Hành vi sức khỏe răng miệng – Phân loại và yếu tố ảnh hưởng.

Bài viết này nói về phân loại và yếu tố ảnh hưởng của hành vi sức khỏe răng miệng tới bệnh nhân. Sự hiểu biết đúng đắn về các yếu tố ảnh hưởng, lý do dẫn đến một hành vi nào đó sẽ giúp các Nha sĩ lựa chọn những phương pháp giáo dục, những giải pháp can thiệp thích hợp cho một vấn đề sức khỏe, cũng như xây dựng được những chính sách, tạo ra được môi trường hỗ trợ hiệu quả cho sự duy trì bền vững những hành vi có lợi cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu vào bài viết

hanh-vi-suc-khoe
Hành vi sức khỏe – Phân loại và yếu tố ảnh hưởng

1. Tổng quan các yếu tố ảnh hưởng

Cũng giống như sức khỏe nói chung, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe Răng Hàm Mặt bao gồm:

– Yếu tố sinh học hay yếu tố di truyền: cấu trúc giải phẫu răng, các bệnh di truyền như tạo men, tạo ngà không hoàn thiện…

– Yếu tố hành vi hay phong cách sống: thói quen vệ sinh răng miệng, khám răng định kỳ, thói quen ăn vặt và đồ uống có đường…

– Yếu tố chất lượng của dịch vụ chăm sóc răng hàm mặt: phòng nha học đường. khoa Răng Hàm Mặt ở các bệnh viện, đội ngũ cán bộ y tế, phương tiện vật liệu và thuốc khám điều trị răng, tiếp cận điều trị, chi phí điều trị…

– Yếu tố môi trường: bao gồm cả yếu tố môi trường tự nhiên (nhiệt độ, fluor hoá nước…) và môi trường xã hội (thu nhập, nhà ở, điều kiện sống nơi làm việc, mối quan hệ xã hội, phong tục, tập quán, quy định, chính sách).

2. Phân loại hành vi sức khoẻ răng hàm mặt

Hành vi sức khoẻ răng hàm mặt cũng được chia làm ba loại:

– Những hành vi có lợi: đó là các hành vi lành mạnh được người dân thực hành để phòng chống bệnh tật, tai nạn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe hay các hành động mà một người thực hiện để làm cho họ và những người khác khỏe mạnh và phòng các bệnh tật, ví dụ như thói quen chải răng đúng cách sau khi ăn và trước khi đi ngủ, khám răng định kỳ, bôi vecni fluor và trám bít hố rãnh phòng sâu răng cho trẻ em, dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh, nuôi con bằng sữa mẹ, uống đủ nước, thực hành vệ sinh môi trường.

– Những hành vi có hại: là các hành vi có nguy cơ hoặc có tác động xấu đến sức khỏe do một cá nhân, một nhóm người hay có thể cả một cộng đồng thực hành. Một số hành vi có hại cho sức khỏe do cá nhân và cộng đồng thực hành đã lâu và có thể trở thành những thói quen, phong tục tập quán gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người. Ví dụ như không thực hành chải răng đúng, không chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, sử dụng chung bàn chải, thói quen ăn quà vặt và sử dụng đường, nước ngọt có ga thường xuyên, sử dụng vật nhọn xỉa răng, bú bình không đúng cách, các thói quen xấu như cắn móng tay, chống cằm, đẩy lưỡi, thở miệng, nghiến răng, mút ngón tay, mút môi, hút thuốc lá, lạm dụng và nghiện rượu, sử dụng ma tuý, quan hệ tình dục bừa bãi thiếu bảo vệ (đường miệng)….

– Hành vi trung gian: là các hành vi không có lợi và cũng không có hại cho sức khỏe. Ví dụ một số người thích gắn đá răng hàm mặt lên răng. Với các loại hành vi trung gian này thì không cần phải tác động để loại bỏ, đôi khi cần chú ý khai thác những khía cạnh có lợi của các hành vi này đối với sức khỏe.

Việc xác định được hành vi nào gây ra bệnh tật và hành vi nào phòng tránh được bệnh tật rất quan trọng trong nghiên cứu sức khỏe răng hàm mặt. Ví dụ: với bệnh sâu răng thì:

– Một số hành vi có thể là yếu tố thuận lợi gây ra bệnh sâu răng như: ăn đường ăn kẹo bánh nhiều, ngậm cơm, bú bình kéo dài, thói quen ăn uống trước khi đi ngủ, thói quen ăn vặt nhiều và thường xuyên sử dụng nước ngọt có ga, không chải răng đúng cách…

– Một số việc làm có thể tránh được sâu răng: bôi fluor dự phòng, trám bít hố rãnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý cân bằng, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, uống đủ nước giúp làm sạch khoang miệng, chải răng đúng cách…

Thành công trong việc điều chỉnh các hành vi sức khỏe răng miệng sẽ mang lại một số tác động có lợi như góp phần làm giảm tỷ lệ sâu răng, viêm lợi, mất răng, lệch lạc răng hàm… do đó duy trì được sức khỏe răng miệng, có thể tiết kiệm được khoản chi phí lớn cho điều trị.

3. Những yếu tố ảnh hưởng

Nếu chúng ta muốn giáo dục sức khỏe để tạo ra và thúc đẩy những hành vi lành mạnh thì phải hiểu rõ những yếu tố ảnh hưởng, những nguyên nhân dẫn đến hành vi sức khỏe. Green và Kreuter (1980, 1991, 1999) đã phân ra ba nhóm yếu tố chính góp phần hình thành và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cách ứng xử, hành vi của con người. Đó là những yếu tố tiền đề, những yếu tố củng cố và yếu tố tạo điều kiện thuận lợi.

– Những yếu tố tiền đề: là những yếu tố bên trong được hình thành trên cơ sở kiến thức, thái độ, niềm tin, giá trị, chuẩn mực xã hội của mỗi cá nhân.

+ Kiến thức: bắt nguồn từ sự học tập, trải nghiệm. Kiến thức là sự hiểu biết, kinh nghiệm được tổng hợp, khái quát hoá. Con người tiếp thu kiến thức từ cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, sách vở, phim ảnh. Người ta thường có thể kiểm tra kiến thức của mình đúng hay không đúng, ví dụ uống nước nóng sẽ có cảm giác bỏng rát. Sự trải nghiệm này sẽ giúp ngăn ngừa không lặp lại hành động tương tự. Người ta có thể chứng kiến một người bị đau răng dữ dội do không đi trám răng sâu kịp thời, tử kinh nghiệm này họ sẽ học được rằng phải giữ vệ sinh răng miệng cẩn thận và nếu răng bị sâu mà không trám ngay sẽ bị biến chứng rất đau. Hoặc chứng kiến trường hợp người đi xe máy bị tai nạn giao thông, do không đội mũ bảo hiểm nên các chấn thương vùng đầu và răng hàm mặt sẽ nặng hơn nhiều.

+ Thái độ: thể hiện một phản ứng, quan điểm của cá nhân đối với một người, sự kiện, quan điểm nào đó. Nó phản ánh những gì người ta thích hoặc không thích, ủng hộ hoặc không ủng hộ. Thái độ bắt nguồn từ trải nghiệm của bản thân hoặc từ những người thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người ta không phải luôn ứng xử theo thái độ của mình. Ví dụ: nhiều người tỏ ra sợ hãi khi phải nhổ răng khôn nếu trước đó đã nhỏ một răng khôn bị sưng đau nhiều.

+ Niềm tin: là sự tin tưởng chắc chắn rằng một sự kiện, quan điểm là đúng, là có thật mặc dù có thể không đúng, không có thật. Niềm tin thường do những người thân được kính trọng, thương yếu truyền đạt, khuyên bảo hoặc có được từ kinh nghiệm bản thân. Người ta thường có xu hướng tiếp nhận niềm tin mà không kiểm chứng lại xem niềm tin đó có đúng không. Ví dụ có những nhóm người cho rằng phụ nữ có thai không nên ăn thịt một số loại thực phẩm vì nếu ăn thì đứa trẻ sau này sinh ra có thể có một số đặc điểm hoặc hành vi giống như con vật mà người mẹ đã từng ăn (ăn ốc thì con sau này có nhiều rớt rãi…). Niềm tin là một phần của cuộc sống con người, tuy nhiên những niềm tin thiếu cơ sở khoa học có thể làm cho bà mẹ có những hành vi có hại cho sức khoẻ của chính họ và con cái. Mỗi cộng đồng, mỗi nhóm người có thể có những niềm tin khác nhau, trái ngược nhau. Nếu niềm tin không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thì không nhất thiết phải thay đổi. Nếu can thiệp quá nhiều đến niềm tin của người dân có thể làm giảm mức độ cộng tác của họ với cán bộ y tế.

+ Giá trị xã hội: trong khoa học xã hội, giá trị được coi là những mối quan tâm, sở thích, bổn phận, trách nhiệm, ước muốn, nhu cầu và nhiều hình thái khác của định hướng lựa chọn. Giá trị dường như chứa đựng yếu tố nhận thức, có tính chất hướng dẫn và định hướng. Vì vậy, giá trị xã hội là điều được cộng đồng, xã hội cho là đúng đắn, tốt đẹp, là đáng có, là quan trọng để định hướng cho các hành động của con người. Phần lớn các giá trị cơ bản của xã hội được con người tiếp nhận ngay khi còn nhỏ thông qua gia đình, nhà trường, bạn bè, thông tin đại chúng và các nguồn khác. Những giá trị này trở thành một phần của nhân cách con người. Vì giá trị chỉ ra cái gì là phù hợp, cái gì không phù hợp với cá nhân, với cộng đồng, với xã hội, nên chúng đồng thời chấp nhận những kiểu hành vi phù hợp và phủ nhận những hành vi khác không phù hợp với giá trị xã hội.

+ Chuẩn mực: là những mong đợi, những yêu cầu, những quy tắc xã hội được ghi nhận bằng lời, bằng chữ viết, bằng kí hiệu để định hướng hành vi các thành viên trong xã hội. Nếu giá trị là những quan niệm khá trừu tượng về điều quan trọng, cái đáng giá, thì chuẩn mực là các tiêu chuẩn, quy ước, hướng dẫn đối với hành vi cụ thể, thực tế của con người. Chuẩn mực quan trọng nhất đối với mọi xã hội là pháp luật. Đây là những chuẩn mực có tính pháp chế. Nó quy định những hành vi được phép và không được phép thực hiện, trong đó có các hành vi sức khỏe. Ví dụ: khi “cộng đồng khỏe mạnh” là giá trị xã hội, thì không hút thuốc lá ở nơi công cộng, vệ sinh môi trường quanh hộ gia đình là các chuẩn mực.

+ Yếu tố văn hóa: được hình thành và phát triển trong mối quan hệ giữa con người với xã hội, nó cũng chính là tổng hòa của các yếu tố vừa nêu trên có ảnh hưởng nhiều đến hành vi của người dân. Mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng của mình. Nó được biểu hiện qua cách sống của họ. Hành vi là một trong những khía cạnh của văn hóa và ngược lại, văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin, thái độ, chuẩn mực. Việc hiểu biết toàn diện về văn hóa của một cộng đồng có thể giúp cho người cán bộ y tế xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi sức khỏe, tử đó làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe của mình.

– Yếu tố củng cố, tăng cường:

Đó là những yếu tố ảnh hưởng từ phía người thân trong gia đình (cha mẹ, ông bà), thầy, cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp, những người đứng đầu ở địa phương, những vị lãnh đạo, những người có chức sắc trong các tôn giáo… Họ chính là những người có uy tín, quan trọng đối với cộng đồng, góp phần tạo nên niềm tin, thái độ, chuẩn mực của cộng đồng đó. Con người thường có xu hướng nghe và làm theo những gì mà những người có uy tín, quan trọng đối với họ đã làm. Ví dụ: một người có thể dễ dàng dùng chỉ răng hàm mặt nếu trong số bạn thân cùng phòng làm việc cũng sử dụng chỉ.

– Những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi/hạn chế:

Đó là các yếu tố như: nơi sinh sống, điều kiện về nhà ở, hàng xóm láng giềng xung quanh, việc làm, thu nhập của họ, cũng
như các chính sách chung và môi trường luật pháp. Đây là nhóm các yếu tố liên quan đến nguồn lực nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi con người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và duy trì hành vi của cá nhân. Ví dụ minh họa: một bà mẹ muốn đi trám răng cho con nhưng vì quá bận với kế mưu sinh hằng ngày nên đã không đi trám kịp thời, để đến khi đau mới đi khám. Yếu tố về môi trường pháp luật như các quy định, luật pháp có tác động rất mạnh đến hành vi cá nhân. Ví dụ hiện tượng hút thuốc trong bệnh viện, trường học sẽ không xảy ra nếu có quy định cấm hút thuốc và việc xử phạt những người hút thuốc trong các khu vực này được áp dụng nghiêm ngặt.

Sự hiểu biết đúng đắn về các yếu tố ảnh hưởng, lý do dẫn đến một hành vi nào đó sẽ giúp chúng ta lựa chọn những phương pháp giáo dục, những giải pháp can thiệp thích hợp cho một vấn đề sức khỏe, cũng như xây dựng được những chính sách, tạo ra được môi trường hỗ trợ hiệu quả cho sự duy trì bền vững những hành vi có lợi cho sức khỏe.

Nguồn: Sách Tâm lý và Đạo đức trong Răng Hàm Mặt – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *