Tiêu chân răng – Phương pháp điều trị.

Bài viết sau nội dung nói về sơ lược phương pháp điều trị các trường hợp tiêu chân răng trên lâm sàng. Bài viết cung cấp các phân loại tiêu cổ răng, tiêu chân răng do kích thích hay do nhiễm trùng, đồng thời kết hợp sử dụng các vật liệu phục hồi trong điều trị. Cùng tìm hiểu thêm.

tieu-chan-rang
Tiêu chân răng – Vấn đề ảnh hưởng đến sự sống của răng trên cung hàm

1. Ngoại tiêu

1.1. Điều trị tiêu cổ răng thâm nhập

Mục tiêu là đừng quá trình tiêu cổ răng thâm nhập bằng cách loại trừ u hạt quanh chân răng. Hồi phục bề mặt chân răng mà các tế bào còn sót lại không thể xâm nhập vào được.

– Heithersay 1 và 2:

+ Bên ngoài: Loại trừ u hạt và trám. Để loại trừ u hạt cần gây tê bề mặt và dùng cây nạo lấy sạch tổn thương. Cầm máu bằng các loại gel hay dung dịch cầm máu: bội gel (hay dung dịch cầm máu vào tổn thương và cho bệnh nhân cắn chặt gạc 3 – 5 phút. Có thể sử dụng laser để cầm máu. Sau đó đặt chỉ co nước vào và trám kín tổn thương để tạo điều kiện lành thương tốt.

+ Bên trong: điều trị tuỷ.

– Heithersay 3:

+ Bên ngoài: loại trừ u hạt và trám có sử dụng các màng sinh học.

+ Bên trong: điều trị tuỷ.

Vật liệu để trám tốt nhất là Biodentine.

– Heithersay 4: rất khó điều trị, cần cân nhắc nhổ răng.

1.2. Điều trị tiêu chân răng do các kích thích trong thời gian ngắn (thường do chấn thương)

– Nguyên tắc điều trị:

+ Giảm thiểu nguy cơ cho rằng bị chấn thương.

+ Dùng thuốc giảm các phản ứng viêm.

+ Điều trị tủy theo từng trường hợp.

– Tiêu viêm: Tuỷ của răng được cắm lại thường bị hoại tử và sẽ gây viêm, do đó góp thêm khả năng tiêu chân răng do cơ học sẵn có của răng được cắm lại. Chỉ có lấy tủy hoại tử không thôi thì không đủ để loại trừ những dây Tome hoại tử trong ống ngà, mà nó sẽ làm tăng phản ứng viêm sẵn có của mô quanh chân răng. Quá trình tiêu chân răng được cắm lại có thể xuất hiện ít nhất sau 1 tuần. Vì vậy, phải thực hiện việc làm sạch tủy và trám paste calcium hydroxide ống tuỷ vào ngày thứ 6 sau khi cắm lại răng và cố định. Paste calcium hydroxide trám ống tủy sẽ được thay lại sau 6 tuần và sau đó tùy theo sự theo dõi tình hình tiêu chân răng và tình hình paste trong ống tuỷ, mà thời gian thay paste sẽ thay đổi khác nhau, nhưng không được để paste calcium hydroxide trong ống tuỷ quá 6 tháng. Thời gian theo dõi và điều trị thường kéo dài ít nhất một năm. Trong trường hợp có tiêu chân răng quan trọng phải thay paste calcium hydroxide hàng tháng. Cần tránh có sự thông giữa túi lợi và mô dây chằng xung quanh răng và vẫn còn cần phải theo dõi chừng nào chưa thấy có một hàng rào ngăn của mô quanh răng ổn định.

– Tiêu thay thế: Khi tế bào dây chằng hoại tử, tế bào huỷ xương không nhận ra, cấu trúc răng gây tiêu chân răng và tế bào tạo xương tạo ra xương dần dần thay thế vào. Điều trị bằng calcium hydroxide không làm ngừng tiêu, nhưng vẫn phải sử dụng để tránh bội nhiễm.

1.3. Điều trị tiêu chân răng do nhiễm trùng tủy răng

– Các trường hợp tiêu chân răng và thủng ống tủy đều gây ra sự thông giữa tủy và mô dây chằng quanh răng làm trở ngại cho việc trám kín ống tủy.

– Đối với trường hợp tiêu chân răng, trước hết phải loại bỏ nguyên nhân gây tiêu chân răng và tạo điều kiện cho sự hình thành mô calci hoá bịt kín chỗ chân răng bị tiêu thông với tuỷ để cho phép chúng ta có thể trám kín được ống tuỷ. Trong trường hợp tiêu chân răng do viêm, chân răng cũng thường có hình ảnh của chân răng chưa khép cuống. Vì vậy, cần tạo nên một môi trường mà trong đó các mô của ống tủy và vùng quanh chóp sau khi tủy chết có thể tạo được một hàng rào với hoa ở đỉnh chóp. Hàng rào calci hoá này cấu tạo bởi cement, xương, mô tương tự xương. Việc tạo ra mỗi trường này bao gồm việc làm sạch và tạo thành hình ống tủy để loại bỏ mảnh vụn và vi khuẩn, sau đó đặt vật liệu kích thích đóng chóp vào ống tuỷ đến tận chóp răng. Vật liệu thường được sử dụng là calcium hydroxide, hay vật liệu sinh học (MTA, Biodentine…)

a) Điều trị ngoại tiêu chóp răng với calci hydroxyd (đóng chóp)

Phương pháp:

– Chuẩn bị ống tủy: Cần lưu ý đường vào ống tuỷ cần chuẩn bị tương ứng với chiều rộng của ống tuỷ đầu cuống răng.

– Xác định chiều dài ống tủy cần chuẩn bị theo phương pháp cổ điển.

– Nong ống tủy và làm sạch ống tủy là một yếu tố quan trọng. Khi nong ống tủy cần chú ý: Thành ống tủy gần cuống rất mỏng mảnh khi nóng dễ bị tổn thương.

– Việc bơm rửa khi nong ống tủy thường thực hiện bằng natri hypoclorit, sau đó dùng nước cất hay nước muối sinh lý để tránh gây bỏng hoá học ở mô quanh cuống.

– Làm khô ống tủy cẩn thận và tránh sự xuất tiết mới. Nên dùng côn giấy lớn quay ngược đầu dùng để đo lại chiều dài ống tủy trước khi trám và để kiểm tra xem có hiện tượng xuất tiết không. Ống tuỷ được trám sẽ phải hoàn toàn khô.

– Trám ống tủy bằng calci hydroxyd: Một số tác giả chủ trương đặt bấc MCPC trong ống tuỷ để sát trùng ống tủy, sau một đến hai tuần nếu răng không có triệu chứng gì thì trám ống tủy với calci hydroxyd. Tuy nhiên, một số tác giả khác thì khuyên không nên dùng MCPC vì MCPC độc cho mô quanh cuống răng.

– Kỹ thuật trám ống tủy bằng calci hydroxyd: + Paste trám ống tủy phải khô dẻo.

+ Có thể trám bằng lentulo, bằng ống bơm hay cây mang amalgam nhỏ đầu bằng nhựa vô trùng và cây lên dọc cỡ số thích hợp.

+ Đưa vào ống tủy từng lượng nhỏ và đẩy paste calcium hydroxide sát vào mô quanh cuống răng rồi dần dần nhồi đặt toàn bộ ống tủy. Có tác giả chủ trương cố ý nhồi hơi quá cuống trong lần đầu để có thể thu được sự liền xương tốt hơn.

+ Khi trám không được để nhiễm nước bọt, vì vậy nên dùng Rubber dam. Nếu thân răng vỡ lớn, cần tái tạo lại thân răng trước khi trám ống tủy. Sau khi trám ống tủy nên trám tạm bằng IRM.

– Theo dõi và thay chất trám calcium hydroxide: Thông thường sau khi trám lần đầu 6 tuần thì thay chất trám calcium hydroxide trong ống tủy. Trong trường hợp có chảy máu hay có xuất tiết thì sau khi trám lần đầu 3 tuần đã nên thay chất hàn. Lần thứ hai thì tuỳ thuộc tình trạng paste calcium hydroxide ở lần thay trước. Nếu paste khô thay lại sau 3 tháng. Trường hợp paste còn ướt thì phải thay hàng tháng. Chú ý không được để paste trong ống tuỷ quá 6 tháng.

+ Trong trường hợp có biểu hiện triệu chứng nào đó hay có rò thì cần phải thay lại hoàn toàn chất trám cũ.

+ Lưu ý khi trám ống tủy bằng calci hydroxide từ lần thứ 2 trở đi nên trám ngắn hơn chiều dài làm việc 1 – 2mm để không làm tổn thương mô đang liền sẹo.

– Thời gian liền thương: Thời gian hình thành mô calci hoá vùng cuống răng phụ thuộc vào độ lớn của tổn thương, thường từ 6 – 24 tháng (trung bình là 1 năm 17 tháng). Tuy nhiên có trường hợp cần đến 4 năm để lành thương hoàn toàn.

– Trám vĩnh viễn ống tủy: Ống tủy được trám vĩnh viễn bằng gutta percha hay bằng phương pháp trám khác khi:

+ Răng không có biểu hiện triệu chứng gì.

+ Trên X Quang thấy cuống răng đã khép với mô calci hoá.

+ Paste lấy ra trong ống tủy phải khô.

+ Thăm dò bằng kim hoặc côn giấy thấy cuống răng được bịt kín. Chú ý khi thăm dò phải rất nhẹ nhàng và không được ấn mạnh.

– Theo dõi điều trị: Răng cần theo dõi định kỳ 6 tháng/ 1 lần trong 1 – 2 năm.
*) Cơ chế hình thành mô calci hoá vùng cuống của calcium hydroxide:

Tác động chủ yếu của calcium hydroxide là gây ra sự hình thành mô calci hoá, thêm vào đó nó có tính chất sát trùng và cầm máu. Do độ pH cao, khi calcium hydroxide tiếp xúc với mô liên kết sẽ gây ra sự thoái hoá của mô và do tính chất hoà tan trong nước kém nên tổn thương chỉ giới hạn ở bề mặt tiếp xúc. Điều đó tạo nên một vùng hoại tử bề mặt 1 – 1,5mm, kích thích hình thành tế bào tạo xương răng và tế bào tạo xương biệt hóa từ những tế bào liên kết trong mô dây chằng quanh chân răng. Chính những tế bào này sẽ hình thành mô vôi hoá dạng xương răng hay dạng xương ở vùng chóp răng. Tuy nhiên, người ta thấy trong phần lớn các trường hợp mô vôi hoá không đồng đều và có thể có những ổ mô liên kết. Điều này thường bị gây ra bởi calcium hydroxide áp vào một mô bị phá rách.

Vị trí hình thành mô vôi hoá ở cuống răng có thể thay đổi không đoán trước được. Nó có thể ở xung quanh cuống răng hoặc ở lỗ cuống răng hay ở trong ống tuỷ ngay trên lỗ cuống răng nếu đoạn tuỷ ấy còn tồn tại mô tuỷ sống. Nói chung vị trí hình thành mô calci hoá phụ thuộc vào vị trí mà calcium hydroxide tiếp xúc với mô sống.

Ngoài ra, calcium hydroxide còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự khoáng hóa: trong quá trình tiêu ngót chân răng, hoạt động của tế bào huỷ xương diễn ra trong môi trường acid. Calcium hydroxide với tính kiềm và khả năng thẩm thấu đã làm giảm hoạt động của tế bào huỷ xương, kích thích sự sửa chữa và gây ra sự lắng đọng của mô cứng.

b) Điều trị ngoại tiêu chóp răng với vật liệu sinh học: MTA, Biodentine… (tạo nút chặn chóp).

MTA:

– Thành phần:

+ Tricalcium silicate

+ Dicalcium silicate

+ Tricalcium aluminate

+ Tetracalcium aluminoferrite.

+ Calcium sulfate

+ Bismuth oxide

– Đặc tính sinh học:

+ Tương hợp sinh học với mô chóp hiếm khi gây phản ứng viêm khi điều trị.

+ Không độc.

+ Tiêu chậm, ít tan trong nước.

+ Sát khít, ngăn chặn sự thấm dịch, pH =12,5, đây là pH kiềm giúp trung hòa acid của mô mềm, giảm viêm và sát khuẩn.

+ Đông cứng nhanh sau 4 giờ.

+ Kích thích quá trình tái sửa chữa mô (cả mô mềm và cứng). Có thể tạo lớp cement hoàn chỉnh tạo điều kiện cho việc tải bám dính dây chằng (liền thương hoàn toàn).

– Phương pháp thực hiện:

+ Tạo hình, bơm rửa ống tủy giống như trám với calci hydroxyd.

+ Tạo nút chặn chóp với MTA: Ông tủy không cần phải thấm khô hoàn toàn vì độ ẩm sẽ thúc đẩy phản ứng thiết lập.

• Trộn MTA với nước cất để được dạng giống như cát ẩm.

• Dùng dụng cụ chuyên dụng đưa MTA vào ống tuỷ đến gần chóp răng khỏi MTA dài 1 – 2mm.

• Dùng cây lèn dọc hay đầu cứng của cây cone giấy cỡ lớn đầm nhẹ nhàng MTA đến chóp răng.

• Chụp phim kiểm tra.

+ Trám ống tủy với Gutta Percha: Vì MTA cần thời gian để đông cứng nên việc trám ống tủy cần thực hiện vào buổi hẹn sau. Có thể trám ống tủy bằng phương pháp lên ngang nguội hoặc lên dọc nóng.
Biodentine:

– Thành phần:

+ Quặng:

• Tricalcium silicat

• Calcium carbonate

• Zirconium dioxide

+ Chất lỏng:

• Calci clorua

• Super plasticizers.

• Nước.

– Đặc tính sinh học:

+ Tương hợp sinh học, kích thích quá trình tái khoáng hóa, kích thích tạo xương.

+ Có thể tự thiết lập và phát triển lực nén. Thời gian thiết lập khoảng 180 phút và cường độ nén có thể đạt 20,2mpa sau 28 ngày.

– Phương pháp thực hiện: Giống như với MTA. Biodentine là một vật liệu có thể thay thế nhiều chỉ định của MTA và chi phí không quá cao.

2. Điều trị nội tiêu

Sử dụng calcium hydroxide có thể làm giảm quá trình nội tiêu. Sau khi đặt paste calcium hydroxide vào những vùng bị tiêu ngót thì ở lần hẹn tiếp theo calcium hydroxide làm hoại tử tất cả những mô tủy còn sót lại trong các khe rãnh của phần nội tiêu. Phần hoại tử sẽ được lấy đi bằng cách bơm rửa với natri hypoclorit,

Calcium hydroxide nên đặt vào vùng nội tiêu 3 tháng/1 lần cho đến khi sự tiêu ngót chấm dứt. Trám ống tuỷ: Cần tạo nút chặn chóp và bơm guttapercha lỏng vào ống tuỷ.

Nguồn: Chữa răng và nội nha tập 1 – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *