Thai trứng là 1 trong những bệnh lý gây chảy máu trong 3 tháng đầu do sự phát triển bất thường của các nguyên bào nuôi. Việc chuẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết để tránh sảy ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của người mẹ. Hút thai trứng là 1 trong những phương pháp điều trị phổ biến ngày nay nhưng cũng có thể gây nên một số biến chứng.
1. Thai trứng là gì?
Thai trứng là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp của thai nghén, do sự phát triển bất thường của các nguyên bào nuôi (là các tế bào tạo nên rau thai). Ở thai trứng, các nguyên bào nuôi phát triển quá nhanh nên tổ chức liên kết bên trong gai rau cùng với các mạch máu không phát triển theo kịp, các gai rau không còn tổ chức liên kết và không còn các mạch máu, trở thành các bọc nước.
Thai trứng có thể có các triệu chứng:
- Chậm kinh
- Dấu hiệu có thai: nghén, vú căng, lợm giọng
- Ra máu: máu ra tự nhiên, màu đen hoặc đỏ, ra ít một và kéo dài dai dẳng
- Nghén bất thường: nôn nhiều, mệt nhiều,…
- Khó thở, đau ngực
- Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén: Phù, huyết áp cao, có protein niệu
- Cường giáp: tuyến giáp to, nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực, mắt lồi, run tay,…
Điều trị thai trứng:
- Hút thai trứng: Dùng bơm Karman để hút trứng ra cho tới khi tử cung co nhỏ lại. Sau đó dùng thìa to và cùn nạo lại buồng tử cung. Nên làm thủ thuật hút thai trứng dưới siêu âm để có thể quan sát được buồng tử cung và dụng cụ trong lúc làm thủ thuật.
- Cắt tử cung toàn phần hoặc bán phần: Những phụ nữ trên 40 tuổi và đủ con có thể nạo hút thai trứng rồi cắt tử cung dự phòng hoặc cắt tử cung cả khối mà không nạo hút, và tuỳ trường hợp cụ thể có thể cắt thêm cả cổ tử cung.
2. Các biến chứng có thể gặp sau hút thai trứng?
2.1 Chảy máu, băng huyết
Trong khi hút thai trứng đặc biệt là thai trứng càng to hay là ăn sâu vào lớp cơ tử cung thì nguy cơ cao sẽ làm tổn thương nhiều đến các mạch máu tử cung gây chảy máu băng huyết.
Nguy cơ chảy máu nhiều thì nên đặt sẵn đường truyền tĩnh mạch, làm thủ thuật tại phòng mổ để dễ hồi sức và trong khi nạo có thể truyền oxytocin.
2.2 Thủng tử cung
Khi mắc thai trứng tử cung của bệnh nhân sẽ mềm hơn so với bình thường và trong trường hợp thai trứng xâm lấn vào lớp cơ tử cung, việc hút thai trứng có thể làm tổn thương nhiều đến cơ tử cung và gây thủng tử cung.
2.3 Nhiễm khuẩn
Việc hút thai trứng cũng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn hình thành, tồn tại ở các tổn thương sau khi hút và gây viêm niêm mạc tử cung cũng như các nhiễm khuẩn phụ khoa khác.
Sau hút thai trứng nên cho bệnh nhân dùng kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn.
2.4 Xót rau
Nếu hút thai trứng không kỹ hoặc thai trứng quá to ăn sâu vào cơ tử cung việc xót rau có thể sảy ra gây băng huyết, nhiễm khuẩn,…
Chúng ta sẽ tiến hành hút thai trứng lần 2 và không hút lần thứ 3 vì nguy cơ dính buồng tử cung.
2.5 U nguyên bào nuôi
Thai trứng rất dễ biến chứng thành u nguyên bào nuôi, tỷ lệ biến chứng 15 -17%. Vì vậy thai trứng phải được chuẩn đoán sớm, theo dõi sát để phát hiện và xử trí kịp thời biến chứng.
Sau khi hút thai trứng cần theo dõi nồng độ BhCG thường xuyên.
Tiêu chuẩn chuẩn đoán UNBN sau thai trứng của FIGO 2002:
- UNBN được chNn đoán khi hCG bình nguyên (± 10%) sau 4 lần đo trong ≥ 3 tuần (ngày 1, 7, 14, 21).
- UNBN được chuẩn đoán khi hCG tăng (> 10%) khi đo 3 lần liên tiếp sau ≥ 2 tuần (ngày 1, 7, 14).
- UNBN được chuẩn đoán khi có GPB là ung thư nguyên bào nuôi
- UNBN được chuẩn đoán khi hCG còn tồn tại sau 6 tháng theo dõi.
Vì nguyên nhân của thai trứng còn chưa được biết rõ nên phòng bệnh tốt nhất là nâng cao mức sống, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chuẩn đoán bệnh sớm để xử trí kịp thời, theo dõi sót rau, sót trứng. Sau nạo thai trứng phải theo dõi chặt để phát hiện sớm biến chứng nguy hiểm đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng của người bệnh.
Leave a Reply