Viêm gan C (hay còn gọi là viêm gan siêu vi C) là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh này có thể làm tổn thương gan và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, trên thế giới có 71 triệu người bị viêm gan vi rút C mạn trong đó 14 triệu người sống ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi viêm gan vi rút là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm. Viêm gan C hiện chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng có thể điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa tổn thương gan và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
1. Phác đồ điều trị
Bảng 1. Phác đồ điều trị viêm gan vi rút C mạn ở người ≥ 18 tuổi không có xơ gan, xơ gan còn bù và điều trị lần đầu
Thuốc DAA | Kiểu gen 1,4 | Kiểu gen 2 | Kiểu gen 3 | Kiểu gen 5, 6 |
SOF/VEL | Điều trị tất cả các kiểu gen trong 12 tuần | |||
SOF/DAC1 | Điều trị tất cả các kiểu gen trong 12 tuần | |||
SOF/LDV | 12 tuần | Không | Không | 12 tuần |
GLE/PIB2 | Điều trị tất cả các kiểu gen trong 8 tuần | |||
GRZ/EBV3 | 12 tuần | Không | Không | Không |
Tỷ lệ khỏi (SVR12) ở người viêm gan C kiểu gen 3 có xơ gan là khoảng 80% khi điều trị với phác đồ có SOF/DAC và trên 90% khi điều trị với phác đồ SOF/VEL.
Thuốc chưa được đăng ký tại Việt Nam và không được kê đơn. Chỉ được kê đơn khi các thuốc này được Bộ Y tế cấp phép.
Lưu ý: Liều lượng của các thuốc DAA (Phụ lục 3)
Bảng 2. Phác đồ điều trị viêm gan vi rút C mạn cho người bệnh ≥ 18 tuổi có xơ gan mất bù và điều trị lần đầu
(Child Pugh B hoặc C)
Thuốc DAA | Kiểu gen 1,4 | Kiểu gen 2 | Kiểu gen 3 | Kiểu gen 5,6 |
SOF/VEL | Điều trị tất cả các kiểu gen trong 24 tuần | |||
SOF/VEL/RBV | Điều trị tất cả các kiểu gen trong 12 tuần | |||
SOF/LDV | 24 tuần | Không | Không | 24 tuần |
SOF/LDV/RBV | 12 tuần | Không | Không | 12 tuần |
SOF/DAC1 | 24 tuần | 24 tuần | 24 tuần | 24 tuần |
SOF/DAC/RBV1 | 12 tuần | 12 tuần | 12 tuần | 12 tuần |
Tỷ lệ khỏi (SVR12) ở người viêm gan C kiểu gen 3 có xơ gan là khoảng 80% khi điều trị với phác đồ có SOF/DAC và trên 90% khi điều trị với phác đồ có SOF/VEL.
Lưu ý:
– Liều lượng của các thuốc DAA (Phụ lục 3)
– Điều chỉnh liều RBV theo cân nặng, mức độ thiếu máu và mức độ suy thận (Phụ lục 4)
– Chống chỉ định sử dụng GLE, GRZ, VOX cho người bệnh xơ gan mất bù
2. Điều trị viêm gan vi rút C ở một số trường hợp đặc biệt
2.1. Điều trị viêm gan vi rút C cho trẻ em không xơ gan và xơ gan còn bù
* Trẻ từ 12 -17 tuổi: điều trị theo bảng sau với liều như của người lớn
Bảng 3. Phác đồ điều trị viêm gan vi rút C mạn cho trẻ 12 -17 tuổi không xơ gan và xơ gan còn bù
Phác đồ | SOF/VEL | GLE/PIB | SOF/LED |
Thời gian | 12 tuần | 8 tuần | 12 tuần
(chỉ dùng cho kiểu gen 1, 4, 5, 6) |
* Trẻ từ 3 -11 tuổi
– SOF/VEL: liều dựa vào cân nặng
Trẻ < 17 kg: SOF 150mg và VEL 37,5mg/ngày x 12 tuần
Trẻ ≥ 17 kg: SOF 200mg và VEL 50mg/ngày x 12 tuần
– SOF/LED: dùng cho kiểu gen 1, 4, 5, 6
Trẻ < 17 kg: SOF 150mg/LED 33,75mg/ngày x 12 tuần
Trẻ 17-35 kg: SOF 200mg/LED 45mg/ngày x 12 tuần
Trẻ > 35 kg: SOF 400mg/LED 90mg/ngày x 12 tuần
– GLE/PIB:
Trẻ 12 – 19 kg: GLE 150mg và PIB 60mg/ngày x 12 tuần
Trẻ 20 – 29 kg: GLE 200mg và PIB 80mg/ngày x 12 tuần
Trẻ 30 – 44 kg: GLE 250mg và PIB 100mg/ngày x 12 tuần
Lưu ý: GLE/PIB chưa có tại Việt Nam
* Trẻ dưới 3 tuổi: Trì hoãn điều trị cho đến khi trẻ đủ 3 tuổi
2.2. Người bệnh viêm gan vi rút C đồng nhiễm HIV
Người bệnh đồng nhiễm HCV/HIV được điều trị ARV ngay khi phát hiện nhiễm HIV và điều trị HCV khi CD4 từ 200 tế bào/mm3 trở lên hoặc tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Người bệnh có xơ hóa từ F2 trở lên, điều trị HCV ngay khi dung nạp điều trị ARV.
Chỉ định điều trị viêm gan vi rút C cho người nhiễm HIV giống như người bệnh viêm gan vi rút C không nhiễm HIV
Lựa chọn phác đồ điều trị ARV và phác đồ điều trị viêm gan vi rút C tối ưu để tránh tương tác thuốc (Phụ lục 5), nếu cần thiết phải điều chỉnh liều DAA.
– Trường hợp người bệnh điều trị HIV bằng phác đồ tenofovir/lamivudin/dolutegravir (TDF/3TC/DTG hoặc TLD): điều trị như người viêm gan vi rút C không nhiễm HIV
Lưu ý: Không chỉ định phác đồ SOF/VEL hoặc SOF/LDV khi mức lọc cầu thận < 60 ml/phút/1,73m2
– Trường hợp người bệnh điều trị HIV bằng phác đồ khác TLD:
+ Chuyển sang phác đồ TLD nếu có thể trước khi điều trị HCV
+ Người bệnh đang điều trị HIV bằng phác đồ có efavirenz (EFV), nevirapine (NVP): ưu tiên sử dụng phác đồ SOF/DAC: Điều chỉnh liều DAC lên 90 mg
+ Người bệnh đang điều trị HIV bằng phác đồ có loperavir/ritonavir (LPV/r): ưu tiên sử dụng phác đồ: SOF/VEL; SOF/DAC.
Phác đồ thay thế: SOF/LDV. Không chỉ định phác đồ có LDV khi mức lọc cầu thận < 60 ml/phút/1,73m2.
– Trường hợp người bệnh đang điều trị HIV bằng phác đồ có atazanavir (ATV): ưu tiên sử dụng SOF/DAC: Điều chỉnh liều DAC xuống 30 mg
Phác đồ thay thế: SOF/LDV. Không chỉ định phác đồ có LDV khi mức lọc cầu thận < 60 ml/phút/1,73m2.
* Lưu ý không phối hợp các phác đồ sau để điều trị đồng nhiễm HCV/HIV
– SOF/VEL không sử dụng đồng thời với EFV, NVP
– SOF/VEL/VOX không sử dụng đồng thời với EFV, NVP, ATV/r, LPV/r
– RBV không sử dụng đồng thời với AZT
– ELB/GRZ không sử dụng đồng thời với EFV, NVP hoặc bất kỳ PI
– GLE/PIB không sử dụng đồng thời với EFV, NVP, LPV, ATV hoặc phác đồ ARV có ritonavir
2.3. Người bệnh đồng nhiễm HCV/HBV
– Người bệnh đồng nhiễm HCV/HBV điều trị bằng các phác đồ kháng HCV như người nhiễm HCV đơn thuần
– Người đồng nhiễm HCV/HBV đủ tiêu chuẩn điều trị HBV thì điều trị đồng thời HBV và HCV (chú ý tương tác thuốc, đặc biệt giữa TDF và SOF- Phụ lục 5)
– Người đồng nhiễm HCV/HBV mà chưa đủ tiêu chuẩn điều trị HBV thì điều trị dự phòng HBV bằng thuốc kháng HBV (NA: nucleot(s)ide analogues) khi bắt đầu điều trị thuốc DAA cho đến khi kết thúc DAA tối thiểu 12 tuần và theo dõi định kỳ nếu ngưng điều trị NA
– Nguy cơ tái hoạt HBV ở người bị viêm gan vi rút C có HBsAg âm tính, anti-HBs âm tính nhưng anti-HBc dương tính rất thấp trong quá trình điều trị thuốc DAA. Những người này không điều trị dự phòng bằng NA, chỉ theo dõi ALT, AST mỗi 4-8 tuần trong thời gian điều trị thuốc DAA và trong 12 tuần sau khi kết thúc điều trị DAA. Nếu ALT, AST tăng nên làm thêm xét nghiệm HBsAg và HBV DNA để có thể phát hiện HBV tái hoạt. Điều trị NA nếu có bằng chứng HBV tái hoạt (HBsAg dương và/hoặc HBV DNA phát hiện được).
2.4. Người bệnh có bệnh thận mạn
– Người bệnh suy thận mức độ nhẹ đến trung bình (mức lọc cầu thận > 30 ml/phút/1,73m2) hoặc mức độ nặng (mức lọc cầu thận < 30ml/phút/1,73m2) bao gồm người bệnh lọc máu, chạy thận nhân tạo được điều trị các phác đồ phù hợp mà không cần điều chỉnh liều thuốc DAA như GLE/PIB, SOF/VEL, SOF/DAC cho tất cả kiểu gen và ELB/GRZ cho kiểu gen 1 và 4
– Người bệnh xơ gan mất bù có suy thận nhẹ đến trung bình (mức lọc cầu thận > 30 ml/phút/1,73m2) nếu điều trị phác đồ SOF/VEL 12 tuần có RBV thì liều RBV bắt đầu là 600 mg, và điều chỉnh liều RBV tùy theo độ dung nạp và hemoglobin
– Người bệnh xơ gan mất bù có suy thận nặng (mức lọc cầu thận < 30 ml/phút/1,73m2) nên điều trị phác đồ SOF/VEL 24 tuần không có RBV
2.5. Người bệnh đồng nhiễm lao/HCV
– Cân nhắc điều trị lao tiến triển trước, khi ổn định thì điều trị viêm gan vi rút C.
– Điều trị như người bệnh viêm gan vi rút C đơn nhiễm.
– Khi điều trị lao và điều trị viêm gan vi rút C lưu ý không sử dụng đồng thời rifampicine với các thuốc DAA (Phụ lục 5).
Tóm lại, việc điều trị viêm gan C là rất quan trọng để giảm thiểu tình trạng tổn thương gan và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được theo dõi và quản lý thích hợp để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. https://youtu.be/sJAOMNkNpz8
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply