Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm phân loại và giai đoạn ung thư, tính chất khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Việc hiểu rõ về phương pháp điều trị cũng giúp bệnh nhân và gia đình có thể tham gia tích cực vào quá trình điều trị, tăng cường sự hợp tác với đội ngũ y tế và cải thiện kết quả điều trị. Vậy ung thư phổi có những phương pháp điều trị nào, hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Nhắc lại về phân loại ung thư
Ung thư phổi được phân loại dựa vào mô bệnh học. Theo đó ung thư phổi đươc phân thành 2 loại chính:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer – NSCLC)
Đây là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% trường hợp. Trong đó, NSCLC được chia thành ba loại chính:
-
- Ung thư phổi tế bào tuyến (adenocarcinoma): chiếm 40% trường hợp NSCLC. Khối u xuất phát từ tế bào tuyến tiết nhầy lót mặt trong các ống dẫn khí. Đây cũng là loại ung thư phổi phổ biến nhất ở những người không hút thuốc.
- Ung thư phổi tế bào vảy (squamous cell carcinoma) thường xuất phát từ các đường thở lớn hơn, chiếm khoảng 25-30% tất cả các trường hợp NSCLC. Loại ung thư này thường gặp ở những người hút thuốc nặng hoặc có tiền sử hút thuốc.
- Ung thư phổi tế bào lớn (carcinoma): chiếm khoảng 10-15%, khối u có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trong phổi và có xu hướng phát triển nhanh chóng.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer – SCLC):
Đây là loại ung thư nghiêm trọng và phát triển rất nhanh, chiếm khoảng 10-15% trường hợp ung thư phổi. Nó thường chủ yếu gặp ở những người hút thuốc. Loại này có khả năng di căn nhanh chóng từ phổi sang các bộ phận khác trong cơ thể, như não, gan và xương.
2. Các phương pháp điều trị ung thư phổi
2.1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, việc lựa chọn phương pháp điều trị được dựa trên giai đoạn của bệnh.
2.1.1. Phẫu thuật
Phương pháp này được lựa chọn khi khối u ở giai đoạn I đến IIIA. Tùy thuộc vào kích thước và mức độ lan tràn của khối u, người ta có thể lựa chọn các phương pháp phẫu thuật thích hợp có kèm theo nạo vét hạch vùng.
Có 4 phương pháp cắt phổi chủ yếu:
- Cắt thùy phổi (Lobectomy)
- Cắt phổi (Pneumonectomy)
- Cắt phân thùy phổi (Segmentectomy)
- Cắt hình chêm (Wedge Resection)
2.1.2. Xạ trị
Xạ trị được lựa chọn cho giai đoạn từ I đến IIIA trong trường hợp bệnh nhân không phẫu thuật được do có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật.
Khi khối u ở giai đoạn IIIB, người ta sử dụng đồng thời hóa trị và xạ trị.
Xạ trị còn được dùng để điều trị bổ trợ sau mổ trong trường hợp diện cắt dương tính, hoặc bổ trợ sau hóa trị cho các khối u ở giai đoạn N2
Ngoài ra, xạ trị được dùng trong điều trị các triệu chứng do khối u gây ra như giảm đau, cầm máu, chống chèn ép trung thất, hoặc xạ trị não khi ung thư đã di căn não.
2.1.3. Các phương pháp điều trị toàn thân
Các phương pháp điều trị toàn thân được lựa chọn khi khối u đã di căn, hoặc dùng phối hợp với những phương án khác ở giai đoạn sớm để dự phòng tái phát và di căn. Các phương pháp điều trị toàn thân có thể kể đến như Hóa trị, Điều trị đích và Điều trị miễn dịch.
Hóa trị được chỉ định trong các trường hợp:
- Hóa chất bổ trợ:
- Giai đoạn II trở lên (N(+), T2b trở lên)
- Giai đoạn IB (T2aN0) nguy cơ cao
- U biệt hóa thấp, xâm lấn hạch
- Phẫu thuật không đảm bảo sạch hết các tế bào ung thư trong các phương án bóc tách u, phẫu thuật hình chêm hoặc vét hạch không đảm bảo.
- Kích thước khối u > 4cm, xâm lấn lá tạng màng phổi.
- Hóa xạ đồng thời bổ trợ nếu diện cắt dương tính
- Hóa chất tân bổ trợ được dùng để làm giảm kích thước khối u trước, sau đó tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u.
- Hóa xạ đồng thời triệt căn
- Giai đoạn IIIB hoặc giai đoạn IIIA mà bệnh nhân không phẫu thuật được
- Tác dụng trợ cho tia xạ
- Hóa chất giai đoạn IV
2.2. Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)
Ung thư phổi tế bào nhỏ có tiên lượng xấu hơn do bệnh tiến triển nhanh và tỷ lệ tái phát cao. Tuy nhiên chúng thường nhạy cảm hơn với hóa chất và tia xạ.
Điều trị SCLC dựa vào mức độ khu trú của khối u. Theo đó, trên lâm sàng người ta chia SCLC thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn khu trú:
Lúc này, tổn thương còn ở 1 bên lồng ngực, u và hạch xâm lấn tại vùng vẫn nằm trong 1 trường xạ trị được. Phương pháp điều trị căn bản được dùng ở giai đoạn này là hóa xạ trị đồng thời. Người ta chiếu tia xạ vào vùng u, hạch trung thất và hạch thường đòn cùng bên với liều xạ 65Gy. Hóa chất được phối hợp tuần tự hoặc đồng thời với xạ trị.
Đối với khối u ở giai đoạn T1-2 N0 M0, phẫu thuật được ưu tiên lựa chọn.
Sau khi đáp ứng với điều trị, xạ trị được sử dụng để dự phòng di căn não.
- Giai đoạn lan tràn:
Khi tổn thương vượt quá 1 bên lồng ngực, không cùng nằm trong 1 trường xạ trị được. Ở giai đoạn này, hóa trị được ưu tiên sử dụng, kèm với xạ trị dự phòng di căn não.
Tóm lại, việc lựa chọn đúng phương pháp điều trị ung thư phổi có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị, tăng khả năng sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Leave a Reply