Bài viết này tập trung nói đến một số chính sách, giải pháp chăm sóc sức khoẻ răng miệng người cao tuổi tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các định hướng thay đổi cho Nha sĩ, giúp cho công việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được hiệu quả hơn.
1. Một số giải pháp, chính sách chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho người cao tuổi tại Việt Nam
Hiện nước ta chưa có hệ thống chính sách chăm sóc răng miệng riêng cho người cao tuổi, tuy nhiên nước ta đã có Luật người cao tuổi năm 2009 trong đó quy định một số điều về chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi như:
* Phát triển ngành Lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
* Về khám bệnh, chữa bệnh
– Việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi:
+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng.
+ Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.
– Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm:
+ Tổ chức khoa Lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi;
+ Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình.
+ Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi.
– Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.
* Về chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nơi cư trú
– Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:
+ Triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ.
+ Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ người cao tuổi.
+ Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho người cao tuổi.
+ Phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi.
– Trạm y tế xã, phường, thị trấn cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ việc đưa người bệnh quy định tại khoản này tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã, phường, thị trấn.
– Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại nơi cư trú.
2. Các mặt cần quan tâm khi xây dựng chính sách cho người cao tuổi
Như vậy, Luật người cao tuổi đã quy định khá chi tiết về công tác chăm sóc sức khoẻ chung cho người cao tuổi. Tuy nhiên, đối với mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần có một hệ thống chính sách hướng dẫn chi tiết công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Nhận thức được tầm quan trọng đó, năm 2015, Bộ Y tế đã giao Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu điều trị bệnh răng miệng cho người cao tuổi toàn quốc, qua đó có cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách và giải pháp chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Qua kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ trên toàn quốc đã rút ra các mặt cần quan tâm khi xây dựng chính sách chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho người cao tuổi tại nước ta cần:
– Về hệ thống tổ chức chuyên ngành khám chữa răng hàm mặt tại địa phương và cơ sở: bác sĩ nha khoa và đa số người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng cần tăng cường vai trò của y tế cơ sở, cần tăng cường công tác dự phòng, ngoài ra còn có các ý kiến khác.
– Về chế độ chính sách khám chữa, phòng bệnh răng miệng cho người cao tuổi: bác sĩ nha khoa và người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng cần có chế độ chính sách khám chữa, phỏng bệnh răng miệng cho người cao tuổi.
– Về những điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện chăm sóc bệnh răng miệng tốt hơn cho người cao tuổi: cần phải có quỹ đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và cần đào tạo nhân lực nha cộng đồng và chuyên khoa răng người cao tuổi.
– Những loại dịch vụ khám chữa bệnh răng miệng cho người cao tuổi như chữa răng, nhổ răng, làm răng giả nên được làm ở tuyến cơ sở nếu có đủ khả năng như tuyến huyện, tỉnh.
– Về giá cả dịch vụ: cần có chế độ hỗ trợ giá cho người cao tuổi.
– Về các hoạt động phòng bệnh răng miệng cần tổ chức cho người cao tuổi để có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở người cao tuổi, cần truyền thông giáo dục SKRM và khám, tư vấn định kỳ.
– 100% bác sĩ nha khoa và người cao tuổi được phỏng vấn đều cho rằng rất cần cung cấp kiến thức, hướng dẫn phòng bệnh răng miệng cho người cao tuổi.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ:
– Đưa kế hoạch chăm sóc sức khoẻ răng miệng người cao tuổi vào chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nói chung. Xây dựng chuyên khoa răng miệng người cao tuổi tại các khoa và trung tâm răng miệng.
– Phục hình trong miệng cũng giữ một vai trò lớn trong việc cải thiện các chức năng ăn nhai, vị giác, từ đó làm giảm các vấn đề thể chất, tâm lý xã hội nói chung trong chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Vì vậy, chính quyền cân nhắc kết hợp với bệnh viện, đơn vị khám chữa răng có chính sách hỗ trợ chi phí phục hình răng nhằm giúp người cao tuổi có được phục hình thay thế răng đã mất, qua đó làm tăng chất lượng cuộc sống.
– Cần đưa ra chế độ chính sách khám chữa, phòng bệnh răng miệng phù hợp cho người cao tuổi như xây dựng bảng giá phù hợp và đồng nhất cho dịch vụ chăm sóc răng miệng người cao tuổi, cô chế độ hỗ trợ giá cho người cao tuổi, có chính sách khám chữa cho người cao tuổi không đi lại được.
– Cần có nguồn lực phù hợp để thực hiện giải pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi như quỹ đầu tư, cơ sở vật chất và nhân lực.
Nguồn:
- Lão nha – NXB Giáo dục Việt Nam
- Luật Việt Nam
Leave a Reply