Tăng huyết áp (hay huyết áp cao) là tình trạng mà huyết áp trong động mạch của bệnh nhân vượt quá mức bình thường trong thời gian dài. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh tim và suy thận. Bài viết này sẽ làm rõ các chủ đề về triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, phân độ tăng huyết áp và cách dự phòng bệnh tăng huyết áp.
1. Triệu chứng lâm sàng
1.1. Triệu chứng cơ năng
– Đa số không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện.
– Triệu chứng thường gặp : Đau đầu vùng chẩm .
– Triệu chứng khác: Hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt, dấu hiệu ruồi bay,…
– Một số triệu chứng khác tùy vào nguyên nhân hoặc biến chứng tăng huyết áp.
1.2. Triệu chứng thực thể
– Đánh giá toàn trạng, chú ý chiều cao, cân nặng (BMI >=23/m2).
- Khám da: các nốt màu cafe sữa của neurofibromatosis (u tế bào ưa crom tủy thượng thận).
+ Bệnh nhân có thể béo phì, mặt tròn trong hội chứng Cushing.
+ Cơ chi trên phát triển hơn cơ chi dưới trong bệnh hẹp eo động mạch chủ.
– Biểu hiện xơ vữa động mạch trên da (u vàng, u mỡ, cung giác mạc…)
- Khám bụng: có thể phát hiện tiếng thổi tâm thu hai bên rốn trong hẹp động mạch thận, phồng động mạch chủ hoặc khám phát hiện thận to, thận đa nang, các khối bất thường ở bụng.
- Khám tim: có thể phát hiện sớm dày thất trái hay dấu suy tim trái, các động mạch gian sườn đập trong hẹp eo động mạch chủ, nhịp tim (nhanh hay chậm), chú ý các tiếng thổi ở tim
+ Sờ và nghe động mạch để phát hiện các trường hợp nghẽn hay tắc động mạch cảnh trong, động mạch chủ bụng. - Khám thần kinh: có thể phát hiện các tai biến mạch máu não cũ hoặc nhẹ, tìm các dấu hiệu của đột quỵ
- Khám cổ: lưu ý âm thổi động mạch cảnh, tĩnh mạch cổ nổi, tuyến giáp lớn
- Thăm khám đáy mắt: Chỉ định cho bệnh nhân THA người trẻ, kháng trị hay kèm ĐTĐ
2. Cận lâm sàng (Theo Hội THA Việt Nam, 2015)
Mục đích: Giúp cho đánh giá, phân tầng nguy cơ tim mạch, tìm nguyên nhân THA.
2.1. Các xét nghiệm thường quy
• Đường huyết tương (tốt hơn nên làm lúc đói)
• Cholesterol TP, HDL-C, LDL-C, TG máu lúc đói
• Acid uric máu, Creatinine máu (Kết hợp đánh giá độ lọc cầu thận)
• K+, Na+ huyết tương
• Hb, Hct
• Tổng phân tích nước tiểu
• ECG
2.2. Các xét nghiệm bổ sung
• HbA1c (nếu đường máu >5.6 mmol/l hoặc tiền sử ĐTĐ)
• Siêu âm tim
• HA lưu động 24h (ABPM) và HA tại nhà (HABM)
• Holter ECG nếu có loạn nhịp tim
• Siêu âm ĐM cảnh, ĐM ngoại biên/bụng
• Vận tốc sóng mạch
• Chỉ số HA cổ chân / cánh tay
• Định lượng Protein niệu (nếu test que nhúng dương tính)
• Soi đáy mắt (trong THA nặng)
2.3. Các test mở rộng
• THA có biến chứng: test chức năng não, tim, thận khi kháng trị hoặc có biến chứng
• Tìm kiếm THA thứ phát: Định lượng Renin, Aldosterone, corticosteroid, catecholamin, chụp ĐM, siêu âm thận
3. Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp
Để chẩn đoán tăng huyết áp chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp (2). Hiện nay, có 3 cách đo huyết áp để chẩn đoán bệnh gồm:
• Đo huyết tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg
• Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg
• Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (máy Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg
*Đo huyết áp đúng cách như thế nào?
• Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo.
• Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
• Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
• Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
• Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
• Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp. Nếu rung nhĩ thì nên đo bằng máy cơ, quy trình đo HA của Bộ Y Tế
Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.
4. Phân độ tăng huyết áp
• Theo ACC/AHA (Hiệp hội tim mạch Hoa Kì) năm 2017 và ESC/ESH ( Hiệp hội tim mạch Châu Âu) năm 2018.
|
ACC/AHA |
ESC/ESH |
Định nghĩa THA | >=130/80 | >=140/90 |
Huyết áp bình thường | Bình thường: <120/80 | Tối ưu <120/80 |
Bình thường cao: 120-129/80 | Bình thường: 120-129/80-84 | |
Bình thường cao: 130-139/85-89 | ||
Giai đoạn tăng huyết áp | THA độ 1: 130-139/80-89 | Độ 1: 140-159/90-99 |
THA độ 2: >= 140/90 | Độ 2: 160-179/100-109 | |
Độ 3: >= 180/110 |
5. Dự phòng
Thay đổi lối sống |
Khuyến cáo |
Giảm cân | Duy trì trọng lượng bình thường của cơ thể ( BMI 18,5-24,9 kg/m2)
Đích BMI: 23 kg/m2 Đích vòng eo: Nam<90cm, nữ <80cm |
Thực hiện chế độ ăn DASH ( Dietary Approaches to Stop Hypertension) | Chế độ ăn giàu trái cây, rau quả và sữa ít béo cùng với giảm lượng chất béo toàn phần |
Giảm muối | Lượng muối ăn vào không quá 6g/ngày |
Hoạt động thể lực | Thực hiện các hoạt động thể dục nhịp điệu (Aerobic) thường xuyên như đi bộ nhanh, ít nhất 30 phút/ngày và 5-7 ngày/tuần |
Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ | Nam: Không quá 2 ly(20-30g)/ngày
Nữ : Không quá 1 ly(10-20g)/ngày |
Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc | Nhằm làm giảm tất cả các yếu tố nguy cơ tim mạch |
Nguồn tham khảo:
- Giáo trình bệnh học nội khoa nhà xuất bản Đại học Huế 2019
- ISH Global Hypertension
- CÁC KHUYẾN CÁO CỦA HỘI TIM MẠCH QUỐC GIA VIỆT NAM NĂM 2022
Leave a Reply