Hội chứng ACOS (Asthma-COPD Overlap Syndrome), có tên gọi khác là hội chứng chồng lấp Hen phế quản và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh có đặc điểm là suy giảm luồng khí mạn tính, với một số đặc trưng giống bệnh hen suyễn và một số đặc điểm giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Do đó, ACOS được xác định bởi các đặc điểm mà nó có chung với cả hen và COPD.
1.Những khó khăn trong phát hiện hội chứng ACOS
1.1 Khó khăn trong nghiên cứu
Như chúng ta đều biết, hen phế quản thường gặp ở đối tượng trẻ em và người trẻ tuổi. Mặt khác, COPD lại thường gặp ở những người cao tuổi. Vì vậy, việc nghiên cứu các đối tượng có HC ACOS thực sự khó khăn.
Các nghiên cứu về HC ACOS đa số đều dựa vào sự hồi cứu và quan sát quần thể COPD. Theo nghiên cứu của COPDGene, tỷ lệ mắc ACOS trong số bệnh nhân mắc hen và COPD là 13%. Tỉ lệ này không hề nhỏ, bởi hậu quả của ACOS có thể rất nặng nề.
1.2 Khó khăn trong việc chẩn đoán
Hội chứng ACOS vừa mang đặc điểm của hen và vừa mang những đặc điểm của COPD. Do đó, để phát hiện và chẩn đoán sớm HC ACOS là khá thách thức. Các bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm có thể dễ dàng bỏ qua về bệnh lý này.
2. Cơ chế gây bệnh
2.1 Các con đường có thể gây nên hội chứng ACOS
– Con đường thứ nhất: Khởi nguồn từ bệnh nhân hen suyễn khởi phát sớm. Thói quen hút thuốc trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến sự phát triển hạn chế luồng thông khí cố định và COPD.
– Con đường thứ hai: Khởi nguồn từ bệnh nhân mắc COPD có tiền sử hút thuốc lá lâu năm và các đặc điểm muộn của bệnh hen suyễn.
![Con đường dẫn đến hội chứng ACOS](http://noithathoaphat.in/ctv/wp-content/uploads/2023/04/cac-con-duong-ACOS-300x185.png)
2.2 Cơ chế bệnh sinh
ACOS là trường hợp đặc biết bắt nguồn từ sự tương tác giữa các rối loạn về di truyền, mô bệnh học và chức năng trong hen hoặc COPD.
Về rối loạn di truyền, Christenson và công sự tìm ra những dấu ấn các gen liên quan đến hen tăng lên rõ rệt ở bệnh nhân COPD chưa mắc hen nhưng có triệu chứng giống hen.
Về mô bệnh học, lớp màng nền và khối lương cơ trơn phế quản tăng lên, lớn hơn ở bệnh nhân COPD dẫn đến sựu ứ khí nhiều hơn ở bệnh nhân ACOS. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của bạch cầu ái toan hoặc bạch cầu đa nhân trung tính. Theo các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng, sự hiện diện của bạch cầu ai toan đáng kể trong mẫu đờm dự đoán đáp ứng tốt với ICS. Mặt khác, sự hiện diện của số lượng bạch cầu trung tính nhiều hơn trong đờm gần đây có liên quan đến tiên lượng xấu hơn ở bệnh nhân.
3. Các dấu hiệu chẩn đoán bệnh
3.1 Yếu tố nguy cơ
- Tuổi > 35
- Hút thuốc lá (đã hút thuốc lá) >= 10 bao – năm
- Tiếp xúc khói bụi, khí độc hại
- Tiền sử có thể mắc hen
3.2 Các triệu chứng gợi ý
- Ho nhiều, từng cơn
- Đờm nhầy, trong. Có thể trắng đục hoặc xanh, vàng
- Khó thở khi gắng sức dai dẳng, có thể thay đổi hoặc nặng hơn
3.3 Các xét nghiệm cận lâm sàng
Đo chức năng hô hấp:
- FEV1/FVC sau test hồi phục phế quản < 70% đối với những bệnh nhân có tiền căn hen
- FEV1 cải thiện >= 15% và >= 400 ml sau test hồi phục phế quản và/hoặc bạch cầu ái toan máu >= 300 BC/uL
XQ ngực thẳng:
- Tăng đậm các nhánh phế quản, hình ảnh phổi bẩn.
- Giãn phế nang
- Mạch máu ngoại vi thưa thớt, bóng khí
Cắt lớp vi tính lồng ngực: Hình ảnh khí phế thũng
Xét nghiệm đờm: tăng bạch cầu ái toan và/hoặc tăng bạch cầu đa nhân trung tính
4. Điều trị hội chứng ACOS
4.1 Điều trị thuốc
- ICS (liều lượng phụ thuộc vào mức độ các triệu chứng)
- LABA và/hoặc LAMA
4.2 Điều trị không dùng thuốc
- Ngừng hút thuốc lá
- Tiêm vacxin phòng ngừa: cùm, phế cầu
- Phục hồi chức năng hô hấp
- Tập thể dục thường xuyên
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ phòng các ổ nhiễm trùng đường hô hấp
Kết luận, hội chứng ACOS là một bệnh lý phổi phức tạp, có đặc điểm hỗn hợp giữa hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh thường gặp ở những người hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc lá kéo dài. Việc chẩn đoán và phân loại bệnh ACOS là một thách thức cho các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh ACOS là rất quan trọng để giảm thiểu các biến chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm tỷ lệ tử vong. Điều trị bệnh ACOS bao gồm các phương pháp như sử dụng thuốc, đồng thời bệnh nhân cần thay đổi lối sống, ngừng hút thuốc và tập thể dục thường xuyên… Hy vọng bài viết này giúp bạn đọc hiểu một cách cơ bản nhất về hội chứng chồng lấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen (HC ACOS).
![](chrome-extension://cianljdimgjlpmjllcbahmpdnicglaap/logo/48.png)
Leave a Reply