Kỹ thuật Xquang thường quy và ứng dụng trong Răng hàm mặt.

Bài viết sau sẽ tóm tắt tổng quan về những kỹ thuật Xquang thường quy Y khoa và việc ứng dụng nó như thế nào đối với chuyên ngành Răng hàm mặt. Bản chất các loại Xquang đều dựa một nguyên lý chung, đó là sử dụng chùm tia X, và khác nhau ở mức độ, thời gian phơi chiếu, các dạng tia hay thiết bị khác nhau. Cùng đi vào tìm hiểu ngay sau đây.

1. Các kỹ thuật Xquang thường quy

1.1. Chiếu Xquang thường quy

Chiếu Xquang thường quy hiện nay không còn dùng nữa do liều chiếu xạ quá lớn. Kỹ thuật này dùng một màn huỳnh quang sáng lên do tác động của tia X nhưng độ sáng của màn yếu quá nên phải chiếu trong buồng tối. Trước khi chiếu cần thích nghỉ mắt trong bóng tối khoảng 10 phút. Chụp huỳnh quang là dùng máy ảnh cổ điển chụp hình ảnh trên màn chiếu Xquang thường quy.

Chiếu Xquang truyền hình: giúp giảm liều tia X, thông thường liều tia X thấp hơn 10 lần so với Xquang thường quy. Có thể quan sát hình ảnh trên màn truyền hình ở trong buồng sáng nhưng có nhược điểm là thời gian chiếu tia không được kéo dài.

Chiếu Xquang cho phép quan sát các chuyển động, nhưng có bất lợi là không lưu giữ tài liệu gì (trừ trường hợp có ghi bảng video hoặc phim). Ngoài ra, chiếu Xquang còn giúp định vị các loại kim, ống thông, dây dẫn cản quang trong một số thăm khám Xquang.

1.2. Chiếu Xquang tăng sáng truyền hình

Người ta dùng bóng tăng sáng là một bóng điện tử bằng thuỷ tinh ở trong đã hút chân không, ở đầu bóng quay về phía bệnh nhân có một màn huỳnh quang. Bức xạ ánh sáng phát ra từ màn thứ nhất sẽ đập vào cực âm quang học (photocatot) nằm ngay đằng sau, cực này sẽ phát ra điện tử tỷ lệ thuận với cường độ ánh sáng ở màn thứ nhất. Các điện tử của cực âm quang học được gia tốc bởi một hiệu điện thế cao (khoảng 20kV) về phía màn thứ hai (còn gọi là màn ra) kích thước chỉ bằng khoảng 1/10 đường kính của màn thứ nhất. Như vậy, giữa hai màn điện tử được gia tốc và tập trung để hội tụ vào màn thứ hai, màn này cũng được phủ một lớp chất huỳnh quang.

Hình ảnh ở màn thứ hai sáng hơn nhiều hình ảnh ở màn thứ nhất, một phần do diện tích bị thu nhỏ lại và một phần do sự gia tốc các điện tử.

Hình ảnh ở màn thứ hai ở bóng tăng sáng có thể được thu bởi một camera truyền hình và truyền sang một màn nhận, có thể xem ở ánh sáng ban ngày mà không cần buồng tối.

Chiếu Xquang cho phép quan sát các chuyển động, nhưng nó không chính xác và không để lại tài liệu. Sự ghi hình bằng bóng tăng sáng có thể làm được điều này nhờ một camera hoặc đầu ghi băng từ. Như vậy, việc số hoá hình ảnh này mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho chẩn đoán hình ảnh.

1.3. Kỹ thuật Xquang thường quy

Khi tia X đạp vào các tỉnh thể muối Bromua bạc chứa trong nhũ tương của phim nó tạo nên một hình ảnh tiềm tàng. Thật vậy, hình ảnh này không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng khi rửa phim qua thuốc hiện hình và hãm hình, giống như phim ảnh, những vùng cảm thụ tia X trở thành màu đen hoặc xám. Độ đen càng tăng nếu số lượng tia X càng lớn. Như vậy, độ đen phụ thuộc vào ba yếu tố là thời gian phát tỉa tính bằng giây, cường độ tia X tính bằng mA và độ đâm xuyên của tia X tính bằng kV.

Chụp phim Xquang là một phim âm bản, người ta vẫn dùng các từ trong chiếu Xquang (hình dương bản). Trên phim, vùng tối có hình trắng (như xương) và vùng sáng có hình đen (như phổi).

Để tăng tính hiệu quả của phim, người ta đặt nó giữa hai màn tăng quang trong một cassette, trong đó cát xét là một hộp dẹt để bảo vệ phim khỏi ảnh hưởng của ánh sáng ban ngày. Trong cát xét có hai màn tăng quang kẹp phim vào giữa.

Màn tăng quang giống như màn chiếu Xquang, dưới tác dụng của tia X thì màn sáng lên và bức xạ ánh sáng này cũng được tạo ảnh trên phim, cùng với tia X. Nhờ màn tăng quang mà chỉ cần một số lượng tia X ít hơn đã có một ảnh chụp Xquang nên nhờ đó có thể giảm thời gian chụp cần thiết, từ đó giảm liều chiếu xạ cho bệnh nhân.

Người ta ứng dụng cách thức chụp với từng vùng giải phẫu khác nhau, cụ thể như sau: – Phim không có màn tăng quang đối với một số vùng giải phẫu không dày và dễ cố định như bàn chân, bàn tay…

– Dùng cát xét dựng phim có bìa tăng quang cho những vùng dày hơn như các chi.

– Đối với các vùng dày hơn nữa như khung chậu, ổ bụng, ngực, sọ mặt… thì cần dùng cát xét có bìa tăng quang và lưới lọc tia khuếch tán.

1.4. Kỹ thuật Xquang chụp cắt lớp cổ điển hay cắt lớp thường

Thay vì bóng Xquang và phim cố định như trong phương pháp chụp Xquang thường quy thì trong chụp cắt lớp cổ điển có sự di chuyển đồng bộ ngược chiều giữa bóng và phim, hình ảnh các cấu trúc nằm trong mặt phẳng của trục chuyển động sẽ rõ nét, ngược lại các cấu trúc nằm trước hay sau mặt phẳng cắt sẽ bị nhòe đi. Góc chuyển động và tốc độ quét xác định chiều dày lớp cắt.

1.5. Các thăm khám có thuốc cản quang

Đôi khi cần phải thay đổi độ tương phản của các cơ quan cần thăm khám. Nhằm mục đích phát hiện tổn thương tốt hơn. Người ta có thể dùng tương phản tự nhiên (như chụp tim phổi lúc hít vào và thở ra). Hoặc có thể dùng tương phản nhân tạo như sử dụng không khí (là một chất tương phản âm tính tốt) để bơm vào dạ dày, đại tràng, khớp… hay dùng thuốc cản quang tạo tương phản dương tính như bari sulfat trong thăm dò ống tiêu hoá hoặc các thuốc cản quang chứa iod tan trong nước để tiêm trực tiếp vào mạch máu (chụp động mạch, tĩnh mạch), bơm vào một hốc cơ thể (chụp tử cung, phế quản, tuyến nước bọt…) hoặc để đào thải chọn lọc qua một cơ quan (chụp hệ tiết niệu tiêm tĩnh mạch, chụp đường mật qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch…). Người ta cũng dùng thuốc cản quang chứa iod tan trong dầu như lipiodol dùng để chụp bạch mạch…

1.6. Kỹ thuật Xquang số hoá

Là sự biểu diễn về sự hấp thu tia X dưới dạng tín hiệu số và được lưu trữ trong bộ nhớ của máy vi tính với một sức chứa lớn, sau đó được chuyển lại thành tín hiệu hình ảnh mỗi khi cần quan sát.

Một số lợi ích của Xquang số hoá như:

– Cho phép xử lý hình ảnh sau khi chụp để đạt được độ phân giải và tương phản tốt nhất, vì vậy luôn cho chất lượng hình ảnh tốt hơn.

– Thông tin lưu trữ tốt hơn (do không bị phá huỷ bởi các yếu tố hoá chất và mới trường như lưu trữ bằng phim và có khả năng tái bản khi cần thiết).

– Có khả năng truyền hình ảnh theo mạng thông tin.

– Sự phát bức xạ nhỏ hơn.

– Giảm ô nhiễm môi trường do không phải xử lý hình ảnh bằng hoá chất.

2. Ứng dụng các loại kỹ thuật Xquang thường quy trong răng hàm mặt

2.1. Chiếu, chụp Xquang thường quy

– Chụp Xquang răng thường quy.

– Chụp Xquang sọ mặt thường quy.

– Chụp Télé sọ mặt hay chụp phim đo so (cephalometric).

ky-thuat-xquang
Một mẫu phim Cephalometric có vẽ sẵn mốc trong chỉnh nha

2.2. Chụp cắt lớp cổ điển hay cắt lớp thường

– Chụp cắt lớp lồi cầu cổ điển.

– Chụp phim răng toàn cảnh (panorama).

2.3. Các thăm khám có thuốc cản quang

– Chụp Sialography (chụp ống túi tuyến nước bọt có bơm thuốc cản quang qua ống tuyến).

– Chụp khớp thái dương hàm cản quang.

ky-thuat-xquang
Mẫu phim chụp cản quang tuyến nước bọt (Sialography)

2.4. Chụp Xquang số hóa

– Chụp phim răng kỹ thuật số.

– Chụp phim toàn cảnh kỹ thuật số.

– Chụp phim sọ mặt kỹ thuật số.

Nguồn: Nha khoa cơ sở Tập 3 – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *