Việc hiểu rõ cơ chế về sự đổi màu răng góp phần sử dụng các phương pháp tẩy trắng có hiệu quả trên lâm sàng. Bài viết này sẽ đề cập đến các cơ chế liên quan đến sự đổi màu sắc ở răng, cũng như phân loại các cơ chế trên lâm sàng. Người ta chia đổi màu (nhiễm sắc) răng thành 2 nhóm chính: Đổi màu răng do nguyên nhân ngoại sinh và đổi màu răng do nguyên nhân nội sinh.
1. Cơ chế hoá học của đổi màu răng do nhiễm sắc ngoại sinh
Sức hút của vật liệu đóng một vai trò quan trọng trong sự lắng đọng chất màu ngoại lai. Các loại lực hút gồm những lực tương tác yếu như lực Van der Waals và lực tĩnh điện. Những lực tương tác mạnh như lực hydrat hoá, lực tương tác kỵ nước, lực lưỡng cực và các mối nối hydrogen. Những lực này giúp tạo màu hoặc chất tiền tạo màu áp trên bề mặt men. Sự bám dính chất tạo màu tuỳ thuộc vào vật liệu và cơ chế xác định lực gắn dính.
1.1. Nhiễm sắc loại N1
Sự nhiễm sắc có màu đồng đều và một số chất gây ra sự nhiễm sắc thuộc cơ chế nhiễm sắc loại N1. Khả năng tạo màu này tùy thuộc vào sự hấp thu những thành phần nước bọt vào men răng và sự kết hợp những lực hút mạnh hoặc yếu. Lực tĩnh điện chiếm ưu thế vì men răng có điện tích âm, nên có thể gây ra một sự kết dính protein có chọn lọc. Lực kết dính này xảy ra qua cầu calcium. Thức ăn và nước uống như chè, cà phê, rượu vang cũng có thể tạo ra nhiễm sắc trên răng bởi sự lắng đọng chất tạo màu trực tiếp trên răng.
1.2. Nhiễm sắc loại N2
Những chất màu đầu tiên gắn vào màng nước bọt hoặc trên bề mặt răng, sau đó đổi màu hơi vàng ở đường viền lợi, nhú lợi, vùng mặt bên của răng và chuyển thành màu nâu theo tuổi. Sự thay đổi màu sắc này xảy ra là do sự tích tụ ngày một nhiều hơn hoặc do sự thay đổi hoá học của các protein trên lớp màng nước bọt. Những vết màu thức ăn cũng gây ra nhiễm sắc loại N2, và màu đậm dần theo thời gian. Nhiễm sắc loại N2 cũng rất khó loại bỏ bằng phương pháp thông thường. Tuy nhiên, sự thay đổi màu loại này cũng có thể xảy ra theo cơ chế cầu kim loại bao gồm những nhóm hydroxyl tự do của polyphenol và cation kim loại.
1.3. Nhiễm sắc răng loại N3
Những chất không màu gắn vào răng chịu những phản ứng hoá học và biến đổi để tạo thành những chất có màu gây ra nhiễm sắc loại N3. Những chất tiền tạo màu hoặc những chất không màu có thể tạo ra nhiễm sắc răng bởi một số tương tác vật lý kết hợp.
2. Đổi màu răng do nguyên nhân nội sinh
Loại nhiễm sắc này chia làm hai nhóm:
– Nhóm nhiễm sắc trước khi mọc răng.
– Nhóm nhiễm sắc sau khi mọc răng.
Trong giai đoạn phôi thai hình thành mầm răng, giai đoạn này hình thành ra các khung hữu cơ rằng. Nếu ở giai đoạn này nhiễm ion kim loại hoặc tổ hợp màu sẽ kết hợp với các khung hữu cơ tạo ra phức hợp màu.
Khung hữu cơ tiếp tục khoáng hoá tiếp xúc với các yếu tố vi lượng như magie, fluor, carbonate… có thể gây ra đổi màu răng.
Ở giai đoạn hoàn thiện trước khi mọc răng có sự trao đổi mạnh mẽ với máu, và vậy có thể nhiễm màu với các thành phần phân huỷ trong máu.
Như vậy, các chất đổi màu có thể nằm trong ngà răng, giữa men và ngà. Phần giữa men và ngà răng là có thể tác động được.
Cơ chế đổi màu do nhiễm tetracycline: các phân tử tetracycline kết hợp với các khung hữu cơ tạo ra một phức hợp không hoà tan và ổn định vì vậy, đổi màu cả cấu trúc ngà và ở cấu trúc men và ngà.
Nhiễm fluor: Fluor làm rối loạn thì hoàn thiện men răng, tạo ra phức hợp màu, vì vậy gây thay đổi màu sắc và đặc tính lý hoá của men răng.
Ngoài ra, nhiễm sắc trước khi mọc răng cũng thấy ở mô răng dị dạng do di truyền, gặp trong trường hợp rối loạn huyết học như bệnh crythoblastosise, thalasemia. Thiếu máu tế bào hình liềm cũng có thể gây ra nhiễm sắc răng bởi vì hệ thống đông máu và sự có mặt của máu trong ống ngà.
Răng bị nhiễm sắc nội tại sau khi mọc răng cũng xảy ra tương tự, ví dụ như: sau khi răng bị chấn thương, có thể chảy máu tuỷ và ngấm vào trong ống ngà. Trong quá trình già bình thường cũng gây nhiễm sắc do sự lắng đọng ngà thứ phát, vôi hoá tuỷ. Sự phóng thích kim loại từ miếng hàn amalgam hoặc việc hàn buồng tủy trong điều trị nội nha.
Răng chết tủy bị đổi màu: Fish và Wainwright làm những thử nghiệm khác nhau thấy rằng, cấu trúc răng có thể thẩm thấu được. Những răng không còn tủy thì khô và không có hệ bạch huyết hoặc dịch trong răng và có khả năng thẩm thấu tốt hơn là những răng sống và có khuynh hướng thẩm thấu màu từ nguồn ngoại sinh cũng như là những muối sắt từ sự phân huỷ hemoglobin trong buồng tủy.
Sự phân huỷ mô tuỷ hemoglobin (chứa sắt) kết hợp với:
− NH3 (từ sự phân huỷ của vi khuẩn) và nước tạo ra hợp chất ferric hydroxide có màu nâu đỏ.
– H2S, cho ra hợp chất iron sulfide có màu đen.
Độ sâu và nồng độ của những vết màu ngấm vào các ống ngà sẽ xác định mức độ và loại đổi màu.
Hạn chế sự đổi màu bằng cách ngăn cản sự xuất huyết trong khi lấy tủy hoặc thường xuyên bơm rửa để lấy máu, những mảnh vụn ra khỏi ống tủy và dùng cement để hàn ống tuỷ không bạc, dùng eugenol không màu, còn mới để trộn chất trám và lấy đi tất cả những vật liệu trám ống tủy dư ở phần thân răng.
Nguồn: Chữa răng và nội nha Tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply