Bài viết này cung cấp cho đối tượng Nha sĩ cái nhìn sâu sắc về mối liên quan giữa nhóm bệnh lý về lão nha và bệnh lý toàn thân dựa trên các nghiên cứu lâm sàng tại nhiều nước. Đồng thời với đó, Nha sĩ cần đánh giá toàn diện khi đứng trước một bệnh nhân điều trị răng miệng, có mắc các bệnh lý toàn thân.
1. Mối liên quan giữa bệnh lý lão nha – vùng quanh răng và bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi
Ảnh hưởng của đái tháo đường đến mô quanh răng đã được nhiều tác giả trên thế giới chú ý nghiên cứu. Người bệnh đái tháo đường thường có sưng nề lợi tiến triển trong đáp ứng với mảng bám vi khuẩn. Đáp ứng này có thể liên quan đến mức độ kiểm soát đường máu, với những cả thể đái tháo đường được kiểm soát tốt có một mức độ viêm lợi giống như ở những người không mắc đái tháo đường và những cá thể đái tháo đường được kiểm soát kém có sự viêm sưng lợi gia tăng một cách đáng kể.
Sự phổ biến của bệnh lý lão nha – viêm quanh răng ở thanh thiếu niên và người lớn mắc đái tháo đường là nhiều hơn đáng kể so với những người không mắc đái tháo đường ở cùng độ tuổi. Trong một phân tích tổng quát, Papanou đã chứng minh rằng đa số các nghiên cứu đều cho thấy tình trạng quanh răng của những bệnh nhân lớn tuổi mắc đái tháo đường nặng hơn so với nhóm chứng không mắc đái tháo đường.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở bang Arizona với tộc người Pima Indian, nơi có tỷ lệ đái tháo đường cao nhất thế giới, người ta đã thấy rằng sự phổ biến của mất bám dính và tiêu xương ổ răng ở người đái tháo đường là lớn hơn ở nhóm chứng không mắc đái tháo đường với cùng độ tuổi. Trong một phân tích đa biến thể nguy cơ, người ta đã thấy rằng những người đái tháo đường có nguy cơ mắc viêm quanh răng lớn hơn 2,8– 3,4 lần so với người không mắc đái tháo đường sau khi đã điều chỉnh về tuổi, giới và tình trạng vệ sinh răng miệng.
Cũng trong một nghiên cứu được tiến hành trên 3.524 người từ 18 tuổi trở lên, người ta đã chứng minh được rằng có sự liên quan đáng kể giữa viêm quanh răng và đái tháo đường. Đái tháo đường có thể không chỉ ảnh hưởng tới sự phổ biến, mức độ nặng của viêm quanh răng mà còn tới sự tiến triển của bệnh. Nguy cơ tiêu xương tiến triển ở người đái tháo đường lớn hơn 4,2 lần so với người không mắc đái tháo đường và đặc biệt nguy cơ này lớn nhất ở những bệnh nhân dưới 34 tuổi. Tuy nhiên, sự liên quan giữa kiểm soát chuyển hoá của đái tháo đường và bệnh quanh răng cũng không thật rõ ràng. Một số bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường máu kém phát triển phá huỷ quanh rằng nặng, trong khi những người khác lại không.
Ngược lại, nhiều bệnh nhân đái tháo đường được kiểm soát tốt có sức khoẻ quanh răng tuyệt vời nhưng số khác lại phát triển viêm quanh răng. Nhiều nghiên cứu trên lâm sàng đã chỉ ra rằng những bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh lâu ngày được kiểm soát kém có xu hướng phá huỷ quanh răng nặng hơn những người kiểm soát chuyển hoá tốt. Seppala và đồng nghiệp đã chứng minh rằng những người đái tháo đường kiểm soát kém có tỷ lệ mất bám dính và tiêu xương tăng đáng kể so với nhóm kiểm soát chuyển hoá tốt.
Tervonen và Oliver chỉ ra rằng những người kiểm soát chuyển hoá kém qua tiến trình 2–5 năm có tỷ lệ túi quanh răng sâu và mất bám dính lớn hơn đáng kể so với nhóm kiểm soát đường máu tốt. Nghiên cứu của Taylor và đồng nghiệp cũng cho kết quả tương tự.
Các công trình nghiên cứu về đáp ứng điều trị của bệnh quanh răng trên bệnh nhân đái tháo đường cũng được nhiều tác giả tiến hành và báo cáo. Trong nghiên cứu của mình, Christgau và đồng nghiệp thấy rằng những bệnh nhân đái tháo đường được kiểm soát tốt, có đáp ứng với việc điều trị bệnh quanh răng bằng phương pháp nạo không phẫu thuật và làm nhẵn chân răng giống như ở đối tượng không mắc đái tháo đường sau 4 tháng điều trị. Westfelt và đồng nghiệp cũng thực hiện một nghiên cứu dọc, gồm những bệnh nhân đái tháo đường và nhóm chứng không mắc đái tháo đường với bệnh viêm quanh răng. Những bệnh nhân này được lấy cao răng và làm nhẵn chân răng, phẫu thuật vạt Widman cải tiến và cung cấp các liệu pháp quanh răng mỗi 3 tháng. Sau 5 năm, tác giả thấy có tỷ lệ giống nhau về phương diện đạt và mất bám dính và tỷ lệ giống nhau về phương diện ổn định mức bám dính, khi so sánh giữa nhóm đái tháo đường với nhóm chứng. Hầu hết những bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu này đều được kiểm soát đường máu tốt và trung bình.
Trong khi đái tháo đường ảnh hưởng đáng kể đến mô quanh răng, thì cũng có những bằng chứng gợi ý rằng nhiễm trùng quanh răng có khả năng tác động ngược tới việc kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường. Taylor và đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu trên những đối tượng mắc đái tháo đường type 2 để tìm hiểu rằng liệu viêm quanh răng nặng có làm tăng nguy cơ đối với việc kiểm soát đường máu hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy, viêm quanh răng nặng làm gia tăng nguy cơ với kiểm soát đường máu gấp 6 lần. Trong một nghiên cứu bệnh chứng những người lớn đái tháo đường có viêm lợi hoặc viêm quanh răng nhẹ so với những bệnh nhân bị viêm quanh răng nặng, sau 1 đến 11 năm theo dõi, người ta thấy ở những người có bệnh viêm quanh răng nặng có sự phổ biến hơn đáng kể các biến chứng tim mạch và thận so với nhóm có bệnh quanh răng tối thiểu.
Nếu như nhiễm trùng quanh răng có ảnh hưởng tới việc kiểm soát đường máu, thì một câu hỏi cần được đặt ra là: Việc điều trị viêm quanh răng bằng cách loại bỏ tác nhân gây bệnh và giảm sưng nề có thể có ảnh hưởng tích cực tới việc kiểm soát đường máu hay không? Trong một nghiên cứu trên các đối tượng đái tháo đường type 1 được kiểm soát kém có bệnh viêm quanh răng, Miller và đồng nghiệp đã đánh giá tác dụng của việc lấy cao răng và làm nhẵn chân răng kết hợp với dùng thuốc kháng sinh doxycycline đường toàn thân 14 ngày. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc tăng cường sức khỏe quanh răng có tác dụng tích cực với việc kiểm soát chuyển hoá ở người đái tháo đường, đồng thời cũng chỉ ra lợi ích của việc điều trị bệnh viêm quanh răng ở bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát chuyển hoá kém. Grossi và cộng sự đã nghiên cứu một số lượng lớn người đái tháo đường type 2 kiểm soát chuyển hoá kém có viêm quanh răng nặng được điều trị nạo dưới lợi kết hợp với dùng doxycycline đường toàn thân (100mg/ngày) hoặc dùng giả dược trong 14 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự kết hợp điều trị nạo dưới lợi và doxycycline toàn thân cho kết quả cải thiện đáng kể các thông số của kiểm soát chuyển hoá.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối liên quan, sự tác động qua lại giữa viêm quanh răng và đái tháo đường được tiến hành, cơ chế của sự ảnh hưởng cũng dẫn được làm sáng tỏ. Những nghiên cứu này giúp chúng ta có được hiểu biết đầy đủ, khách quan và khoa học hơn về bệnh quanh răng cũng như về các yếu tố nguy cơ, đồng thời mở ra một hướng mới trong việc phòng và điều trị bệnh quanh răng, đặc biệt là bệnh quanh răng trên bệnh nhân đái tháo đường.
2. Mối liên quan giữa bệnh lý lão nha – vùng quanh răng và bệnh tim mạch ở người cao tuổi
2.1. Mối liên quan giữa bệnh lý lão nha – nhiễm trùng quanh răng với bệnh mạch vành và xơ vữa động mạch
Ở hầu hết các quốc gia, bệnh động mạch vành là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mà cơ sở sinh lý bệnh chính là xơ cứng động mạch. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh tim mạch là nguyên nhân của 20% tử vong. Ở các nước phương Tây bệnh tim mạch gây nên tỷ lệ tử vong 50%.
Sau 7 năm nghiên cứu và theo dõi 214 bệnh nhân có chẩn đoán bệnh lý mạch vành và có khám răng miệng, đánh giá những yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch 1995 Mattila đã nghiên cứu và chứng minh mối liên quan có ý nghĩa và bền vững giữa nhiễm trùng răng từ bệnh lý lão nha và bệnh lý mạch vành.
Joshipura và cộng sự sau khi nghiên cứu 44119 nam giới sức khoẻ bình thường, không có triệu chứng về bệnh lý mạch vành lúc bắt đầu nghiên cứu trong 6 năm đã chứng minh mối liên quan giữa tình trạng mất răng và tỷ lệ mắc bệnh mạch vành nhưng mối liên quan này chỉ giới hạn ở những người có bệnh sử tiêu xương do viêm quanh răng của bệnh lý lão nha.
Genco và cộng sự đánh giá mức tiêu xương và giám sát tình trạng tim mạch ở người Mỹ khu vực sông Gila cũng chứng minh mức độ tiêu xương do bệnh viêm quanh răng là yếu tố dự đoán về bệnh lý tim mạch cho nhóm tuổi 60 hay trẻ hơn với độ chênh là 2,68.
Nghiên cứu 50 bệnh nhân viêm quanh răng Bublin K đã phát hiện trong máu của những bệnh nhân này tỷ lệ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) giảm mạnh. Mà theo cơ chế sinh lý bệnh lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) có tác dụng bảo vệ và trợ giúp việc huy động lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) làm giảm quá trình xơ vữa động mạch. Vì chính lipoprotein tỷ trọng thấp là lipid sinh xơ vữa chủ yếu.
Beck và cộng sự cũng nghiên cứu về nguy cơ gây xơ cứng động mạch do bệnh lý lão nha và đưa ra số liệu sơ bộ về mối liên quan bệnh viêm quanh răng với độ dày màng trong động mạch cảnh, phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán xơ cứng động mạch.
Cơ sở sinh lý giải thích cho giả thuyết về mối liên quan giữa nhóm bệnh lý lão nha – viêm quanh răng và bệnh tim mạch đang được nghiên cứu sâu hơn. Có nhiều cơ chế có thể giải thích mỗi liên quan giữa bệnh tim mạch và bệnh viêm quanh răng. Bệnh viêm quanh răng là một phản ứng viêm mạn tính của mô quanh răng đối với nhiễm trùng do vi khuẩn Gram âm kỵ khí. Các vi khuẩn này và các sản phẩm của chúng như lipopolysaccharide dễ dàng vào mạch máu bên dưới nhờ vào bề mặt rộng của túi viêm quanh răng.
Giả thuyết về nghẽn mạch do vi khuẩn và một cơ chế trong đó xảy ra tác động tương hỗ giữa sản phẩm của vi khuẩn và hệ thống mạch máu như đã nêu trên, nhiễm trùng dương như là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và xơ cứng động mạch. Bệnh nhân viêm quanh răng có số lượng bạch cầu và nồng độ fibrinogen trong huyết tương cao. Sự gia tăng về số lượng bạch cầu và fibrinogen như vậy có thể khởi phát quá trình xơ vữa động mạch và nghẽn mạch dẫn đến bệnh tim mạch. Sự kết cụm tiểu cầu do collagen, Thrombin và một số vi khuẩn như Streptococcus Sanguis và Porphyromonas Gingivalis. Các vi khuẩn nảy gây ra sự kết cụm tiểu cầu nhờ kết nối với một protein bề mặt đặc hiệu, protein này có tính tương đồng với vùng collagen hoạt hoá tiểu cầu. Ngoài ra, P. Gingivalis và P. Intermedia cũng được tìm thấy trong các mô động mạch và có thể xâm nhập vào tế bào nội mô. Lipopolysaccharide hay nội độc tố khi xuất hiện sẽ là một thách thức đối với cơ thể, có thể kích thích sự thâm nhập tế bào viêm vào các mạch máu lớn, làm tăng sinh các cơ trơn thành mạch, gây thoái hoá mỡ ở mạch máu và làm đông đặc nội mạch. Tóm lại, những nghiên cứu này gợi ý rằng vi khuẩn ở miệng hiện diện trong mạch máu là một yếu tố khởi phát sự huyết tắc và gia tăng nguy cơ gây tim mạch. Những bằng chứng mạnh mẽ từ các nghiên cứu đã chứng minh rằng nhiễm trùng và viêm là các yếu tố bệnh căn của bệnh tim mạch và xơ cứng động mạch và nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra vai trò trực tiếp hơn của nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là do viêm quanh răng. Tinh chất mạn tính của bệnh viêm quanh răng chính là nguồn cung cấp dồi dào vi khuẩn dưới lợi và tạo ra các sản phẩm do đáp ứng của cơ thể và gây hiệu quả trong một thời gian dài.
2.2. Mối liên quan giữa bệnh lý lão nha – nhiễm trùng quanh răng với bệnh đột quỵ thiếu máu não
Beck và cộng sự dựa vào số liệu kết hợp từ nghiên cứu về lão hoá và nghiên cứu dọc về răng đo chỉ số mất xương trung bình đưa ra kết luận. Tỷ lệ mất xương ở răng tại nhóm bệnh lý lão nha nâng cao tỷ lệ mắc bệnh tim, tử vong do bệnh tim và đột quỵ càng cao, nghiên cứu rộng rãi liên quan đột quỵ với bệnh viêm quanh răng được Wu. T và cộng sự công bố. Họ đã nghiên cứu tư liệu cơ bản của NHANES trên 9962 người trưởng thành theo dõi trong 18 năm. Nội dung bệnh toàn thân là bệnh mạch máu não bao gồm đột quỵ do chảy máu và không chảy máu, thiếu máu não thoáng qua. Các đối tượng được phân loại thành loại bị viêm quanh răng, viêm lợi hay mô quanh răng lành mạnh trên cơ sở chỉ số quanh răng Russell. Họ thấy rằng viêm quanh răng khám lần đầu đã kết hợp với đột quỵ không chảy máu (thiếu máu) với nguy cơ tương quan 2:1 (95% CI: 1,3–3,4). Tầm quan trọng đáng kể nhận thấy trong cùng nhóm này là không có sự kết hợp của viêm quanh răng với đột quỵ chảy máu mà nó kết hợp với mạch máu bị chảy, cung cấp chứng cớ thêm nữa đối với vai trò nhiễm trùng trong quá trình xơ vữa. Nguy cơ tăng lên đối với đột quỵ không chảy máu được thấy ở nam và nữ châu Phi, Mỹ và châu u (người da trắng). Bệnh mô quanh răng khởi đầu được tính là 19% của nhóm có thể tham gia vào nguy cơ đột quỵ không chảy máu có tầm quan trọng về sức khỏe cộng đồng. Công trình nghiên cứu này là quan trọng bởi vì có một sự kiểm tra nội khoa nghĩa là không có sự liên quan giữa bệnh viêm quanh răng trong cùng một nhóm với đột quỵ chảy máu.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra sự liên quan xác thực của đột quỵ hay chứng thiếu máu cục bộ ở mạch máu não với nhiễm trùng răng miệng (tỷ suất chênh là 2,6). Ngoài ra, nghiên cứu não hoá chẩn và nghiên cứu sọc nha khoa của hội đồng cố vấn thấy rằng tỷ suất chênh hiện hành đối với mất xương và bệnh tim mạch toàn bộ, bệnh tim mạch gây tử vong và đột quỵ tương ứng là 1,5; 2,2 và 2,8.
2.3. Mối liên quan giữa nhiễm trùng quanh răng với viêm nội tâm mạc do vi khuẩn
Hiện nay nhiễm trùng huyết có nguồn gốc từ miệng, gây nhiễm trùng các van tim đã hư là mối quan hệ rõ ràng nhất giữa mảng bám vi khuẩn/viêm quanh răng của bệnh lý lão nha và bệnh toàn thân. Người ta chấp nhận rằng các thủ thuật răng miệng và các thủ thuật khác làm cho những bệnh nhân nhạy cảm dễ bị viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng hay nhiễm trùng ở thành nội tâm mạc. Vi khuẩn viêm quanh răng của bệnh lý lão nha và các sản phẩm phụ của chúng cũng có thể đi vào hệ tuần hoàn bằng cách xâm nhập trực tiếp qua mô quanh răng. Nhiễm khuẩn huyết có nguồn gốc từ miệng dường như liên quan trực tiếp với sự trầm trọng của viêm nhiễm ở mô quanh răng.
Có hai dạng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp. Những biểu hiện lâm sàng và hệ vi khuẩn liên quan thường khác nhau. Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp biểu hiện bằng sự bột phát cơn sốt, đốm huyết ở da, miệng và hoại tử da tập trung. Có thể xảy ra đông máu nội mạch, làm tăng nguy cơ nghẽn mạch và nhiễm trùng lan tới bất kỳ cơ quan nào của cơ thể. Nếu không điều trị bằng kháng sinh, có thể đưa đến tử vong. Người ta đã ly trích được Streptococci ở miệng, đó là Streptococcus viridans và S. sanguis từ những bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bán cấp. Các dòng vi khuẩn S. sanguis bám vào vết sùi trên van tim và có thể gây ra sự thành lập huyết khối. Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cũng có thể do những vi khuẩn gây bệnh viêm quanh răng khác: những loài Haemophilus, Actinobacillus
Actinomycetemcomitans, Eikenella corrodens, những loài Capnocytophaga và Fusobacterium nucleatum. Do đó, điều trị lâm sàng trước hết nên nhằm vào việc giảm thiểu tối đa nhiễm trùng lợi ở bệnh nhân có nguy cơ. Những bệnh nhân có bệnh van tim, thay thế van tim, hay có tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, bệnh tim sung huyết, hay chứng rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ điều trị viêm quanh răng nên bàn bạc với bác sĩ tim mạch. Việc các nhân viên nha khoa khuyên thầy thuốc chú ý đến tình trạng viêm quanh răng/răng miệng là quan trọng ngang nhau.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng bệnh viêm quanh răng là một yếu tố nguyên nhân của bệnh tim mạch, tuy nhiên cần có nhiều dữ liệu thuyết phục hơn trong các nghiên cứu sâu hơn, cũng như những nghiên cứu can thiệp được kiểm chứng tốt để chứng minh mối liên quan nhân quả nảy. Nếu như những nghiên cứu trong tương lai chứng minh được bệnh viêm quanh răng là yếu tố nguy cơ thật sự của bệnh tim mạch, và điều trị viêm quanh răng làm giảm được nguy cơ mắc một số bệnh toàn thân, điều này có ý nghĩa đối với những người hành nghề Nha khoa cũng như tác động tới sự hiểu biết và động lực thúc đẩy giữ gìn sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Do vậy, tầm quan trọng của bệnh lý viêm quanh răng trong sức khoẻ cộng đồng sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn và sẽ xuất hiện những tiêu chuẩn về chăm sóc đối với bác sĩ và ngành Bảo hiểm.
Nha sĩ phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu cải thiện sức khỏe răng miệng để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho bệnh nhân, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như có van tim giả, có tiền sử viêm nội tâm mạc, phì đại cơ tim bẩm sinh. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng bệnh viêm quanh răng là một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.
3. Mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi
Mối liên quan giữa các bệnh đường hô hấp và sức khỏe răng miệng trong cộng đồng đã được đánh giá ban đầu bằng dữ liệu của NHANES I. Dữ liệu gồm thông tin về sức khỏe tổng quát của 23808 người. Trong đó, 365 người bị các bệnh đường hô hấp mạn tính (viêm phế quản mạn tính hay khi phế thũng) hoặc bệnh đường hô hấp cấp tỉnh (cúm, viêm phổi, viêm phế quản cấp tính). Sau khi kiểm soát các yếu tố như giới tính, tuổi và chủng tộc, thấy các đối tượng mắc bệnh đường hô hấp mạn tính có chỉ số vệ sinh răng miệng cao hơn đáng kể so với các đối tượng không bị bệnh đường hô hấp. Hơn nữa, những đối tượng mắc bệnh cấp tính có xu hướng có nhiều răng sâu hơn những đối tượng không mắc bệnh. Không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa bất cứ các chi số sức khỏe răng miệng nào và bệnh hô hấp cấp tính. Ngoài ra, không có mối liên hệ nào giữa chỉ số quanh răng và các bệnh cấp tính hay mạn tính.
Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh quanh răng, đo bằng mức độ tiêu xương ổ răng trên phim tia X, lúc khởi đầu và sau đó là một yếu tố nguy cơ độc lập cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Những kết quả này được ủng hộ bởi một nghiên cứu sau đó về mối liên quan giữa tình trạng răng miệng kém và bệnh phổi mạn tính (có kiểm soát các biến số gây nhiễu). Dữ liệu tử NHANES III, phân tích tình trạng sức khỏe tổng quát và tình trạng dinh dưỡng trên người dân Hoa Kỳ lựa chọn ngẫu nhiên từ năm 1988 đến năm 1994. Nghiên cứu cắt ngang, hồi cứu các dữ liệu của NHANES III trên dân số gồm 13792 đối tượng ≥ 20 tuổi có ít nhất 6 răng thật. Tiền sử viêm phế quân và/hoặc khí phế thũng ghi nhận được từ bảng câu hỏi. Chức năng phổi được đánh giá dựa vào tỷ lệ thể tích khi thở ra trong một giây đầu tiên/thể tích sống gắng sức. Tình trạng sức khỏe răng miệng được đánh giá dựa vào chỉ số sâu mất trám, chảy máu lợi, tụt lợi, độ sâu túi lợi và mất bám dính. Những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có mức mất bám dính lâm sàng (CAL trung bình: 1,48 ± 1,35) tốt hơn so với những đối tượng không mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CAL trung bình: 1,17 ± 1,09). Để kiểm soát đồng thời các biến số có thể ảnh hưởng đến thống kê phân tích, các yếu tố như giới tính, tuổi tác, chủng tộc, học vấn, thu nhập, tiền sử điều trị nha khoa, tiêu thụ rượu, tình trạng bệnh đái tháo đường và tình trạng hút thuốc lá đã được xem xét trong phân tích hồi quy với tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn đáng kể khi mức mất bám dính lâm sàng (MAL) trầm trọng hơn (MAL ≥ 2,0mm) so với tình trạng quanh răng khỏe mạnh (< 2,0mm MAL; tỷ số nguy cơ tương đối là 1,35, 95% CI: 1,07–1,71). Hơn nữa, tỷ số nguy cơ tương đối là 1,45 (95% CI: 1,02–2,05) ở những đối tượng có MAL 2 3,0mm. Một xu hướng được ghi nhận là chức năng phổi càng giảm thì mức độ mất bám dính cảng tăng. Không ghi nhận xu hướng như vậy đối với chảy máu lợi. Không ghi nhận được mối liên hệ có ý nghĩa giữa bất kỳ mức độ sức khỏe răng miệng và các bệnh hô hấp cấp tính, như cúm hoặc viêm phổi.
Mảng bám răng có thể là nguồn chứa các mầm bệnh đường hô hấp ở các bệnh nhân bệnh phổi mạn tính nằm viện. Sử dụng kỹ thuật lai DNA kiểu bản cờ để xác định 8 tác nhân gây bệnh đường hô hấp và 8 tác nhân gây bệnh răng miệng, các loài vi khuẩn như S. aures, P. aeruginosa, Acinetobacter baumannii và Enterobacter clacca được phát hiện trong mảng bám từ 29 đến 34 (85,3%) bệnh nhân nằm viện, trong khi chi phát hiện ở 12 trong số 31 (38,7%) bệnh nhân không nằm viện. Những kết quả này chỉ ra rằng mảng bám răng là một nguồn nhiễm khuẩn ở những bệnh nhân bệnh phổi mạn tính nằm viện.
4. Mối liên quan giữa bệnh lý lão nha – vùng quanh răng và bệnh viêm khớp dạng thấp ở người cao tuổi
Báo cáo của Sachs năm 1926, một trong những báo cáo sớm nhất đề cập tới mối liên quan này. Hơn 30 năm qua, có nhiều bài viết hoài nghi về mối liên hệ này đã được xuất bản. Ví dụ: Nghiên cứu quan sát trên nhóm người Nam Phi cho thấy bệnh khớp nặng không làm tăng các bệnh lý lão nha liên quan đến răng miệng, trong đó có bệnh quanh răng. Nghiên cứu trên các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp người Nhật cũng không thấy có sự tăng nồng độ kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh quanh răng. Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng và miễn dịch của viêm quanh răng cũng cho thấy các đối tượng bị viêm khớp dạng thấp không phải là nhóm nguy cơ. Nghiên cứu bệnh chứng trên nhóm người Scandinavian (204 ở nhóm bệnh và 204 ở nhóm chứng) cho thấy tình trạng quanh răng ở nhóm viêm khớp dạng thấp có xu hướng tốt hơn so với nhóm chứng. Ngoài ra, nghiên cứu trên các bệnh nhân NaUy bị viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi 40.56 cho thấy không có mối liên quan giữa tình trạng mất răng của nhóm bệnh lý lão nha và bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu sử dụng các dữ liệu dịch tễ học của NHANES cũng không cho thấy mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp tự khai và số răng mất. Trái với những nghiên cứu trên, nhiều nghiên cứu lại ủng hộ mối liên hệ này. Tuy có giá trị chứng cứ thấp nhưng một số nghiên cứu thăm dò đơn giản phân tích những dữ liệu do bệnh nhân tự khai đã cho thấy bệnh nhân bị viêm quanh răng có tỷ lệ viêm khớp dạng thấp cao hơn. Một số nghiên cứu bệnh chứng đã được thực hiện. Tất cả đều cho thấy bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ bệnh viêm quanh răng cao hơn. Trong những nghiên cứu này tình trạng quanh răng được đánh giá bằng nhiều thông số như số răng mất, chảy máu lợi, mất bám dính, chiều sâu túi và mất xương trên phim tia X.
Tiếp theo những kết quả này, nhiều nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các thông số lâm sàng và cận lâm sàng để khẳng định mối liên hệ giữa bệnh lý lão nha – viêm quanh răng và viêm khớp dạng thấp. Trong đó có các khảo sát về đặc điểm cytokine, các chất trung gian viêm, kháng nguyên HLA–DR và các hormone. Tất cả các nghiên cứu này đều cho thấy sự tương quan giữa hai bệnh và nhiều tác giả đã kết luận rằng tình trạng viêm (và các rối loạn của nó) là cầu nối chính giữa bệnh quanh răng của nhóm bệnh lý lão nha và bệnh viêm khớp dạng thấp.
Từ năm 1985, một báo cáo đã cho thấy sau khi điều trị bệnh quanh răng, tình trạng viêm khớp dạng thấp có thuyên giảm. Mặc dù, các nghiên cứu này được thực hiện trên mẫu tương đối nhỏ nhưng đã nhấn mạnh trên ứng dụng lâm sàng có thể có của mối liên hệ giữa viêm quanh răng và bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mối liên hệ giữa bệnh lý lão nha – viêm quanh răng và bệnh viêm khớp dạng thấp còn được tiếp tục nghiên cứu trên mô hình động vật. Việc tiêm các tá dược gây viêm khớp vào chuột cho thấy có tình trạng phá huỷ mô quanh răng, bằng chứng là sự tiêu xương và tăng hoạt động của men metalloproteinase chất nền ở mô lợi.
Đánh giá kỹ các nghiên cứu này chúng ta thấy được một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, một số nghiên cứu ủng hộ quan điểm bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có tình trạng vệ sinh răng miệng kém vì họ bị khuyết tật. Các báo cáo cho thấy tình trạng vệ sinh răng miệng không khác biệt giữa bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và bệnh nhân không bị viêm khớp dạng thấp. Một vấn đề quan trọng khác là những người bị viêm khớp dạng thấp trầm trọng thường dễ mắc bệnh quanh răng hơn và ngược lại. Tuy nhiên, có vẻ như là tình trạng viêm khớp dạng thấp tác động lên viêm quanh răng hơn là ngược lại.
Cần có thêm các nghiên cứu theo chiều dọc để tiếp tục đánh giá trình tự thời gian của mối liên hệ này. Ngoài ra cũng nên chú ý tới ảnh hưởng của các thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp trên tình trạng quanh răng. Nhiều thuốc kháng viêm dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp có thể ức chế hiện tượng viêm ở mô quanh răng và ảnh hưởng lên sự tiến triển của viêm quanh răng. Các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đang điều trị thuốc kháng viêm vẫn có thể có sự phá huỷ mô quanh răng đáng kể.
Vì vậy, người ta đã cho rằng trước khi bị viêm khớp dạng thấp, viêm quanh răng đã phát triển nhưng chưa được phát hiện. Do đó, khi phân tích mối liên hệ giữa hai bệnh, thời gian mắc bệnh (đối với từng bệnh) là một yếu tố quan trọng cần được xem xét. Cho nên các nghiên cứu trong tương lai nên xét tới thời gian mắc bệnh và mức độ trầm trọng của cả hai bệnh.
Nguồn: Lão nha – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply