Xét nghiệm virus viêm gan B là một phương pháp quan trọng để chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm gan B. Viêm gan B là một bệnh lây nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra và có thể gây ra viêm gan cấp tính hoặc viêm gan mãn tính, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và tử vong. Vì vậy việc xét nghiệm viêm gan B có tầm quan trọng rất lớn đối với sức khỏe của con người.
1. Đối tượng xét nghiệm
- Người sinh trước năm 2003 – năm triển khai chương trình vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới một tuổi trên toàn quốc.
- Người đến tư vấn, xét nghiệm tại các phòng khám tư vấn xét nghiệm HIV, lao.
- Phụ nữ mang thai.
- Người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HBV: người nhiễm HIV, người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm, phạm nhân, người có quan hệ tình dục không an toàn.
- Người có biểu hiện nghi ngờ mắc viêm gan: có triệu chứng lâm sàng của viêm gan và hoặc xét nghiệm men gan tăng.
- Người bệnh phải lọc máu, truyền máu và chế phẩm máu.
- Người bệnh trước khi điều trị ức chế miễn dịch, hoá trị liệu.
- Nhân viên y tế chưa được tiêm vắc xin viêm gan B.
- Người hiến máu, người hiến tạng, người cho trứng, tinh trùng.
- Bạn tình, con cái, thành viên gia đình có tiếp xúc gần gũi với người nhiễm HBV.
- Người có tiền sử tiêm, làm thủ thuật không an toàn.
- Các đối tượng khác theo yêu cầu.
2. Hướng dẫn chiến lược xét nghiệm
2.1. Các xét nghiệm vi rút viêm gan B
Bảng 1: Các xét nghiệm vi rút viêm gan B
Xét nghiệm | Mục đích xét nghiệm | Kỹ thuật xét nghiệm |
HBsAg | Xét nghiệm định tính để chẩn đoán
nhiễm HBV |
– Xét nghiệm nhanh (RDTs)
– Miễn dịch đánh dấu |
Xét nghiệm định lượng HBsAg để theo dõi điều trị | – Miễn dịch đánh dấu | |
anti-HBs | Xét nghiệm định tính xác định sự xuất hiện kháng thể trung hoà anti-HBs | – Test nhanh (RDTs)
– Miễn dịch đánh dấu |
Xét nghiệm định lượng xác định mức kháng thể trung hoà anti-HBs, đánh giá được mức miễn dịch bảo vệ | Miễn dịch đánh dấu | |
anti-HBc total | Xác định phơi nhiễm HBV | – Test nhanh (RDTs)
– Miễn dịch đánh dấu |
anti-HBc IgG | Xác định phơi nhiễm HBV | Miễn dịch đánh dấu |
anti-HBc IgM | Xác định nhiễm HBV cấp | Miễn dịch đánh dấu |
HBeAg | – Xác định khả năng lây truyền vi rút ở
người nhiễm HBV – Xác định giai đoạn bệnh trong quản lý lâm sàng |
– Test nhanh (RDTs)
– Miễn dịch đánh dấu |
anti-HBe | – Xác định sự chuyển đảo huyết thanh HBeAg
– Xác định giai đoạn bệnh trong quản lý lâm sàng |
– Test nhanh (RDTs)
– Miễn dịch đánh dấu |
Định tính HBV DNA | Khẳng định có HBV lưu hành trong máu | Nucleic axit testing (NAT), định tính |
Tải lượng HBV | Xác định mật độ HBV lưu hành trong máu | Nucleic axit testing (NAT), định lượng |
Kiểu gen HBV | Xác định kiểu gen HBV, đột biến kháng thuốc | Giải trình tự, các kỹ thuật sinh học phân tử khác |
2.2. Hướng dẫn chiến lược xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm HBV
2.2.1. Xét nghiệm HBsAg
– Xét nghiệm nhiễm HBV được thực hiện bằng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên HBsAg.
– Sử dụng kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch như xét nghiệm nhanh (RDTs), xét nghiệm miễn dịch đánh dấu (EIAs, CLIAs, ECLs…).
– Khi phải khẳng định lại kết quả xét nghiệm HBsAg, cần áp dụng kỹ thuật khẳng định (HBsAg confirmation).
* Phiên giải kết quả và tư vấn sau xét nghiệm HBsAg
– Người có kết quả xét nghiệm HBsAg (+):
+ Nhiễm HBV
+ Người bệnh cần được xét nghiệm các dấu ấn khác của HBV, tải lượng HBV và các xét nghiệm hóa sinh, huyết học để xác định nhiễm HBV cấp hay mạn, đánh giá tiêu chuẩn điều trị và theo dõi tiến triển.
+ Người bệnh cần được tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt để ngăn ngừa tổn thương gan cũng như các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền HBV.
– Người có kết quả xét nghiệm HBsAg (-): Không có bằng chứng hiện nhiễm HBV.
2.2.2. Xét nghiệm anti-HBs để xác định tình trạng miễn dịch bảo vệ với HBV
2.2.3. Xét nghiệm huyết thanh học phát hiện các dấu ấn vi rút viêm gan B khác
– Người có xét nghiệm HBsAg dương tính cần được làm xét nghiệm huyết thanh học để phát hiện các dấu ấn viêm gan B khác.
2.2.4. Xét nghiệm tải lượng HBV
– Xét nghiệm tải lượng HBV nên thực hiện cho tất cả các trường hợp có HBsAg dương tính để đánh giá tiêu chuẩn điều trị (Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B ban hành theo quyết định số 3310/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
– Kết quả xét nghiệm tải lượng HBV cần được báo cáo hoặc quy đổi theo đơn vị quốc tế IU/ml.
2.3. Xét nghiệm huyết thanh học HBV và tải lượng HBV trong theo dõi điều trị
2.3.1. Người bệnh viêm gan vi rút B mạn chưa điều trị
Xét nghiệm HBeAg, anti-HBe định kỳ 24-48 tuần. Xem xét thực hiện xét nghiệm tải lượng HBV định kỳ 24-48 tuần.
2.3.2. Người bệnh viêm gan vi rút B mạn đang điều trị
– Khi bệnh ổn định (không có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm AST và ALT < 2 lần giới hạn trên của khoảng sinh học tham chiếu (ULN) và có đáp ứng vi rút ban đầu): làm các xét nghiệm HBeAg (nếu HBeAg dương tính) hoặc anti-HBe (nếu HBeAg âm tính) tại mỗi lần tái khám định kỳ.
– Xét nghiệm tải lượng HBV ở tuần điều trị thứ 12, 24 và 48. Sau đó thực hiện định kỳ 24-48 tuần một lần hoặc khi ALT tăng không rõ nguyên nhân để đánh giá đáp ứng điều trị và khả năng tái hoạt hoặc khi người bệnh không tuân thủ điều trị.
– Xét nghiệm tải lượng HBV theo dõi điều trị nên được thực hiện trên cùng một hệ thống xét nghiệm.
2.3.3. Người bệnh viêm gan vi rút B mạn đã ngừng điều trị
Trong năm đầu sau khi ngừng thuốc, xét nghiệm tải lượng HBV định kỳ 12 tuần một lần. Sau đó định kỳ 24-48 tuần một lần.
2.4. Xét nghiệm phân tích đột biến kháng thuốc
Nên thực hiện xét nghiệm kiểu gen HBV, phân tích đột biến kháng thuốc cho các trường hợp thất bại điều trị để phát hiện và khẳng định tình trạng kháng thuốc.
Xét nghiệm virus viêm gan B là một phương pháp quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh viêm gan B, đồng thời giúp giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm của bệnh và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. https://youtu.be/ygpSlu3hnTk
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply