Phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ) gây ra triệu chứng như ho, sốt và khó thở. Theo WHO (2015) viêm phổi là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh VPMPCĐ là rất quan trọng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng. Dưới đây là các phương pháp phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đông

1. Nguyên tắc chung phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng
  • Loại bỏ các tác nhân kích thích có hại: thuốc lá, thuốc lào, bia rượu
  • Tiêm vacxin phòng bệnh: vacxin cúm, vacxin phòng phế cầu
  • Quản lý tốt bệnh lý nền: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)), đái tháo đường, bệnh gan thận mạn tính
  • Giữ ấm cổ mùa lạnh

2. Tiêm phòng vacxin trong phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

2.1 Vai trò của tiêm phòng trong phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

Tiêm phòng là một phương pháp phòng ngừa hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ). Việc tiêm phòng giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh VPMPCĐ.

Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh, như trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính, việc tiêm phòng là cách phòng ngừa an toàn và hiệu quả. Việc tiêm phòng cần phải được thực hiện đúng cách và đầy đủ liều lượng để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ngăn ngừa bệnh.

2.2 Tiêm phòng trong phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

2.2.1 Tiêm phòng cúm

Cúm A và B là các chủng cúm mùa gây ra nhiều đợt dịch trong những năm gần đây. Những chủng virus như H5N1, H1N1, H7N9 cũng là nguyên nhân gây nên các đợt dịch. Vì khả năng đột biến gen cao của virus cúm mùa, việc tiêm phòng hàng năm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm cúm.

Đặc biệt, tiêm phòng cúm đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh viêm phổi, đặc biệt là đối với người lớn tuổi và những người có suy giảm miễn dịch. Việc tiêm phòng cúm được khuyến cáo đối với những người lớn tuổi, bệnh nhân mắc bệnh lý tim và phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng hoặc suy giảm miễn dịch.

Chỉ định tiêm phòng cúm

  • Tuổi > 50 tuổi
  • Mắc bệnh tim phổi mạn tính, bệnh chuyển hóa mạn tính
  • Suy giảm miễn dịch
  • Bệnh nhân từ 6 tháng – 18 tuổi dùng aspirin kéo dài
  • Sống tại nhà dưỡng lão
  • Nhân viên y tế
  • Người thường xuyên tiếp xúc với người có nguy cơ cao

Lưu ý, do virus cúm có khả năng đột biến gen liên tục, việc tiêm phòng cúm được khuyến cáo thực hiện vào mùa thu – đông và có thể cần được tiêm lại hàng năm một lần.

vacxin cúm phòng viêm phổi mắc phải cộng đồng
vacxin cúm phòng viêm phổi mắc phải cộng đồng

2.2.2 Tiêm phòng phế cầu (Streptococcus pneumoniae)

Tiêm vacxin phòng phế cầu tránh được 60-70% VPMPCĐ ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch

Chỉ định tiêm phòng phế cầu

  • Bệnh tim phổi mạn tính.
  • Đái tháo đường.
  • Nghiện rượu.
  • Bệnh gan mạn tính.
  • Dò dịch não tủy.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Cắt lách.
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, suy thận mạn, dùng thuốc ức chế miễn dịch…

Nếu tiêm vacxin lần đầu dưới 65 tuổi, cần tiêm lại sau 5 năm. Tuy nhiên, nếu lần đầu tiêm là sau tuổi 65 thì không cần tiêm lại.

Đối với bệnh hồng cầu hình liềm, cắt lách, tình trạng suy giảm miễn dịch… nếu tiêm mũi đầu khi dưới 10 tuổi, cần tiêm lại sau 3 năm. Nếu tiêm mũi đầu trên 10 tuổi, cần tiêm lại sau 5 năm.

vacxin tiêm phòng phế cầu
vacxin tiêm phòng phế cầu

3. Cai thuốc lá trong phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

3.1 Vai trò của cai thuốc lá trong phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động, được chứng minh là yếu tố nguy cơ của bệnh phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ). Việc hút thuốc gây ra thay đổi về hình thái biểu mô của niêm mạc phế quản, suy giảm tế bào lông chuyển và tế bào tiết nhầy, tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan trên niêm mạc phế quản.

Trong quá trình cai thuốc lá, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt. Các loại thuốc hỗ trợ cai thuốc giúp người bệnh cai dễ dàng hơn.

3.2 Thuốc hỗ trợ cai thuốc lá

Nicotine thay thế

  • Các dạng thuốc: dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da
  • Thời gian dùng thuốc: trung bình 2-4 tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá của người bệnh
  • Chống chỉ định tương đối: bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (VD: nhồi máu cơ tim cấp)
  • Tác dụng phụ: gây kích ứng da khi dán; khô miệng, nấc, khó tiêu khi uống

Bupropion

  • Thời gian điều trị: 7-9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng
  • Chống chỉ định: không dùng cho BN động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, đang cai nghiện rượu, suy gan nặng.
  • Tác dụng phụ: mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật

Varenicline

  • Thời gian điều trị: 12 tuần, có thể kéo dài 6 tháng
  • Chống chỉ định tương đối: suy thận nặng
  • Tác dụng phụ: buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm,…

4. Các phương pháp phòng bệnh khác

  • Giữ ấm cổ khi thời tiết lạnh
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
  • Khám bác sĩ khi có những triệu chứng của viêm phổi mắc phải cộng đồng
  • Tái khám định kỳ kiểm soát bệnh lý nền

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *