Viêm gan C là một bệnh lây nhiễm do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và có thể kéo dài nhiều năm mà không được phát hiện. Khi bệnh tiến triển, viêm gan C có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và tử vong. Vì vậy, việc xét nghiệm virus viêm gan C là rất quan trọng, giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
1. Đối tượng xét nghiệm virus viêm gan C
1.1. Người có nguy cơ cao nhiễm HCV: người nhiễm HIV, người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm, phạm nhân, người có hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
1.2. Người có biểu hiện nghi ngờ mắc viêm gan: có triệu chứng lâm sàng của viêm gan và hoặc xét nghiệm có men gan tăng.
1.3. Người bệnh phải lọc máu, truyền máu và chế phẩm máu.
1.4. Người bệnh trước khi điều trị ức chế miễn dịch, hoá trị liệu.
1.5. Người hiến máu, người hiến tạng, người cho trứng, tinh trùng.
1.6. Bạn tình, con cái, thành viên gia đình có tiếp xúc gần gũi với người nhiễm HCV.
1.7. Người có tiền sử tiêm, làm thủ thuật không an toàn.
1.8. Các đối tượng khác theo yêu cầu.
2. Chiến lược xét nghiệm
2.1. Các loại xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi rút viêm gan C
2.1.1. Xét nghiệm phát hiện anti-HCV
Đây là xét nghiệm ban đầu để xác định tình trạng phơi nhiễm HCV. Người bệnh có kết quả dương tính chứng tỏ đã có phơi nhiễm HCV, cần thực hiện tiếp các xét nghiệm chẩn đoán để xác định tình trạng hiện nhiễm HCV.
2.1.2. Xét nghiệm chẩn đoán
Các xét nghiệm chẩn đoán dựa vào việc phát hiện kháng nguyên hoặc RNA của HCV trong máu.
2.2. Chiến lược xét nghiệm và chẩn đoán
2.2.1. Xét nghiệm phát hiện anti-HCV
– Xét nghiệm kháng thể anti-HCV sử dụng loại xét nghiệm miễn dịch bằng xét nghiệm nhanh (RDTs) hoặc xét nghiệm miễn dịch tại phòng xét nghiệm (ELISA, CLIA, ECLIA…).
– Khi phải khẳng định lại kết quả xét nghiệm anti-HCV, cần áp dụng kỹ thuật khẳng định (anti-HCV confirmation).
* Khi không thực hiện được xét nghiệm HCV RNA có thể làm xét nghiệm HCVcAg
Hình 3: Chiến lược xét nghiệm phát hiện HCV
* Phiên giải kết quả:
– Người có kết quả xét nghiệm anti-HCV (+) có nghĩa là đã từng nhiễm HCV hoặc đang hiện nhiễm HCV. Để chẩn đoán hiện nhiễm HCV cần được xét nghiệm HCV RNA hoặc HCVcAg (mục 2.2.2).
– Người có kết quả xét nghiệm anti-HCV (-) có nghĩa là không nhiễm HCV. Cần được tư vấn dự phòng nhiễm HCV. Cần xét nghiệm lại nếu vẫn tiếp tục có nguy cơ nhiễm HCV.
2.2.2. Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HCV
– Người bệnh có kết quả anti-HCV dương tính cần được xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HCV bằng một trong các xét nghiệm sau:
+ Xét nghiệm tải lượng HCV.
+ Xét nghiệm định tính HCV RNA.
+ Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên lõi HCVcAg.
– Chẩn đoán nhiễm HCV khi:
+ Kết quả tải lượng HCV trên giới hạn phát hiện, hoặc
+ Định tính HCV RNA dương tính, hoặc
+ Kháng nguyên HCVcAg dương tính.
2.2.3. Xét nghiệm tải lượng HCV theo dõi điều trị viêm gan vi rút C
– Xét nghiệm tải lượng HCV tại tuần thứ 12 sau khi kết thúc điều trị:
+ Nếu tải lượng HCV dưới ngưỡng phát hiện ở tuần thứ 12 sau khi kết thúc điều trị là đạt được đáp ứng vi rút bền vững (Sustained Virus Response – SVR12).
+ Nếu tải lượng HCV trên ngưỡng phát hiện tại tuần thứ 12 sau khi kết thúc điều trị, là không đạt được SVR12, được xem là thất bại điều trị.
– Trong trường hợp người bệnh đã đạt đáp ứng vi rút bền vững nhưng vẫn tiếp tục có nguy cơ cao nhiễm HCV, có thể xét nghiệm lại HCV RNA để phát hiện tái nhiễm.
2.2.4. Xét nghiệm kiểu gen HCV
– Không khuyến cáo làm xét nghiệm kiểu gien để chỉ định điều trị vì hiện đã có thuốc kháng vi rút hiệu quả với tất cả các kiểu gien HCV (pangenotherapic).
– Chỉ định thực hiện xét nghiệm kiểu gien trong một số trường hợp người bệnh có nghi ngờ kháng thuốc.
Tổng quan về viêm gan C cho thấy đây là một bệnh lây nhiễm nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là cần thiết để giảm nguy cơ các biến chứng và bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế https://youtu.be/KTilACALZPs
Leave a Reply