Năm 2017, Hiệp hội Nha Chu Mỹ (AAP) đã đưa ra một hướng dẫn phân loại cho các bệnh viêm quanh răng và viêm quanh implant. Nắm rõ phân loại giai đoạn và mức độ bệnh là một yêu cầu cơ bản cho các bác sĩ trước khi tiến hành điều trị. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin liên quan đến phân loại bệnh quanh răng theo AAP (2017)
1. Sự thay đổi về phân loại theo AAP 2017 so với các phân loại trước đây
Hội thảo năm 1989 đã nhận ra rằng viêm quanh răng có một số biểu hiện lâm sàng khác nhau, độ tuổi bắt đầu và tốc độ tiến triển khác nhau. Dựa trên những biến số này, hội thảo đã phân loại viêm quanh răng thành các loại trước tuổi dậy thì, thành niên (khu trú và toàn thân), người lớn và tiến triển nhanh. Hội thảo châu Âu năm 1993 quyết định rằng phân loại nên được đơn giản hóa và đề xuất nhóm viêm quanh răng thành hai nhóm chính: Viêm quanh răng ở người lớn và viêm quanh răng bắt đầu sớm. Các nhà tham dự hội thảo năm 1996 quyết định rằng không có đủ bằng chứng mới để thay đổi phân loại.
Các thay đổi lớn đã được thực hiện trong phân loại viêm quanh răng năm 1999, đã được sử dụng trong 19 năm qua. Viêm quanh răng đã được phân loại lại thành mạn tính, tiến triển (khu trú và toàn thân), hoại tử và là biểu hiện của bệnh hệ thống. Kể từ hội thảo năm 1999, đã xuất hiện nhiều thông tin mới từ các nghiên cứu dân số, nghiên cứu khoa học cơ bản và bằng chứng từ các nghiên cứu tiên lượng đánh giá các yếu tố nguy cơ môi trường và hệ thống. Phân tích các bằng chứng này đã thúc đẩy hội thảo năm 2017 phát triển một khung phân loại mới cho viêm quanh răng.
Hội thảo năm 2017 quyết định với kiến thức hiện tại về bệnh học, có ba dạng của viêm quanh răng có thể được xác định: viêm quanh răng hoại tử, viêm quanh răng là biểu hiện của bệnh hệ thống, và các dạng của bệnh trước đây được công nhận là “mạn tính” hoặc “phá hủy”, bây giờ được nhóm lại dưới một nhóm duy nhất, “viêm quanh răng”. Trong quá trình xem xét lại phân loại, hội thảo đã đồng ý về một khung phân loại cho viêm quanh răng, được đặc trưng bổ sung dựa trên hệ thống đánh giá và phân loại đa chiều có thể được điều chỉnh theo thời gian khi có bằng chứng mới xuất hiện.
Phân loại theo giai đoạn phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nặng của bệnh khi bệnh nhân khám bệnh cũng như độ phức tạp của quản lý bệnh, trong khi đánh giá mức độ cung cấp thông tin về các đặc điểm sinh học của bệnh, bao gồm phân tích dựa trên lịch sử tăng trưởng của bệnh, đánh giá nguy cơ tiến triển tiếp theo, dự đoán kết quả điều trị xấu, và đánh giá nguy cơ rằng bệnh hoặc điều trị của nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe chung của bệnh nhân.
2. Phân loại bệnh quanh răng theo giai đoạn
- Giai đoạn để chỉ mức độ nặng cũng như tiến triển bệnh quanh răng của bệnh nhân dựa trên những chỉ số có thể đo được của mô tổn thương và/hoặc mô đã bị phá hủy như một hậu quả của bệnh viêm quanh răng. Đồng thời, các yếu tố cụ thể cũng được đưa vào để xem xét mức độ phức tạp trong việc kiểm soát ca bệnh trong thời gian lâu dài.
- Bước đầu tiên nên là đánh giá mất bám dính lâm sàng (CAL). Nếu không thể đo được mức độ mất bám dính trên lâm sàng, có thể sử dụng hình ảnh xương mất trên XQuang (RBL) để đánh giá. Số lượng răng mất do nguyên nhân bệnh quanh răng cũng là một yếu tố làm thay đổi giai đoạn bệnh. Một hoặc nhiều yếu tố đánh giá mức độ phức tạp có thể thêm vào và chuyển giai đoạn bệnh sang một giai đoạn trầm trọng hơn.
- Giai đoạn 1:
- Mất bám dính lâm sàng (ở vị trí lớn nhất đo được): 1-2mm
- Hình ảnh mất xương trên Xquang (RBL): 1/3 cổ răng (<15%)
- Số lượng răng mất (do nguyên nhân bệnh viêm quanh răng): Không có răng mất
- Những yếu tố làm phức tạp thêm ca bệnh: tại chỗ: chiều sâu thăm khám (PD) tối đa nhỏ hơn hoặc bằng 4mm, mất xương chủ yếu là mất xương ngang
- Giai đoạn 2:
- Mất bám dính lâm sàng (ở vị trí lớn nhất đo được): 3-4m
- Hình ảnh mất xương trên Xquang (RBL): 1/3 cổ răng (15% – 33%)
- Số lượng răng mất (do nguyên nhân bệnh viêm quanh răng): Không có răng mất
- Những yếu tố làm phức tạp thêm ca bệnh: tại chỗ: chiều sâu thăm khám (PD) tối đa nhỏ hơn hoặc bằng 5mm, mất xương chủ yếu là mất xương ngang
- Giai đoạn 3:
- Mất bám dính lâm sàng (ở vị trí lớn nhất đo được): lớn hơn hoặc bằng 5mm
- Hình ảnh mất xương trên Xquang (RBL): Tới 2/3 cổ răng hoặc hơn
- Số lượng răng mất (do nguyên nhân bệnh viêm quanh răng): ít hơn hoặc bằng 4 răng
- Những yếu tố làm phức tạp thêm ca bệnh: tại chỗ: cùng với những yếu tố tương tự như giai đoạn 2, thêm vào đó
+ Chiều sâu thăm khám (PD) từ 6mm trở lên
+ Tiêu xương chéo
+ Liên quan đến vùng chẽ: tổn thương vùng chẽ hạng II hoặc III
+ Tiêu xương ổ răng mức độ trung bình
-
- Giai đoạn 4:
- Mất bám dính lâm sàng (ở vị trí lớn nhất đo được): từ 5mm trở lên
- Hình ảnh mất xương trên Xquang (RBL): Tới 2/3 cổ răng hoặc hơn
- Số lượng răng mất (do nguyên nhân bệnh viêm quanh răng): từ 5 răng trở lên
- Những yếu tố làm phức tạp thêm ca bệnh: tại chỗ: cùng với những yếu tố tương tự như giai đoạn 3, thêm vào đó là nhu cầu phức tạp cho việc lành thương do các nguyên nhân sau
+ Rối loạn cơ cắn
+ Sang chấn khớp cắn thứ phát (lung lay răng từ độ 2 trở lên)
+ Tiêu xương ổ răng mức độ nặng
+ Mất tầm cắn
+ Còn ít hơn 20 răng (10 cặp răng đối)
- Mô tả chi tiết cho từng giai đoạn: Với mỗi giai đoạn, thêm vào đó mô tả như
+ Khu trú (<30% số răng liên quan)
+ Toàn bộ
+ Xu hướng nhóm răng hàm/răng cửa
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phân loại bệnh viêm quanh răng theo mức độ trong bài tiếp theo!
Nguồn tham khảo
- A new classification scheme for periodontal and peri-implantdiseases and conditions – Introduction and key changesfrom the 1999 classification, Jack G. Caton, 2017
Leave a Reply