hội về đau cũng đã đề cập đến các yếu tố như tính cách, giới tính, tuổi và văn hoá ảnh hưởng đến cảm nhận và đáp ứng với đau. Cùng tìm hiểu sâu hơn ở bài viết này.

tam-ly-xa-hoi-1
Yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng đến đau trong Răng Hàm Mặt

1. Tổng quan về đánh giá cơn đau

Việc đánh giá đau cần được xem xét thông qua các thông tin cơ bản sau:

  • Biểu hiện khu trú đau? (Khuếch tán hay lan truyền).
  • Tính chất đau? (Như kim châm, âm ướt, bóng rất).
  • Mức độ đau? (Chịu được, không chịu được).
  • Thời gian xuất hiện và tồn tại cơn đau? (Cấp tính, tản mạn, tái phát. kéo dài. mạn tính, ban ngày, ban đêm).
  • Tình trạng đau? (Yên lặng, căng thẳng, khi nằm, khi ngồi, khi đứng, khi đi).
  • Triệu chứng đi kèm với đau? (Chóng mặt, nhịp tim nhanh…). Thông tin khác? (Tuổi, nghề nghiệp, thói quen trong sinh hoạt…).

Đau thưởng được hầu hết mọi người nghĩ tới như một phản ứng với một số kích thích độc hại hoặc thiệt hại sinh lý cho cơ thể. Do vậy, đau có giá trị sinh học rõ ràng với cơ thể. Tuy nhiên, đau cũng là một trải nghiệm không hề dễ chịu với từng cá nhân và cường độ đau được mô tả lại thông qua lời kể của bệnh nhân và nó được suy ra từ cách cư xử của từng bệnh nhân. Sự nhận thức đau và biểu hiện đau là kết quả của sự tương tác tâm sinh lý phức tạp. Lượng kích thích cần thiết để tạo ra một cảm giác ban đầu của sự khó chịu hoặc đau dường như là giống nhau với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cách mà mỗi người phản ứng với đau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tâm lý xã hội khác nhau. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao mà nghiên cứu đau và kiểm soát đau là một sự nỗ lực không hề dễ dàng.

Một số cá nhân chưa có trải nghiệm đau thì tình trạng này có thể gọi là vô cảm bẩm sinh với đau (Sternbach, 1968). Tình trạng này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho bản thân bệnh nhân. Bệnh nhân có thể không nhận ra rằng họ đã tự cắn đứt lưỡi mình hoặc đã bị gãy xương hoặc là họ đã bị viêm ruột thừa hay bị các vết thương nghiêm trọng khác mà có thể đang đe dọa đến tính mạng của mình.

Có một số yếu tố cấu thành nên kinh nghiệm đau của mỗi người: bao gồm yếu tố gen, tuổi, giới tính và kinh nghiệm sống, và yếu tố quan trọng nhất là trạng thái tâm lý xã hội tại thời điểm có trải nghiệm đau. Ảnh hưởng của yếu tố tâm lý đã được nghiên cứu rất nhiều. Cả trên lâm sàng và các nghiên cứu thực nghiệm, việc mất tập trung đã được chứng minh để giảm đau. Hơn nữa, người ta thấy những cảm xúc tiêu cực làm tăng đau đớn, trong khi những cảm xúc tích cực có tác dụng ngược lại. Trạng thái tâm lý phức tạp cũng làm thay đổi cách con người cảm thấy đau đớn. Chúng ta đều thấy sự cảm nhận, biểu hiện đau cũng như đáp ứng điều trị giảm đau là của mỗi người là khác nhau. Bên cạnh đó, các thuyết tâm lý xã hội về đau cũng đã đề cập đến các yếu tố như tính cách, giới tính, tuổi và văn hoá ảnh hưởng đến cảm nhận và đáp ứng với đau.

2. Các yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng đến đau trong Răng Hàm Mặt

2.1. Sự tập trung chú ý

Tập trung chú ý là yếu tố tâm lý xã hội có thể làm thay đổi trải nghiệm đau được nghiên cứu nhiều nhất. Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng đã chứng minh rằng cảm giác đau được dịu bớt đi khi bệnh nhân bị làm sao lãng, mất tập trung. Nhìn chung, khi con người bị làm cho mất tập trung bởi các kích thích có hại tập trung vào các giác quan khác thì đều cho thấy là cường độ đau sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ tập trung chú ý đến đau thì đau tăng lên. Có một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tập trung chú ý vào một vấn đề cụ thể của đau lại có thể có tác dụng ngược là làm đau giảm đi chứ không phải tăng lên ở một số cá nhân. Ví dụ, Hadji Stavropoulos và cộng sự (2000) đã theo dõi trên những bệnh nhân đau mạn tính đặc biệt là những người quá lo lắng về sức khỏe thấy rằng bệnh nhân bớt lo lắng và bớt đau hơn khi họ tập trung vào những cảm giác vật lý. Như vậy, hiệu quả của sự tập trung hay xao lãng lên nhận cảm đau không đơn giản, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ví dụ như tính cách của mỗi người. Trong một vài nghiên cứu, mỗi bệnh nhân sẽ đánh giá riêng biệt về độ mạnh của cảm giác đau (cường độ đau – pain intensity) và mức độ khó chịu, phiền toái mà đau gây ra (pain unpleasantness). Kết quả cho thấy sự tập trung vào một cảm giác, giác quan khác trong khi đang bị đau sẽ làm giảm cả cường độ đau cũng như mức độ khó chịu mà đau gây ra một cách tương ứng, đôi khi cường độ đau giảm mạnh hơn. Liên quan đến vấn đề này, sự tập trung có ảnh hưởng tới việc thay đổi hoạt động phản xạ thần kinh đau đã được quan sát qua đường dẫn truyền đau trong não sử dụng kỹ thuật quan sát hình ảnh hệ thần kinh như chụp cộng hưởng từ chức năng và PET (positron emission tomography).

2.2. Cảm xúc – Yếu tố tâm lý xã hội đặc trưng

Tâm trạng và các trạng thái cảm xúc đều ảnh hưởng đến nhận cảm đau. Những cảm xúc, xúc động tiêu cực làm đau tăng hơn so với những cảm xúc tiêu cực. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy tâm trạng và thái độ của bệnh nhân ảnh hưởng đến đau liên quan tới những bệnh mạn tính. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh suy tim thường thấy bị đau thắt ngực mạnh hơn (thể hiện bị đau nhiều ngay từ lúc bắt đầu và cơn đau cũng kéo dài hơn) so với những bệnh nhân mắc bệnh tim nhưng không bị suy tim, đây là điều không thể giải thích được trong các bệnh cảnh tim mạch trầm trọng khác nhau. Ở những bệnh nhân đau mạn tính, cảm giác đau có liên quan mật thiết, rõ ràng với những triệu chứng suy giảm chức năng và sự xúc động, đau buồn nhiều. Điều này cũng đúng với những trường hợp đau cấp tính trong răng hàm mặt, mức độ lo lắng trước khi phẫu thuật có liên quan thuận chiều với tình trạng đau sau phẫu thuật trong miệng.

Trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, các liệu pháp có ảnh hưởng tích cực đến tình trạng cảm xúc con người như âm nhạc vui vẻ êm đềm, các chất có mùi thơm, các bức tranh vui tươi hay bộ phim hài thường làm dịu cảm giác đau trong khi các tác động tiêu cực lên cảm xúc và phát sinh các vấn đề cảm xúc tiêu cực như sự lo lắng, sẽ làm cho đau tăng lên. Một vấn đề hay gặp trong phòng khám răng hàm mặt đó là thường xuyên có mùi eugenol, là yếu tố kích thích có thể gây ra sự sợ hãi, khó chịu hay khiếp sợ một cách tự động đối với những bệnh nhân luôn e sợ các công việc khám chữa răng, do đó thúc đẩy các phản ứng tiêu cực, bệnh nhân thấy đau đớn hơn khi đi khám chữa răng. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu ngụy trang mùi eugenol bằng các mùi thơm dịu nhẹ dễ chịu khác như mùi oải hương hay mùi cam.

2.3. Yếu tố tương tác tâm lý xã hội

Mặc dù đau thường được xem là trải nghiệm cá nhân, các nghiên cứu đã chị rằng các tương tác xã hội có ảnh hưởng đến cách mà chúng ta cảm nhận và biểu đạt, thể hiện đau. Ví dụ, khi đang bị đau chỉ cần có sự xuất hiện của một người khác cũng có thể làm thay đổi hành vi, biểu hiện đau của một người bằng cách thúc đẩy sự bắt chước lẫn nhau, được gọi bằng thuật ngữ “mô hình xã hội”. Cụ thể, khi bệnh nhân được test với kích thích đau cùng với một người khác, họ sẽ tăng hoặc giảm biểu hiện đau để phù hợp với người còn lại.

Những người xung quanh cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác đau của chúng ta bằng thái độ mà họ thể hiện, chia sẻ với cảm giác mà chúng ta đang chịu đựng. Cảm giác đau yếu có thể được gia tăng một cách không cố ý nếu những người xung quanh quá chú ý, quan tâm và kèm theo đó là những “phần thưởng”. Ví dụ, sự lo lắng quá mức của cha mẹ dự báo cho một tình trạng chậm hồi phục sau phẫu thuật trong miệng ở những trẻ thiếu niên, hay mức độ chú ý của bố mẹ cũng dự báo cho cường độ của những lần đầu bụng sau đó ở một số trẻ nhỏ.

“Tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn”: một sự đồng cảm có thể làm người bệnh thấy đỡ đau hơn.

Có các bằng chứng cho thấy rằng chứng kiến sự đau đớn của người khác có thể làm thay đổi cảm nhận đau của mỗi người, điều này độc lập với hành vi bắt chước, làm theo. Langford và cộng sự báo cáo thử nghiệm trên chuột, nếu một con chuột chứng kiến một con chuột khác đang bị đau thì nó sẽ thể hiện gia tăng cảm giác đau, với điều kiện là hai con chuột đó có mối liên hệ xã hội trước đó. Tác giả cung cấp bằng chứng rằng sự điều chỉnh đau thông qua các mối liên hệ xã hội này không thể giải thích là do bắt chước và cho rằng chính sự đồng cảm, hoặc sự mào đầu của việc đồng cảm, có thể thúc đẩy gia tăng cảm nhận đau.

Ở con người cũng có hiện tượng tương tự như vậy. Những người tham gia thử nghiệm được kích thích nhiệt ở ngưỡng gây đau và không gây đau khi xem hai video khác nhau: nhóm có sự đồng cảm mức độ cao xem video về một câu chuyện buồn, còn nhóm kia mức độ đồng cảm thấp xem video trung tính. Những người ở nhóm có sự đồng cảm cao đều đánh giá mức độ đau mạnh hơn và khó chịu hơn khi bị kích thích nhiệt so với nhóm có sự đồng cảm thấp, nhưng đánh giá cảm giác khi bị kích thích nhiệt không gây đau không có sự khác nhau giữa hai nhóm. Cũng giống như ở chuột, sự gia tăng đau đớn không thể giải thích bằng hành động bắt chước.

Lý giải tại sao sự đồng cảm với người khác lại ảnh hưởng tới cảm nhận đau của riêng mỗi người, một số nghiên cứu hình ảnh não bộ cho thấy việc chứng kiến sự đau đớn của người khác dẫn đến sự hoạt hoá của vùng não bộ liên quan đến cảm nhận đau đầu tiên của con người, đó là vùng viền vỏ não trước và vùng đầu của thuỷ não trước. Như vậy, sự đồng cảm có tác động kích thích quá trình đau của não bộ. Vì vậy, trong môi trường phòng khám răng hàm mặt, việc cách ly các bệnh nhân chờ khỏi tầm nhìn và những âm thanh của những bệnh nhân đang điều trị trên ghế răng là một phương pháp quan trọng để giảm đau.

2.4. Giả dược và đau vùng hàm mặt

Yếu tố tâm lý xã hội như niềm tin vào liệu pháp điều trị hay mong muốn giảm đau là yếu tố cấu thành sự thành công, hiệu quả cho bất kỳ phương pháp điều trị y học nào. Trong điều trị lâm sàng, rất khó để phân tách vai trò của của thuốc hay yếu tố tâm lý đối với đáp ứng điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng giả dược (placebo) có thể phân biệt được các tác dụng này. Nghiên cứu hình ảnh não bộ đã chứng minh rằng giả được giảm đau là thực sự có thật, bằng cách chỉ ra rằng giả dược có tác dụng giảm đau liên quan đồng thời với sự giảm hoạt động não bộ vùng chịu trách nhiệm điều tiết đau như vùng đồi thị và vùng vỏ não.

Giả được phát huy tác dụng giảm đau như thế nào?

Kỳ vọng giảm đau làm nền tảng cho nhiều hiệu ứng giả dược. Trong suốt 30 năm, Levine và cộng sự đã chứng minh khả năng giảm đau của giả được sau phẫu thuật răng miệng có thể bị cản trở bởi thụ thể morphin đối kháng với naloxon. Kể từ đó, có rất nhiều nghiên cứu đã đồng thuận với quan điểm rằng morphin nội sinh rất quan trọng trong cơ chế giảm đau sử dụng giả dược. Morphin nội sinh là thành phần cốt yếu để kiểm soát ức chế và giảm đau. Hai vùng não đóng vai trò chính trong kiểm soát giảm đau là vùng cuống PAG và vùng sừng tuỷ, như đã đề cập ở trên, hệ thống này đóng vai trò trong việc điều chỉnh cảm giác đau. Vùng này là nơi chỉ huy của tuỷ sống và nhân dây thần kinh tam thoa và ức chế các tín hiệu cảm nhận đau. Các nghiên cứu hình ảnh đều cho thấy sự gia tăng hoạt động của các cấu trúc vùng cuống não khi sử dụng giảm đau giả được, và vùng viền não trước cũng như vỏ não vùng trước trán (cũng bị kích hoạt khi dùng giả dược) đóng vai trò quan trọng quá trình giảm đau sử dụng giả được bằng cách tác động đến hệ thống ức chế đau thông qua các tín hiệu truyền tới PAG.

2.5. Tính cách và vấn đề tâm lý xã hội

Có nhiều nghiên cứu mô tả, chứng minh quan điểm rằng đau có khuynh hướng phụ thuộc tính cách mỗi cá nhân. Những kiểu người kém dũng cảm hay yếu ớt, không chịu được gian khổ thường kém chịu đựng với các kích thích đau và cũng thường phần nên đau nhiều hơn. Thêm vào đó, có quan điểm cho rằng sự đau đớn của bệnh nhân là biểu hiện của tội lỗi hay mất mát, hoặc đau đớn là biểu hiện của việc tự gây chấn thương, một dạng rối loạn hành vi trong quá trình phát triển giới tính. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào thuyết phục cho luận điểm trên nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của các loại tính cách khác nhau ảnh hưởng đến đau.
Lynn và Eysenck (1961), sau nghiên cứu trên người sống hướng nội, hướng ngoại đã thấy rằng những người sống hướng ngoại giảm cường độ nhận thức đau trong khi những người sống hướng nội lại tăng cường độ nhận thức đau.

2.6. Giới

Người ta nhận thấy trong phần lớn các nghiên cứu nữ giới thường cảm thấy tình trạng đau nặng nề hơn, thường xuyên và kéo dài hơn so với nam giới. Nữ giới cũng dường như phải chịu đựng đầu thường xuyên hơn, với mức độ trung bình hoặc nặng như việc thấy kinh hàng tháng và sự sinh đẻ, do đó luôn có nguy cơ mệt mỏi hơn do đau. Nữ giới cũng được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bị rối loạn tâm lý và dễ bị tổn thương do đau, được giải thích là những hiện tượng tâm lý xã hội thuần tuý.

2.7. Tuổi đối với vấn đề tâm lý xã hội

Hiện nay người ta cũng mới biết rất ít về sự ảnh hưởng của tuổi tác đến cảm nhận đau cũng như các yếu tố tâm lý xã hội của đau đối với từng nhóm tuổi. Cảm xúc và sự phát triển nhận thức là hai lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng tới kinh nghiệm đau ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, tuy nhiên vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Ở người cao tuổi, người ta cũng chỉ mới biết đến ảnh hưởng của sự suy giảm nhận thức đối với kinh nghiệm đau.

2.8. Văn hoá

Yếu tố văn hoá ảnh hưởng đến kỳ vọng đau và chấp nhận đau. Một số nhóm tin rằng đau là không tránh khỏi và phải được chấp nhận. Các nhóm tôn giáo tin rằng đau sẽ gột rửa tội lỗi của họ. Như vậy, đau trở nên bổ ích trong một số nền văn hoá cổ xưa. Và việc phải trải qua nghi thức chịu đau đớn ban đầu đã được xem như là một yêu cầu để trở thành người đàn ông thực thụ.

2.9. Tiền sử cá nhân

Những trải nghiệm sớm về đau có thể ảnh hưởng đến đáp ứng tiếp theo với đau. Collin (1965) đã báo cáo rằng người lớn những người được bảo vệ bao bọc quá mức như trẻ em thường chịu đựng sự đau kém hơn so với những người mà không được quá bảo vệ.

2.10. Nhận thức

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng hầu hết mọi người có thể tạo nên sự tự kiểm soát về cường độ đau, lo âu và trầm cảm, theo Davidson (1976). Hiểu biết về nguồn gốc của đau đớn và những gì mong đợi trong khi điều trị có thể giảm trải nghiệm dau. Meichenbaum và Turk (1976) đã mô tả các chiến lược hành vi nhận thức để chuẩn bị và đối mặt với những căng thẳng khác nhau, bao gồm cả những căng thẳng đau đớn. Hướng dẫn về cách thư giãn và giảm lo âu là một phần trong chiến lược này.

Nguồn: Sách Tâm lý và Đạo đức trong Răng Hàm Mặt – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *