Gãy chỏm xương quay là loại gãy hay gặp ở người lớn và trẻ em, chiếm khoảng 20% các gãy xương vùng khuỷu và thường liên quan với các chấn thương khác của khớp khuỷu như trật khớp khuỷu, gãy mỏm vẹt, tổn thương dây chằng bên trong và bên ngoài và tổn thương màng gian cốt. Việc chỉ định điều trị dựa trên các hiểu biết về hình thái gãy và chẩn đoán đầy đủ các thương tổn của chấn thương khớp khuỷu.
1. Cơ chế chấn thương
Thường do chấn thương gián tiếp: khi ngã chống tay, khuỷu duỗi, lồi cầu xương cánh tay thúc mạnh vào chỏm quay gây ra gãy xương.
Có thể do chấn thương trực tiếp: khi ngã lực chấn thương đập trực tiếp vào mặt ngoài của chỏm quay.
2. Tổn thương liên quan
Có thể gặp tổn thương nhánh sâu (nhánh chi phối vận động) của thần kinh quay.
Khoảng 30% kèm theo tổn thương xương khác (gãy mỏm khuỷu, trật khớp khuỷu, gãy lồi cầu xương cánh tay) hoặc các dây chằng bên của khớp khuỷu.
3. GIẢI PHẪU LIÊN QUAN CHỎM XƯƠNG QUAY
Chỏm xương quay tạo với lồi cầu xương cánh tay thành khớp lồi cầu – quay và với đầu trên xương trụ thành khớp quay – trụ trên, vì vậy gãy chỏm xương quay sẽ ảnh hưởng tới chức năng sấp – ngửa cẳng tay và gấp – duỗi khuỷu.
4. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
– Sưng nể nhiều ở phía ngoài khuỷu, di lệch lớn làm khuỷu tay vẹo ra ngoài
– Hạn chế vận động gấp, duỗi khớp khuỷu và sấp, ngửa cẳng tay.
– Sờ thấy đau chói ở chỏm quay.
– Trường hợp tổn thương nhánh vận động thần kinh quay có thể khám thấy các dấu hiệu mất vận động của các động tác: duỗi cổ tay, duỗi đốt 1 các ngón, dạng và duỗi ngón I.
5. TRIỆU CHỨNG X-QUANG
– Trên phim chụp X-quang khuỷu thẳng và nghiêng thường thấy đường gãy rõ nhưng cũng có những trường hợp nhìn không rõ đường gãy, trên lâm sàng bệnh nhân có đau vị trí tương ứng thì cần chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán xác định cũng như xác định mức độ di lệch của ổ gãy.
6. CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI
* Phân loại:
Phân loại phổ biến nhất cho gãy chỏm quay là phân loại của Mason. Mason chia làm 4 loại gãy:
– Loại I: là loại gãy ít di lệch (sự di lệch của mảnh gãy < 2 mm) và không gây cản trở vận động khớp. Loại này có thể điều trị bảo tồn.
– Loại II: là loại gãy mà sự di lệch mảnh gãy > 2mm hoặc có sự cản trở cơ học của vận động khớp. Loại này thường phải mổ và kết hợp xương bên trong.
– Loại III: là loại gãy di lệch hoàn toàn diện khớp và có nhiều mảnh phức tạp..
– Loại IV: mới được bổ sung gắn dây, kèm thêm trật khớp khuỷu (khớp cánh tay-trụ).
Tuy phân loại của Mason khá chi tiết và thuận tiện cho chỉ định điều trị nhưng có 1 khó khăn là việc đánh giá trên phim X-quang thường quy thường khó khăn do đó những trường hợp nghi ngờ cẩn chụp thêm phim cắt lớp vi tính để xác định chẩn đoán phân loại.
*Chẩn đoán:
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng để chẩn đoán.
7. Chỉ định điều trị
*Điều trị bảo tồn
– Chỉ định: đối với các trường hợp gãy loại I.
– Kỹ thuật: bó bột rạch dọc cánh – cẳng – bàn tay rạch dọc tay ở tư thế trung gian (cẳng tay nửa sấp, nửa ngửa).
Hẹn bệnh nhân sau 6-7 ngày khám lại lúc đó đỡ sưng nể rồi thay bột tròn kín.
Để bột trong khoảng 4- 6 tuần.
* Phẫu thuật
– Chỉ định:
+ Loại II: chỉ định kết hợp xương.
+ Loại III, IV: lấy bỏ chỏm quay hoặc thay chỏm quay nhân tạo.
– Vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến chỉ định điều trị gãy chỏm quay là do
2 vấn đề: một là phục hồi giải phẫu của xương và hai là tổn thương liên quan đến mất vững khớp khuỷu. Do đó chủ yếu liên quan đến tổn thương loại 3 và 4 vì liên quan đến mất vững khớp khuỷu.Trong các trường hợp tổn thương gãy phức tạp chỏm quay, tỷ lệ mất vững khớp khuỷu từ 50% đến 80% các trường hợp. Mà nếu kèm theo tổn thương mất vững khớp khuỷu thì việc lấy bỏ chỏm quay là chống chỉ định vì sẽ làm tăng sự mất vững của khớp. Khi có biểu hiện mất vững khớp khuỷu (trật khuỷu rõ, gãy mỏm vẹt điển hình, mất vững trong – ngoài trên lâm sàng) thì chỏm quay có vai trò quan trọng trong truyền lực và là yếu tố làm vững mặt ngoài của khớp khuỷu. Do đó, lựa chọn điều trị trong những trường hợp này là kết hợp xương hoặc thay chỏm quay.
– Lấy bỏ chỏm quay vẫn là một lựa chọn điều trị trong trường hợp gãy chỏm quay phức tạp mà không có mất vững khớp khuỷu. Tuy nhiên, những nghiên cứu về cơ sinh học cho thấy có sự tăng lên mức độ vẹo ngoài cũng như xoay ngoài của xương trụ so với xương cánh tay sau khi lấy bỏ chỏm quay, mặc dù các dây chằng còn nguyên.Thực tế lâm sàng cho thấy các dấu hiệu mất vững khuỷu trong những trường hợp này không thực sự rõ ràng nhưng khả năng cầm nắm và mang vật nặng của cẳng tay thì kém hơn rõ rệt. Nếu sự mất vững khớp khuỷu bị bỏ qua khi chỉ định lấy bỏ chỏm quay cho bệnh nhân thì kết quả cho thấy khá tệ với tình trạng thoái hóa khớp sớm, tỷ lệ mất vững vẹo ngoài tới hơn 75% và chức năng của cẳng tay hầu như ở mức kém khi đánh giá bằng các thang điểm lâm sàng, do đó cả bệnh nhân và phẫu thuật viên phải ý thức được nguy cơ đó khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị lấy bỏ chỏm quay. Cũng vì lý do đó, chỉ định thay chỏm quay nhân tạo có xu hướng tăng lên để điều trị những trường hợp gãy phức tạp có kèm theo sự mất vững này.
Leave a Reply